QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ẩn số COVID và nguy cơ điều chỉnh của VN-Index trong tuần đầu tháng 8/2021?

Sự hồi phục của VN-Index trong tuần qua cho thấy thị trường tạo đáy ở mốc 1 là 1.250 điểm và test lại vùng 1.260 điểm và quay lên luôn. Ông Ngọc nhìn nhận, đây là điểm tích cực và cho thấy, thị trường khó giảm sâu hơn nữa.

Trong tuần giao dịch đầu tháng 8/2021, nhiều chuyên gia nhận định thị trường sẽ tiếp đà hồi phục, nhưng vùng 1.340 điểm có thể xuất hiện rung lắc.

VN-Index khó có cơ hội về lại vùng 1.200 điểm

Cần nhìn nhận lại tuần giao dịch vừa qua như thế nào? Có thể thấy rằng, sau 3 tuần liên tiếp thị trường chịu áp lực bán mạnh, tâm lý nhà đầu tư khá bi quan, chán nản (đặc biệt ở tuần trước nữa) nên trạng thái thanh khoản 2 tuần gần đây ở mức thấp.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCK Kiến thiết Việt Nam (VNCS) cho rằng, thị trường tuần qua có hồi phục mà chưa đi kèm thanh khoản tăng, cũng là tín hiệu cho thấy thị trường đang ở vùng nền giá thấp; các nhà đầu tư đến đoạn này đã không còn cố gắng bán giá thấp. Theo đó, thị trường đang hồi phục lên với trạng thái thận trọng.

Bất kể đợt nào mà thị trường có sự ổn định hơn, hồi phục trở lại đều đi kèm với thanh khoản thấp – nên không có gì xấu, chỉ là phản ánh đúng thực trạng của thị trường. Sự hồi phục của thị trường trong tuần qua cho thấy thị trường tạo đáy ở mốc 1 là 1.250 điểm và test lại vùng 1.260 điểm và quay lên luôn. Ông Ngọc nhìn nhận, đây là điểm tích cực và cho thấy, thị trường khó giảm sâu hơn nữa.

Nhận định về tuần này, ông Ngọc cho rằng, tại thời điểm này mà nói, nhiều nhà đầu tư vẫn đang còn rất nghi ngờ về việc thị trường hồi phục, nhiều người cũng lỡ sóng (khi bán từ đầu tuần trước) và chỉ mong thị trường giảm về 1.200 để mua – điều này sẽ không xảy ra nữa. Chính bởi tâm lý đấy nên việc bán ở vùng đáy thì càng làm cho tâm lý chung là nghi ngờ.

Câu chuyện hiện tại là chọn cổ phiếu nào để mua. Mùa công bố kết quả kinh doanh quý II/2021 sắp kết thúc với tăng trưởng doanh thu 30%, lợi nhuận hơn 86% (nhờ lợi nhuận khác, từ đầu tư) với các doanh nghiệp đã công bố.

Các doanh nghiệp tăng trưởng cao lợi nhuận là những doanh nghiệp vốn hóa lớn như bank – chứng – thép, thực phẩm đồ uống, công nghệ, bán lẻ… Với doanh nghiệp có nửa đầu năm kinh doanh tốt mà giá cổ phiếu giảm mạnh thì đó là cơ hội. Ở nền giá thấp như hiện nay, PE dưới 17 lần thì đầu tư không có gì lo ngại.

Khả năng VN-Index giảm điểm vẫn còn

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC) nhận định, lực cầu giá cao tiếp tục đổ vào thị trường giúp cho các chỉ số chứng khoán hai sàn tăng cả về điểm số lẫn thanh khoản và đóng cửa ở (gần) mức cao nhất trong ngày. Với phiên tăng này, VN-Index, VN30 đã vượt lên trên đường MA20 ngày để cải thiện xu hướng ngắn hạn còn VNMidcap, VNSmallcap cũng tăng điểm sau khi đã vượt lên trên đường MA20 trong phiên trước đó nhưng chưa thể đóng cửa trên kháng cự trung hạn MA50 ngày. Trong khi đó, HNX Index là chỉ số đầu tiên vượt lên trên đường MA50 dù chưa tạo đủ khoảng cách an toàn để tạo ra sự thuyết phục.

Ông Đức dự báo trong phiên giao dịch tới, các chỉ số như VN-Index, VNMidcap, VNSmallcap sẽ có nhịp tăng đầu ngày để kiểm định kháng cự MA50 ngày trước khi có thể thoái lui để kiểm định sức mạnh của lực bán từ kháng cự.

