QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Áp lực lạm phát dần trở lại

Trong kịch bản xấu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 có thể tăng vượt mốc 4%, khiến Ngân hàng Nhà nước phải áp dụng chính sách tiền tệ thận trọng hơn nhằm kiềm chế lạm phát. Điều này có thể sẽ gây ra tác động tiêu cực đến thị trường cổ phiếu, theo nhận định của KBSV.

Áp lực lạm phát dần trở lại

Chiều 25/2, giá xăng bán lẻ trong nước đã tăng khoảng 800 đồng/lít. Cụ thể, giá xăng bán lẻ E5RON92 và RON95 lần lượt tăng lên 17.031 và 18.084 đồng/lít, tương đương tăng 722 và 814 đồng.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore tiếp tục xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, dữ liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến ngày 23/2, giá xăng RON 92 và RON 95 bình quân trên thị trường Singapore lần lượt là 67,4 USD/thùng và 69 USD/thùng, tăng xấp xỉ 9% so với kỳ điều hành trước.

Dù giá xăng tăng khá mạnh nhưng trước mắt, theo nhận định của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tình hình lạm phát trong tháng 2 chưa đáng lo ngại. Lý do là thị trường vẫn chịu ảnh hưởng đáng kể bởi dịch Covid-19 bùng phát ngay trước Tết Nguyên Đán.

“Mặc dù giá xăng bán lẻ bình quân trong tháng 2 đã tăng hơn 4% so với tháng 1, tuy nhiên vẫn giảm 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái, do vậy áp lực từ nhóm hàng này lên chỉ số CPI bình quân tháng 2 là không nhiều. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát ngay trước dịp Tết Nguyên đán đã làm hạ nhiệt nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của người dân vào Tết Nguyên đán và giúp mặt bằng giá không tăng mạnh như các năm trước đó. Do vậy, chúng tôi dự báo chỉ số CPI trong tháng 2 chỉ tăng khoảng 0,2% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ”, chuyên gia của KBSV nêu quan điểm.

Trong khi đó, kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước về kỳ vọng lạm phát của các tổ chức tín dụng trong tháng 2/2021 cho thấy tín hiệu kém khả quan hơn. Cụ thể, các tổ chức tín dụng kỳ vọng lạm phát tháng 2 sẽ tăng 0,37% so với tháng 1/2021, cao hơn đáng kể mức dự báo 0,2% của KBSV.

Dù vậy, lạm phát trong quý I/2021 có thể chưa tạo áp lực rõ rệt. Kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước về kỳ vọng lạm phát của các chuyên gia kinh tế cho thấy CPI bình quân quý I/2021 có thể chỉ tăng 2,92% so với CPI bình quân quý I/2020.

Tuy nhiên, câu chuyện có thể khác trong quý II và quý III năm nay.

Theo quan điểm của KBSV, áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh trong quý II và quý III với mức nền thấp trong năm 2020 do giá xăng bán lẻ tạo đáy dưới tác động của dịch Covid-19.

“Giả định giá các loại hàng hóa khác không có biến động bất thường, với việc giá xăng dầu chiếm tỷ trọng khoảng 4% trong rổ CPI, chúng tôi ước tính CPI bình quân 2021 có thể tăng vượt mốc 4% nếu giá xăng RON95 bình quân 2021 tăng 30% so với cùng kỳ (tương đương mức 20.500 đồng/lít, cao hơn 13,4% so với mức hiện tại). Nếu rủi ro này xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước có thể phải áp dụng các chính sách tiền tệ thận trọng hơn để kiềm chế lạm phát (tăng lãi suất, giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng), qua đó sẽ gây ra các tác động tiêu cực đến dòng tiền trên thị trường cổ phiếu”, chuyên gia của KBSV nhấn mạnh.

Tuy nhiên, KBSV không đánh giá cao kịch bản giá dầu sẽ tăng mạnh từ mức giá hiện tại do nguồn cung dự báo được cải thiện về cuối năm.

“Tổng hợp dự báo của các tổ chức lớn trên thế giới cho thấy thị trường kỳ vọng giá dầu WTI biến động xung quanh mức 58 USD/thùng cho năm 2021 (thấp hơn 8% so với mức giá hiện tại). Ngoài ra, quỹ bình ổn xăng dầu hiện ước tính còn 3.500 tỷ đồng có thể tiếp tục được sử dụng trong trường hợp cần thiết để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu”, chuyên gia của KBSV lưu ý.

Theo Minh Tâm/ VietnamFinance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/ap-luc-lam-phat-dan-tro-lai-20180504224249988.htm