QC 1
Thứ 5, ngày 12/12/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ai đã bán 300 triệu cổ phiếu VIB, thu hơn 5.500 tỷ đồng chỉ trong một ngày?

Khối ngoại đã bán thỏa thuận 300 triệu cổ phiếu VIB trong phiên 29/10, thu về hơn 5.540 tỷ đồng. Số lượng bán ra tương đương hơn 10% vốn điều lệ của VIB, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài xuống còn khoảng 5,4%.

Phiên giao dịch ngày 29/10, khối ngoại đã thực hiện một giao dịch lớn khi bán thỏa thuận 300 triệu cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) với mức giá trung bình 18.467 đồng/cổ phiếu, thu về tổng cộng hơn 5.540 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu này tương đương hơn 10% vốn điều lệ của ngân hàng.

Chốt phiên 29/10, thị giá của VIB đứng ở mức 18.750 đồng/cổ phiếu, tăng 2,74% so với phiên trước đó. Như vậy, mức giá bán thỏa thuận của khối ngoại thấp hơn khoảng 1,5% so với giá đóng cửa phiên này.

Đáng chú ý, khối lượng mua vào cổ phiếu VIB của khối ngoại bằng 0, nên có thể xác định toàn bộ số cổ phiếu này được hấp thụ bởi nhà đầu tư trong nước. Sau giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại VIB giảm về khoảng 5,4%.

Diễn biến giá cổ phiếu VIB từ đầu năm 2024 đến nay

Tính đến ngày 1/10/2024, Commonwealth Bank of Australia (CBA) vẫn là cổ đông ngoại lớn nhất của VIB với tỷ lệ nắm giữ 14,78% vốn điều lệ, tương đương hơn 440 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 96% số lượng cổ phiếu do nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tại VIB. Do đó, có thể xác định rằng cổ đông chiến lược CBA chính là bên đã bán ra phần lớn, hoặc toàn bộ cổ phiếu trong phiên 29/10.

CBA hiện chưa có thông cáo chính thức xác nhận giao dịch này. Tuy nhiên, trong thông cáo ngày 24/9/2024, CBA đã từng công bố thoái gần 5% vốn điều lệ tại VIB vào cùng ngày, thu về khoảng 2.700 tỷ đồng (gần 160 triệu USD). CBA cho biết việc thoái vốn này sẽ giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 (CET1) thêm 3 điểm cơ bản, theo số liệu tài sản có rủi ro tín dụng (RWA) tính đến ngày 30/6/2024.

Động thái thoái vốn của CBA được lý giải là phù hợp với chiến lược của ngân hàng này, tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi tại thị trường Australia và New Zealand. CBA cũng bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của VIB và nhấn mạnh rằng sự mở rộng cơ cấu cổ đông sẽ hỗ trợ tốt cho các mục tiêu tương lai của VIB. Tuy nhiên, thông cáo của CBA không đề cập liệu ngân hàng này có tiếp tục thực hiện các đợt thoái vốn khác trong tương lai hay không.

Kể từ tháng 7/2024, VIB đã giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 4,99%

Được biết, kể từ tháng 7/2024, VIB đã giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 4,99% (tương đương 148,7 triệu cổ phiếu), thấp hơn nhiều so với mức tối đa trước đó là 20,5%. Điều này cho thấy ngân hàng có động thái điều chỉnh chiến lược về cơ cấu sở hữu để bảo vệ quyền lợi và quản lý dòng vốn nước ngoài một cách hiệu quả.

Về kết quả kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2024, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 6.600 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính riêng trong quý III/2024, lợi nhuận của ngân hàng đạt khoảng 1.995 tỷ đồng, giảm 26%. Tính đến cuối tháng 9, ngân hàng đã thực hiện được khoảng 54,8% kế hoạch lợi nhuận trước thuế được Đại hội đồng cổ đông thông qua là 12.045 tỷ đồng.

Tổng tài sản của VIB đến cuối tháng 9 đạt hơn 445.000 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng gần 12%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng trung bình của ngành là 9%. Đáng chú ý, huy động vốn của ngân hàng cũng tăng 8%, gần gấp đôi so với mức trung bình của ngành. Tỷ lệ nợ xấu của VIB vào cuối quý III duy trì ở mức 2,67%…

Theo Nguyên Nam/Kinh tế Chứng khoán