Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris có thể tác động lớn đến kinh tế Việt Nam. ACBS nhận định, ông Trump đắc cử có thể dẫn đến áp lực lên đồng VNĐ và ngành xuất khẩu, trong khi bà Harris có xu hướng giữ ổn định quan hệ thương mại. Dòng vốn FDI dài hạn vào Việt Nam có thể tăng.
- >> Ông Donald Trump doạ đánh thuế 60%, Trung Quốc lên cơn ‘đau đầu’
- >> Bầu cử Mỹ 2024: Ba lý do có thể khiến bà Harris thua cuộc
- >> Bầu cử tổng thống Mỹ: Quá trình kiểm phiếu và thời điểm công bố kết quả
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2025-2029 đang trong giai đoạn quyết định với cuộc tổng tuyển cử vào ngày 5/11/2024. Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, với tầm ảnh hưởng kinh tế và chính trị toàn cầu của Hoa Kỳ, kết quả bầu cử này có thể tác động sâu rộng đến các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Theo ACBS, ảnh hưởng ngắn hạn sẽ trước tiên tác động đến thị trường tài chính như cổ phiếu, trái phiếu và ngoại hối, tiếp đó là các tác động kinh tế và chính trị dài hạn.
Cuộc đua hiện tại giữa Phó Tổng thống Kamala Harris (Đảng Dân chủ) và cựu Tổng thống Donald Trump (Đảng Cộng hòa) đang diễn ra sít sao. Kamala Harris được kỳ vọng sẽ duy trì ổn định, tiếp nối các chính sách của người tiền nhiệm Joe Biden. Ngược lại, nếu ông Trump thắng cử, các chính sách thương mại quốc tế cứng rắn, đặc biệt là căng thẳng với Trung Quốc, có thể được tái khởi động.
So sánh chính sách kinh tế hai ứng viên tổng thống
Donald Trump: Chính sách của ông Trump tập trung vào giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, giảm các quy định hành chính và tăng cường chiến tranh thương mại, áp thuế nhập khẩu với hàng hóa từ các nước, đặc biệt là Trung Quốc.
Kamala Harris: Bà Harris có xu hướng tăng thuế với các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập cao, đồng thời chú trọng mở rộng phúc lợi lao động nhằm giảm bất bình đẳng thu nhập. Về đối ngoại, bà vẫn tập trung hạn chế hàng hóa từ Trung Quốc nhưng có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn.
Cả hai ứng viên đều có kế hoạch tăng ngân sách chi tiêu, điều này có thể khiến tỷ lệ thâm hụt ngân sách Mỹ tiếp tục gia tăng trong nhiệm kỳ mới.
Tác động đến kinh tế Việt Nam sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ
Với độ mở kinh tế lớn và phụ thuộc nhiều vào thương mại, Việt Nam sẽ chịu tác động đáng kể từ kết quả bầu cử này. Hoa Kỳ hiện là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị xuất siêu lên đến 83 tỷ USD, trong khi Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn nhất với mức nhập siêu 49 tỷ USD.
Tác động ngắn hạn: Nếu ông Trump đắc cử, đồng USD có khả năng tăng giá, gây áp lực giảm giá lên đồng VNĐ, hạn chế dư địa điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và lợi nhuận của ngành ngân hàng.
Ngoài ra, nếu ông Trump thực thi các biện pháp áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa Việt Nam, các ngành xuất khẩu như thủy sản, dệt may, đồ gỗ, thép có thể gặp khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam có thể hưởng lợi nếu giành thêm thị phần xuất khẩu từ Trung Quốc.
Tác động dài hạn: Việc giảm sự phụ thuộc vào nguồn hàng hóa từ Trung Quốc là chiến lược xuyên suốt của hai đời tổng thống Mỹ gần đây. Vì vậy, xu hướng FDI từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam được dự báo sẽ tiếp diễn trong các năm tới. Điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ sự tăng trưởng FDI của Việt Nam. Các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, vận tải & kho bãi sẽ được hưởng lợi nhờ sản lượng hàng hóa gia tăng.
Các mốc chính của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2025-2029 Ngày 5/11: Ngày bầu cử 25/11: Ngày cuối cùng để 17 tiểu bang và Đặc khu Columbia cho phép nhận phiếu bầu qua đường bưu điện. 17/12: Các đại cử tri họp tại các tiểu bang tương ứng để bầu ra tổng thống và phó tổng thống. 25/12: Hạn chót gửi phiếu đại cử tri đến Chủ tịch Thượng viện. 6/1/2025: Phó tổng thống chủ trì cuộc kiểm phiếu đại cử tri tại phiên họp chung của Quốc hội, sau đó công bố kết quả và tuyên bố người trúng cử. 20/1/2025: Tổng thống và phó tổng thống đắc cử nhậm chức. |