QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

ACV nộp gần 322 tỷ đồng do sai phạm tài chính, SASCO “hé lộ” 20 khu đất vàng

Qua thanh tra đã phát hiện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có nhiều sai phạm về tài chính, thuế, kê khai thiếu… dẫn tới buộc nộp bổ sung 322 tỷ đồng về ngân sách Nhà nước. Theo đó, trong công tác quản lý, chấp hành nghĩa vụ tài chính đối với quỹ đất lớn được giao cho ACV, SASCO… cũng hé lộ những góc khuất, đặt ra dấu hỏi lớn.

Qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm tài chính của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam

“Mập mờ” quản lý công nợ

Thanh tra Bộ Tài chính đã có kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam, gồm: Công ty mẹ, CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, CTCP Dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam và CTCP Dịch vụ mặt đất Sài Gòn.

Cơ quan thanh tra đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, tồn tại trong việc quản lý công nợ của doanh nghiệp. Cụ thể, tại 5 doanh nghiệp được thanh tra, nợ phải thu tại thời điểm 31/12/2017 là 8.020 tỷ đồng, mà chiếm tới 93,5% là nợ ngắn hạn. Số nợ quá hạn chiếm tới 367 tỷ đồng và phải dự phòng nợ phải thu khó đòi gần 343 tỷ đồng.

Qua thanh tra cho thấy có 4/5 doanh nghiệp chưa thực hiện đối chiếu, xác nhận đầy đủ nợ phải thu với số tiền 943 tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng nợ phải thu.

Nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị đã gửi bản xác nhận nợ nhưng đến thời điểm 31/12/2017 các khách nợ chưa gửi lại cho các đơn vị. Một số khách hàng chủ yếu là các hãng hàng không nước ngoài đã gửi biên bản xác nhận nợ nhưng hãng không gửi lại hoặc không thể liên hệ được với khách hàng do đã thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh…

Công ty mẹ – Tổng công ty chưa kịp thời xử lý thu hồi hơn 16 tỷ đồng là tiền ứng và thanh toán cho các nhà thầu ở một số hạng mục đã dừng thi công, dẫn tới phát sinh nợ khó đòi…

Đáng chú ý, CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS, do ACV nắm 48% vốn điều lệ) đã thực hiện xoá nợ phải thu khó đòi chưa đúng quy định hơn 26,1 tỷ đồng. Đây là các khoản nợ khó đòi tại Công ty cho thuê tài chính Agribank 2 (nợ 20,6 tỷ đồng), CTCP Hàng không Mekong (nợ 5,5 tỷ đồng) do đã bị huỷ bỏ giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không…

Trong quản lý Nợ phải trả, Thanh tra cũng chỉ ra nhiều vi phạm liên quan tới số tiền nợ hàng nghìn tỷ đồng, nợ quá hạn khó đòi… Tại thời điểm 31/12/2017, nợ phải trả của ACV là hơn 21.778 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay dài hạn hơn 14.414 tỷ đồng.

Tại 5 doanh nghiệp được thanh tra, nợ phải trả đến cuối năm 2017 lên tới 22.743 tỷ đồng, trong đó hơn 2.147 tỷ đồng là nợ phải trả quá hạn.

Thanh tra chỉ rõ: “có 4/5 doanh nghiệp chưa thực hiện đối chiếu đầy đủ nợ phải trả hơn 4.848 tỷ đồng, chiếm 21,3% Nợ phải trả”. Đây chủ yếu là các công nợ tại Công ty mẹ hơn 4.832 tỷ đồng, là khoản phải trả liên quan đến tài sản khu bay (tài sản nhà nước) như tiền sử dụng đất, người mua trả tiền trước, khoản phải trả khác…

Năm 2017, tổng chi phí của Tổng công ty ACV là hơn 9.892 tỷ đồng, qua Thanh tra phát hiện có 3 công ty hạch toán tăng không đúng số tiền 11,4 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế của ACV là hơn 5.343 tỷ đồng và lãi sau thuế 4.121 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế của 5 doanh nghiệp là hơn 6.115 tỷ đồng và lãi sau thuế 4.920 tỷ đồng.

Thanh tra cho rằng, 3 công ty đã hạch toán thiếu lợi nhuận của năm 2017 là hơn 19 tỷ đồng, chủ yếu ở Tổng công ty, công ty mẹ và SASCO. Hơn nữa, việc hạch toán tài chính cũng phát hiện số chênh lệch thu chi lên tới hàng chục tỷ đồng…

Trên cơ sở thanh tra, Thanh tra Bộ Tài chính xác định ACV phải nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước với số tiền hơn 321,8 tỷ đồng. Trong đó, tiền chênh lệch thu – chi từ hoạt động khu bay (tài sản nhà nước) là hơn 24 tỷ đồng, tiền một số công ty còn kê khai thiếu số phải nộp vào ngân sách hơn 297,8 tỷ đồng.

