QC 1
Thứ 7, ngày 07/12/2024 | Hotline: 0889.066.066

82% phần vốn góp tại Bảo hiểm FWD Việt Nam bị kê biên trong vụ Vạn Thịnh Phát

Trong công bố kết luận điều tra giai đoạn 2 của Cơ quan Cảnh sát điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các bên liên quan, đáng lưu ý là thông tin liên quan đến bảo hiểm FWD, khi Vạn Thịnh Phát được cho nắm 82% cổ phần tại đây

Bảo hiểm FWD bị kê biên 82% vốn cổ phần

Theo đó, trong số các tài sản kê biên giai đoạn 2 của vụ án, có 82% cổ phần tại Công ty TNHH bảo hiểm FWD Việt Nam (tương đương 492 tỉ đồng) do Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho 7 cá nhân và 3 công ty đứng tên sở hữu. Số tài sản này vừa bị kê biên ngày 28/5/2024.

Kết luận điều tra cũng ghi thêm, 18% cổ phần còn lại tại Bảo hiểm FWD do Hồ Quốc Minh và Nguyễn Tiến Thành nắm giữ. Hồ Quốc Minh đã xuất cảnh, còn Nguyễn Tiến Thành đã chết.

82% vốn cổ phần Bảo hiểm FWD bị kê biên trong đại án Vạn Thịnh Phát

Được biết, Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam (FWD Assurance Việt Nam) là một pháp nhân độc lập với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (FWD Việt Nam).

Theo một tư vấn viên của công ty bảo hiểm nhân thọ FWD, Công ty bảo hiểm FWD Việt Nam hiện nay không còn bán mới sản phẩm mà chỉ thu phí tái tục hàng năm, giải quyết bồi thường bảo hiểm và đáo hạn cho khách hàng đã tham gia trước đó.

Bảo hiểm FWD tiền thân của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank – Cardif (VCLI) từng là “đứa con cưng” của Vietcombank, năm 2020 đã thay đổi chủ sở hữu. Tập đoàn FWD là Tập đoàn bảo hiểm trực thuộc Tập đoàn đầu tư Pacific Century Group.

Liên quan cổ phần tại Bảo hiểm FWD, bị can Trương Mỹ Lan trình bày, đã mua lại 100% phần vốn góp nêu trên với giá 920 tỷ đồng. Trước đó, tại phiên tòa xét xử giai đoạn 1, bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị, với cổ phần công ty FWD, tòa nên xem xét lại giá cổ phần để thu hồi, khắc phục.

Bảo hiểm FWD làm ăn ra sao?

Theo BCTC năm 2023, Công ty TNHH bảo hiểm FWD Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm là hơn 233 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ là hơn 351 tỷ đồng. Đi ngược với doanh thu giảm, lợi nhuận sau thuế của bảo hiểm FWD lại tăng gấp đôi đạt hơn 69 tỷ đồng, năm 2022 là hơn 35 tỷ đồng.

Chi phí quản lý doanh nghiệp được xem là chiếm phần nhiều trong các chị phí của bảo hiểm FWD khi năm 2023 chi hơn 117 tỷ đồng cho khoản này. Đáng chú ý, nợ ngắn hạn tăng từ hơn 62 tỷ đồng năm 2022, lên hơn 102 tỷ đồng vào năm 2023.

Tổng tài sản tính đến 31/12/2023 đạt hơn 2.500 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ, con số nợ phải trả ở mức hơn 1.617 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính cũng ghi nhận, lưu chuyển tiền thuần tự hoạt động kinh doanh của bảo hiểm FWD năm 2023 là âm hơn 85 tỷ đồng, con số này của năm trước đó là dương hơn 56 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, công ty TNHH bảo hiểm FWD được thành lập ngày 23/10/2008, công ty được sở hữu bởi FWD Life Insurance Company (Bermuda) Limited, một công ty được thành lập tại Bermuda.

Ngày 14/03/2022 bảo hiểm FWD công bố thông tin đã được Bộ tài chính chấp thuận về nguyên tắc về việc chuyển đổi chủ sở hữu sang 1 nhóm 11 nhà đầu tư, được đại diện bởi Chứng khoán Tân Việt. Chứng khoán Tân Việt cũng được thông báo là bên đại diện của các chủ sở hữu để làm thủ tục chuyển quyền.

Theo xác nhận giữa FWD Life Insurance và TVSI, ngày 08/06/2022, quyền sở hữu của công ty đã được chuyển giao hoàn toàn sang các nhà đầu tư mới. Tuy vậy, không suôn sẻ như lần Vietcombank chuyển giao, ở lần chuyển nhượng này, vấn đề “chốt cuối” là cái phê duyệt thay đổi chủ sở hữu và điều chỉnh giấy phép hoạt động của Bộ Tài chính lại chưa có.

Trạng thái “mập mờ” này kéo dài đến nay đã 2 năm, tới thời điểm 31/12/2023, công ty vẫn đang trong quá trình “cung cấp thêm thông tin tới Bộ Tài chính về giao dịch chuyển nhượng vốn”.

Được biết, mặc dù cho đến 31/12/2023 Bảo hiểm FWD có tổng 66 nhân viên, giảm 34 người so với con số đầu năm. Tuy nhiên, theo thuyết minh Báo cáo tài chính 2023, tổng chi phí cho số người lao động này lên đến con số hơn 93 tỷ đồng.

Theo Hoàng Minh/ VietnamFinance