QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

17/19 ‘quả đấm thép’ nộp ngân sách hơn 56.000 tỷ đồng, vượt 12% kế hoạch bất chấp Covid-19

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, trong năm 2020, tổng nộp ngân sách của 17/19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt trên 56.000 tỷ đồng, vượt 12% so với kế hoạch đề ra, bất chấp đại dịch Covid-19 bùng phát.

17/19 ‘quả đấm thép’ nộp ngân sách hơn 56.000 tỷ đồng, vượt 12% kế hoạch bất chấp Covid-19

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị. 

“Không can thiệp vào việc của doanh nghiệp, không để thất thoát, lãng phí vốn nhà nước”

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, nhiệm vụ năm 2021 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) diễn ra chiều 11/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao tinh thần nỗ lực, vượt mọi khó khăn của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của CMSC và các doanh nghiệp.

“Về cơ bản, Ủy ban đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Điều này góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế – xã hội chung của cả nước trong thời gian qua”, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định.

Phó thủ tướng Thường trực cũng đề nghị CMSC và các tập đoàn, tổng công ty cần chủ động triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 12-NQ/TW, khóa XII, để xây dựng đơn vị là một cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cùng với đó, đơn vị cần thực hiện tốt chức năng đại diện chủ sở hữu tại 19 tập đoàn, tổng công ty; bảo đảm mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chú trọng công tác đầu tư, phát triển doanh nghiệp nhà nước; nghiên cứu, triển khai chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp…

Đặc biệt, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh rằng, CMSC cần thực hiện đúng vai trò đại diện chủ sở hữu và không can thiệp vào các việc thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Song song với đó, CMSC cần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, không để xảy ra thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước…”, Phó thủ tướng Thường trực nói.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Thường trực cũng yêu cầu đơn vị tập trung thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị và chuẩn bị sẵn sàng cả về kiến thức, nguồn lực và năng lực để tồn tại và phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

Mặt khác, cần thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả ngành công thương. Đồng thời, tập trung rà soát, phát hiện các dự án, doanh nghiệp đang thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả khác của các doanh nghiệp, không để tổn thất lớn và kéo dài như 12 dự án của ngành công thương thời gian qua.

19 “quả đấm thép” ước lãi trước thuế hơn 21.000 tỷ đồng trong năm 2020

Báo cáo tại hội nghị, đại diện CMSC cho biết từ khi thành lập đến nay, đơn vị đã chủ trì hoặc phối hợp với các bộ, cơ quan hoàn thành xử lý 233/259 việc chuyển giao từ các bộ. Trong đó, năm 2020 hoàn thành xử lý 44 việc.

Cùng với đó, CMSC cũng có nhiều tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về một số nội dung, đơn cử như quyết định điều chỉnh vốn điều lệ của Tập đoàn Điện lực, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc, Tổng công ty Hàng hải; phê duyệt chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu của Tập đoàn Dầu khí, Tổng Công ty Đường sắt năm 2020 và giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản giai đoạn 2017-2020…

Thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp ngành công thương, CMSC đã rà soát, tổng hợp các hồ sơ, tài liệu, báo cáo và nắm tình hình thực tế của doanh nghiệp.

Các báo cáo, ý kiến tham mưu của CMSC đã làm rõ kết quả thực hiện xử lý của từng dự án, doanh nghiệp; phân tích, đánh giá đầy đủ thực trạng từng dự án, doanh nghiệp, đề xuất một số nội dung mới; có tính quyết liệt để xử lý nhanh hơn các dự án, doanh nghiệp; phương án xử lý phù hợp tình hình thực tế, theo cách tiếp cận sớm xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho Nhà nước.

Đến nay, trên cơ sở tham mưu của CMSC, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đưa 3 dự án, doanh nghiệp ra khỏi danh sách theo dõi của Ban Chỉ đạo.

Đáng chú ý, trong bối cảnh đại dịch gây khó khăn cho nền kinh tế, thế nhưng nhiều chỉ tiêu cơ bản đối với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2020 đã đạt và vượt kế hoạch giao.

Trong đó, một số chỉ tiêu nổi bật như tổng kim ngạch xuất khẩu của một số sản phẩm chủ yếu năm 2020 đạt trên 1,3 tỷ USD; tổng doanh thu của 19 doanh nghiệp đạt trên 767.000 tỷ đồng, xấp xỉ 88% so với kế hoạch năm 2020 và bằng 86% so với năm 2019.

Lợi nhuận trước thuế của 19 doanh nghiệp ước đạt trên 21.000 tỷ đồng, bằng 70% so với kế hoạch năm 2020 và bằng 33% so với năm 2019. Tổng nộp ngân sách của 17/19 doanh nghiệp đạt hơn 56.000 tỷ đồng, vượt 12% so với kế hoạch năm 2020 và bằng 79% so với năm 2019.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu cao trong năm 2020 như Tập đoàn Bưu chính viễn thông (8%), Tổng công ty Viễn thông Mobifone (20%), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (9%), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (10%).

Thêm vào đó, một số doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng về lợi nhuận so với năm 2019 cao như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (tăng 42%), Tập đoàn Bưu chính viễn thông (tăng 5%), Tập đoàn Công nghiệp cao su (tăng 5%).

Theo Việt Anh/ VietnamFinance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/1719-qua-dam-thep-nop-ngan-sach-hon-56000-ty-dong-vuot-12-ke-hoach-bat-chap-covid-19-20180504224248223.htm