Theo đó, VCSC không loại trừ khả năng VN-Index sẽ có nhịp giảm để kiểm định lại đường MA20 ngày tại vùng 1.303 điểm vừa vượt qua. Một phiên kiểm định hỗ trợ tích cực sẽ góp phần củng cố đà hồi phục hiện tại của VN-Index ở những phiên sau đó, giúp chỉ số này hướng lên ngưỡng cản tiếp theo tại 1.340-1.345 điểm.

Về xu hướng dòng tiền, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Việt Nam cho biết, diễn biến trong 2 tuần gần nhất, dòng tiền có tính chất đầu cơ, lướt sóng nhiều hơn, thể hiện ở nhóm midcap và smallcap hút dòng tiền nhiều hơn.

Trong tuần này, xu hướng chung đi ngang vẫn cao nhưng nếu VN-Index vượt vùng 1.315 – 1.320 điểm, thị trường có thể đi theo xu hướng tăng ngắn hạn trở lại. Mặc dù rủi ro chưa giảm hẳn, nhưng cơ hội make money đã có. Dòng tiền đang phân hóa ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp có thể đứng yên quan sát, với khẩu vị rủi ro cao hơn, có thể tìm kiếm cơ hội và giải ngân ở tỷ trọng vừa phải.

Cẩn trọng yếu tố dịch bệnh

Trong báo cáo mới được công bố, Công ty Chứng khoán MBS cho biết, 2 phiên tăng điểm cuối tuần trước đã khiến nhà đầu tư kỳ vọng “đỉnh dịch là đáy chứng khoán”.

Tuy nhiên, MBS cho rằng, vẫn cần theo dõi thêm việc kiểm nghiệm các vùng kháng cự MA50 ngày của VN-Index trong tuần này để có chiến lược giao dịch hợp lý. Sự cẩn trọng vẫn tiếp tục nên được duy trì bởi sau mùa báo cáo tài chính quý II, thị trường cũng sẽ đối mặt với giai đoạn trống thông tin hỗ trợ. Thêm vào đó, diễn biến tích cực của kết quả kinh doanh cũng đã phản ảnh vào giá cổ phiếu. Và yếu tố khó lường của biến chủng Delta vẫn đang là một ẩn số có thể tác động đến thị trường bất cứ lúc nào khi số ca nhiễm mới tại hai đầu thành phố lớn là TP. HCM vẫn đang ở mức cao và các ca mắc mới vẫn đang tăng tại Hà Nội.

Trong kịch bản lạc quan, nếu thanh khoản phục hồi trở lại nền giao dịch ở mức cao (khoảng 18 -20 nghìn tỷ/phiên) ở các phiên kế tiếp, nhịp phục hồi có khả năng tiếp tục được mở rộng qua ngưỡng MA50. Hiện các mô hình kỹ thuật (theo đồ thị ngày) đang có sự đồng thuận về triển vọng của một nhịp phục hồi ngắn hạn.

Trong kịch bản cơ sở, nếu thanh khoản phục hồi chậm theo hướng đi ngang hoặc giảm nhẹ thì khả năng VN-Index vẫn chỉ dao động trên vùng đáy kỹ thuật vừa được thiết lập và kháng cự MA50 ngày. Tương đương với vùng dao động 1.280 – 1.337 điểm nằm trong khoảng giữa MA100 và MA50 với các nhịp rung lắc và chốt lời lượng hàng bắt đáy về tài khoản có thể diễn ra.

Về chiến lược đầu tư, MBS cho rằng nhà đầu tư trading đã mua được ở vùng đáy kỹ thuật 1.225 – 1.255 điểm có thể xem xét chốt lời dần nếu chỉ số VN-Index có tín hiệu suy yếu khi chạm các vùng kháng cự mạnh như 1.337 – 1.350 – 1.371 điểm. Hạn chế mua đuổi tăng tỷ trọng trong những nhịp tăng nóng.

Với nhà đầu tư giải ngân mới cho nhịp tăng trung hạn, cần quan sát vùng kháng cự MA50 tương ứng 1.337 điểm. Nếu vượt qua vùng này một cách chắc chắn với thanh khoản gia tăng, xu hướng tăng được thiết lập có thể tham gia tăng dần tỷ trọng.

Ngược lại, nếu xu hướng đảo chiều xuất hiện, nhà đầu tư có thể cần chốt lời và quan sát chờ điểm mua nếu diễn biến giảm của chỉ số quay trở lại với các vùng hỗ trợ mạnh như 1.265 – 1.225 – 1.200 điểm.

Theo Yến Thanh/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn:https://kinhtechungkhoan.vn/an-so-covid-va-nguy-co-dieu-chinh-cua-vn-index-trong-tuan-dau-thang-82021-99282.html