Thanh tra Bộ Tài chính yêu cầu lãnh đạo ACV xác định rõ nguyên nhân dẫn đến sai phạm của các tập thể, cá nhân để có hình thức xử lý kỷ luật theo quy định.

Quản lý quỹ đất rộng lớn

Sau khi cổ phần hoá, Tổng công ty ACV hiện quản lý, sử dụng 54 địa chỉ đất là hạ tầng các sân bay lớn tại nhiều địa phương với tổng diện tích đất gần 32,9 triệu m2. Trong đó, hơn 1,46 triệu m2 đất thuê để xây dựng nhà ga hành khách, bãi xe, văn phòng, kho bãi… Còn phần lớn là đất hạ tầng phục vụ sân bay được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất.

Về nghĩa vụ tài chính đối với quỹ đất, Thanh tra chỉ rõ, tổng diện tích đất trả tiền thuê hàng năm phải nộp tiền 57 tỷ đồng và ACV đã nộp đủ về ngân sách. Còn hơn 108.369m2 đất thuê chưa nộp tiền sử dụng đất nhưng ACV đã xác định số tiền phải nộp để hạch toán vào chi phí là 77,4 tỷ đồng.

SASCO: “Quên” định giá đất vàng?

Kết luận thanh tra Bộ Tài chính đã cho thấy SASCO đang quản lý, sử dụng 20 khu đất với tổng diện tích hơn 7.215.299m2. Trong số này, có 3 khu đất là đất thuê với diện tích 1.362.324m2, 5 khu đất Nhà nước tạm giao chưa có hợp đồng thuê với diện tích 5.774.962m2.

“Các khu đất này đang tiếp tục đền bù giải phóng mặt bằng, chưa có quyết định giao đất (hoặc thuê đất) do đó chưa có cơ sở thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất”, Thanh tra nêu rõ.

Các khu đất này đều có vị trí đắc địa tại các địa phương du lịch biển như khu đất khách sạn Sasco Nha trang, dự án Suối Nhung (Bình Phước), khu đất Vũng Bầu (Phú Quốc), khu đất mỏ nước khoáng Ba Ngòi và khu đất bắc bán đảo Cam Ranh.

Ngoài ra, SASCO đã nhận chuyển nhượng 12 khu đất (78.012m2) để làm dự án, sản xuất kinh doanh… Đây là quỹ đất đai màu mỡ, có giá trị thị trường rất lớn.

Đáng chú ý, báo cáo của SASCO còn hé lộ 1 khu đất lớn 10.316m2 tại huyện Hóc Môn, TP HCM thuộc loại đất phải định giá, nhưng khi SASCO chuyển sang Công ty cổ phần, khu đất này chưa được định giá làm cơ sở để xác định giá trị phần vốn nhà nước tại công ty này. SASCO đã thuê công ty thẩm định giá, gửi hồ sơ lên Sở TN&MT TP.HCM đề nghị phê duyệt giá trị khu đất này. Đến thời điểm thanh tra tháng 7/2018, UBND TP HCM chưa có quyết định phê duyệt nên SASCO chưa có cơ sở để nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp..

Hai công ty của vợ chồng ông Jonathan Hạnh Nguyễn đã thâu tóm SASCO với sở hữu hơn 40,18% cổ phần 

Theo kết luận thanh tra, SASCO đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với các khu đất thuê, đất được giao, nhưng vẫn còn 2 khu đất thuê (1.34.209m2) chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ngân sách, gồm: khu đất Suối hoa Đà Lạt là 1.311.300m2 và khu đất tại Bình Dương là 28.909m2.

Nắm trong tay quỹ đất đai rộng lớn, nhất là các khu đất ven biển có giá trị thị trường lớn nên SASCO được ví như “mỏ vàng” lộ thiên. Do đó, lâu nay nhiều nhà đầu tư quan tâm và chờ cơ hội thâu tóm doanh nghiệp này khi nhà nước tiếp tục thoái vốn.

Cuối năm 2017, IPP Group của “vua hàng hiệu” Jonathan Hạnh Nguyễn đã mua hơn 1,66 triệu cổ phiếu SAS, nâng sở hữu lên 33,29 triệu cổ phần và chiếm 24,94% vốn điều lệ SASCO. Trước đó, ông Jonathan được bầu giữ vị trí Chủ tịch HĐQT SASCO từ tháng 4/2017.  Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (vợ ông Jonthan – bà Lê Hồng Thủy Tiên làm Uỷ viên HĐQT) cũng mua thêm cổ phiếu để nắm 20,33 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 15,24% vốn). Hai cổ đông lớn này đã nắm tổng cộng 40,18% cổ phần SASCO.

Theo Kim Anh/Kinh tế môi trường