QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

5 năm chỉ cổ phần hóa được 37/177 doanh nghiệp nhà nước: Bế tắc vì đâu?

Giai đoạn 2016 – 2020, có 177 doanh nghiệp nhà nước, có vốn nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị trên 443.500 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước trên 207.100 tỷ đồng. Thế nhưng, tính đến hết tháng 7/2020, chỉ có 37 doanh nghiệp thuộc danh mục theo quyết định số 26 tiến hành cổ phần hóa thành công.

Kiểm toán nhà nước phải giúp đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa.

Phát biểu tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” diễn ra ngày 24/11, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhận định, việc triển khai cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước hiện nay còn chậm, quá trình cổ phần hóa còn nhiều vấn đề tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

“Còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc về thể chế chậm được giải quyết, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản vô hình…”, ông Phớc nói.

Lý giải về nhận định này, ông Phớc cho biết, từ năm 2017 đến nay, toàn ngành đã thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2016 – 2020 của 16 doanh nghiệp.

Kết quả kiểm toán cho thấy, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế gây ảnh hưởng đến giá trị phần vốn của nhà nước, đặc biệt là những sai sót trong xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, hàng tồn kho, định giá tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán, giá trị quyền sử dụng đất…

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp tài sản tăng 15.447 tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn này, ngành đã kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại 45 doanh nghiệp. Trong đó, hầu hết các đơn vị được kiểm toán đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ.

Một số đơn vị chậm bàn giao tài sản, đất đai theo phương án cổ phần hóa hoặc sử dụng đất không đúng mục đích hay xác định nợ phải trả không chính xác.

Bên cạnh đó, ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố chưa có ý kiến, chậm có ý kiến hoặc chưa phê duyệt phương án sử dụng đất, giá đất… dẫn đến kết quả kiểm toán xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tăng 1.576 tỷ đồng.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, công tác kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán.

Cụ thể, số lượng các cuộc kiểm toán còn nhỏ so với yêu cầu, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa nhưng Kiểm toán Nhà nước chưa thực hiện kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp.

Thêm vào đó, khung khổ pháp lý hướng dẫn công tác xác định giá trị doanh nghiệp hiện nay còn nhiều bất cập liên quan đến các vấn đề xử lý tài chính, phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá trị tài sản vô hình, xác định giá trị quyền sử dụng đất.

“Tất cả những yếu tố này đã gây ảnh hưởng đến công tác kiểm toán, đặc biệt là việc lưu trữ, cung cấp hồ sơ tài liệu, hồ sơ pháp lý của tài sản hiện hành”, ông Phớc nói.

Cùng chung góc nhìn, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA) cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2020, có 177 doanh nghiệp nhà nước, có vốn nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị trên 443.500 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước trên 207.100 tỷ đồng.

Thế nhưng, tính đến hết tháng 7/2020, chỉ có 37 doanh nghiệp thuộc danh mục theo quyết định số 26 tiến hành cổ phần hóa thành công.

“Ngoài những vướng mắc và khó khăn khách quan, tiến độ chậm trễ này còn do các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước thiếu quyết liệt triển khai thực hiện cổ phần hóa. Chính vì vậy, vai trò của Kiểm toán Nhà nước là đảm bảo minh bạch các quan hệ kinh tế, tài chính nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Đồng thời góp phần minh bạch hóa trong đánh giá tài sản, giá trị doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa”, ông Thanh cho biết.

Ông Thanh cũng kiến nghị Kiểm toán Nhà nước cần sớm nhận thức lại yêu cầu và cách thức kiểm toán, chu trình kiểm toán phù hợp các quy trình xử lý tổng hợp thông tin kế toán, trình bày các thông tin tài chính trên báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế và Việt Nam.

Riêng trong kiểm toán doanh nghiệp cổ phần hóa, ông Thanh cho rằng Kiểm toán Nhà nước cần quan tâm đặc biệt đến việc xem xét và đánh giá môi trường kiểm toán.

“Cổ phần hóa doanh nghiệp là yêu cầu cấp bách của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu nền kinh tế cũng như xây dựng và vận hành nền kinh tế thị trường đa sở hữu ở Việt Nam. Đây là việc làm không dễ dàng, do đó Kiểm toán Nhà nước với vai trò là cơ quan và công cụ kiểm tra tài chính nhà nước cần đóng vai trò tích cực hơn, có hiệu quả hơn trong quá trình này”, ông Thanh nhấn mạnh.

Theo Việt Anh/ Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/5-nam-chi-co-phan-hoa-duoc-37177-doanh-nghiep-nha-nuoc-be-tac-vi-dau-20180504224246434.htm