QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Alphanam giải thể sau 5 năm rời sàn

Đại hội cổ đông gần đây của Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam (Alphanam) đã thông qua quyết định giải thể công ty. Đây là bước tiếp theo trong lộ trình tái cấu trúc công ty có lịch sử gần 20 năm của gia đình doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải.

Được biết, sau khi rời sàn chứng khoán gia đình ông Nguyễn Tuấn Hải đã mua lại phần lớn cổ phần và nắm giữ hơn 90% Công ty Đầu tư Alphanam. Cổ phiếu ALP của Alphanam từng là một cổ phiếu “hot” trên thị trường chứng khoán giai đoạn 2009 – 2010 với thanh khoản cao và biến động giá liên tục. Khi đó, công ty hoạt động kinh doanh và đầu tư tài chính trên mọi lĩnh vực từ sản xuất thiết bị điện và vật liệu điện; cho thuê ôtô, buôn báo gạo, bất động sản, lắp đặt thang máy…với gần 20 công ty con và liên doanh.

Tuy vậy, kết quả đầu tư mở rộng không như mong muốn, Alphanam liên tục thua lỗ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Đến năm 2013, công ty quyết định hủy niêm yết và thực hiện tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình từ công ty đại chúng sang công ty gia đình. Các thành viên trong gia đình ông Hải nắm giữ trên 90% cổ phần công ty.

Alphanam giải thể sau 5 năm rời sàn chứng khoán

Báo cáo năm 2018 của Alphanam cho biết, Công ty đã dừng các hoạt động đầu tư tài chính, cơ bản trả hết nợ ngân hàng và các đối tác. Đồng thời thoái vốn khỏi các lĩnh vực không chủ trương đầu tư và hoạt động kém hiệu quả. Năm nay Công ty sẽ không ký các hợp đồng quá 6 tháng, tiếp tục giải quyết các công nợ dở dang còn lại với ngân hàng và đối tác nhằm đáp ứng điều kiện giải thể theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo tài chính quý I, Công ty mẹ Alphanam còn khoản vay nợ và thuê tài chính ngắn hạn 49 tỷ đồng. Theo ghi nhận cuối năm 2018, đây chủ yếu là khoản vay ngân hàng BIDV được thế chấp bằng các tài sản của bên thứ 3. Liên quan đến hoạt động kinh doanh, Công ty đang ghi nhận 606 tỷ đồng các khoản phải thu đồng thời phải trả ngắn hạn khoảng 350 tỷ đồng và người mua trả tiền trước hơn 323 tỷ đồng. Tài sản chính của Alphanam là các khoản đầu tư vào công ty con và công ty liên doanh, được ghi nhận tổng giá trị khoảng 2.094 tỷ đồng.

Trong đó chủ yếu là các công ty liên quan đến lĩnh vực bất động sản như Công ty địa ốc Foodinco, Công ty ĐTPT Vinacon, Công ty Đầu tư CVVH Mường Hoa, Foodinco Quy Nhơn…

Với việc các cá nhân trong gia đình sở hữu phần lớn cổ phần tại Công ty Đầu tư Alphanam, việc giải thể công ty dường như không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Tập đoàn Alphanam của ông Hải. Cổ phần các công ty con và liên doanh có thể được chuyển nhượng cho các công ty khác cũng do các thành viên trong gia đình nắm giữ. Thay vì đầu tư dàn trải, bất động sản và khách sạn du lịch là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của tập đoàn Alphanam trong những năm gần đây.

Thông qua các công ty liên quan, Alphanam đã và đang phát triển một loạt dự án căn hộ, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và cả khu đô thị ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ngoài việc hợp tác với các thương hiệu lớn như Sheraton, Marriott tại các dự án Four Points by Sheraton hay M Lanmark ở Đà Nẵng, Tập đoàn Alphanam còn xây dựng một thương hiệu riêng để vận hành là Altara.

Mới đây Tập đoàn giới thiệu dự án Altara Residences cao 40 tầng tại Quy Nhơn. Trước đó là dự án căn hộ King Palce tại Hà Nội. Ngoài ra, Tập đoàn Alphanam còn phát triển dự án Khu đô thị Golden City tại An Giang và Công viên Văn Hóa Mường Hoa tại Sapa, Lào Cai.

Theo Hoàng Hà/Thời báo chứng khoán