QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bà Rịa – Vũng Tàu xem xét thu hồi 6 dự án lãng phí tài nguyên đất ở huyện Xuyên Mộc

Các dự án nằm trong danh sách xem xét thu hồi, gồm: Khu du lịch Trung Sơn, Khu du lịch Qudos Hồ Tràm, Khu du lịch Tuấn Anh, Khu du lịch nghỉ dưỡng Phú An, Khu biệt thự Sài Gòn – Hồ Tràm (Savico), Khu biệt thự Bình Minh, đều thuộc huyện Xuyên Mộc.

Giữa tháng 6/2022, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành văn bản số 6995/UBND-VP, chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Thanh tra tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương xem xét, xử lý 6 dự án chậm triển khai theo kiến nghị của Ban Thường vụ Huyện ủy Xuyên Mộc tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy về triển khai nhiệm vụ năm 2022. Thời hạn hoàn thành trước ngày 30/06/2022.

Trong đó, giao Sở TN&MT và Thanh tra tỉnh thường xuyên cập nhật tình hình, tiến độ thực hiện dự án. Sở KH&ĐT là cơ quan đầu mối chủ trì theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện các thủ tục theo quy định; Kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý và báo cáo Thường trực Tỉnh ủy tình hình, tiến độ giải quyết nội dung kiến nghị.

6 dự án chậm triển khai được đưa vào danh sách xem xét, xử lý bao gồm: Khu du lịch Trung Sơn, Khu du lịch Qudos Hồ Tràm,  Khu du lịch Tuấn Anh, Khu du lịch nghỉ dưỡng Phú An, Khu biệt thự Sài Gòn – Hồ Tràm (Savico), Khu biệt thự Bình Minh.

“Ôm” đất nhiều năm nhưng không triển khai dự án

Theo tìm hiểu của Phóng viên, ngày 16/4/2002, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành văn bản số 1356/UB-VP chấp thuận chủ trương đầu tư để Công ty TNHH Trung Sơn (nay là Công ty CP Đầu tư Trung Sơn) thực hiện dự án Khu du lịch Trung Sơn với diện tích hơn 11 ha, tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.

Khu đất xây dựng dự án Khu du lịch Trung Sơn – Hồ Tràm trên địa bàn huyện Xuyên Mộc bỏ không suốt gần 20 năm qua.

Đến ngày 15/7/2003, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có Quyết định 6561/QĐ.UB phê duyệt quy hoạch 1/500 cho dự án và sau đó cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số T00885 vào ngày 21/1/2005 (giao đất miễn tiền sử dụng đất).

Tuy nhiên, kể từ khi được UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ đến nay, Công ty CP Đầu tư Trung Sơn vẫn chưa thực hiện các thủ tục để triển khai dự án, như: Lập và trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa lập thiết kế cơ sở, chưa được phê duyệt phòng cháy chữa cháy, chưa làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng và dự án này thuộc vào diện chậm triển khai.

Ngoài ra, dự án này còn bị một số người dân làm đơn phản ánh tới cơ quan chức năng và báo chí về việc Công ty CP Đầu tư Trung Sơn thế chấp toàn bộ dự án tại ngân hàng để bảo lãnh cho một công ty khác vay tiền dùng vào việc khác, thay vì vay vốn để triển khai dự án và đưa đất vào sử dụng.

Đối với dự án Khu du lịch Qudos Hồ Tràm, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp Giấy chứng nhận lần đầu năm 2008 cho Công ty TNHH Qudos Hồ Tràm (doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài) làm chủ đầu tư, diện tích khoảng 5,7 ha. Khu đất thực hiện dự án có 1,6ha đất quốc phòng do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh quản lý; 4,1 ha đất rừng đặc dụng do Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu quản lý và 0,23ha do UBND xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc quản lý.

Dự án từng nhiều lần nhận được văn bản thỏa thuận địa điểm (vào tháng 3/2012, tháng 9/2015). Tại văn bản thoả thuận hồi tháng 9/2015, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nêu rõ, văn bản chỉ có giá trị trong vòng 12 tháng kể từ ngày ban hành. Quá thời hạn, nếu chủ đầu tư không thực hiện các thủ tục trình duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và thủ tục đầu tư xây dựng liên quan theo quy định hiện hành mà không có báo cáo lý do và được sự chấp thuận của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì văn bản này sẽ hết hiệu lực, mọi phí tổn đều do nhà đầu tư chịu. Kích thước và diện tích khu đất sử dụng theo bản vẽ chỉ là tương đối để chủ đầu tư có cơ sở triển khai khảo sát, lập quy hoạch chi tiết 1/500 và dự án đầu tư xây dựng dự án.

Đến tháng 2/2017, UBND huyện Xuyên Mộc ban hành Quyết định phê duyệt qui hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 KDL Qudos Hồ Tràm. Tuy nhiên, trải qua 14 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận lần đầu, đến nay dự án vẫn đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn về các thủ tục pháp lý đất đai. Lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã có nhiều cuộc họp, bàn về cách giải quyết vướng mắc tại dự án này nhưng đều chưa đi đến kết quả cuối cùng.

Cùng chung số phận “đắp chiếu”, dự án Khu biệt thự Sài Gòn – Hồ Tràm tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp giấy phép đầu tư cho Công ty Cổ phần dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) vào tháng 8/2007.  Dự án có chức năng là kinh doanh biệt thự và các dịch vụ giải trí du lịch.

Theo bản Cáo bạch của Savico, dự án Khu biệt thự Sài Gòn – Hồ Tràm có diện tích là 96.335 m2, diện tích xây biệt thực là 74.707 m2, bao gồm 58 căn biệt thự du lịch cao cấp, nhà nghỉ cuối tuần để bán hoặc cho thuê. Dự án có tổng mức đầu tư là 84 tỷ đồng, bao gồm chi phí đầu tư xây dựng, đóng tiền sử dụng đất.

Dự án Khu biệt thự Sài Gòn – Hồ Tràm chậm triển khai tới 15 năm và đang bị đề nghị thu hồi.

Sau 15 năm được cấp phép đầu tư, đến nay Savico thông tin dự án Khu biệt thự Sài Gòn – Hồ Tràm vẫn đang được xúc tiến công tác đền bù giải tỏa và xin giao đất cho dự án. Gần nhất, vào tháng 5/2022, trên đề nghị của Sở Xây dựng, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng, UBND huyện Xuyên Mộc và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá việc không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai tại dự án Khu biệt thự Sài Gòn – Hồ Tràm, đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý theo quy định của pháp luật.

Bao giờ mới xử lý dứt điểm?

Thông tin từ Sở KH&ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho thấy, hiện tại trên địa bàn có 62 dự án chậm triển khai, gồm: 5 dự án hạ tầng khu công nghiệp (KCN), 6 dự án của nhà đầu tư thứ cấp trong KCN; 17 dự án nhà ở, khu đô thị; và 34 dự án ngoài KCN (trừ dự án nhà ở, khu đô thị). Trong 5 tháng đầu năm, tỉnh đã chấm dứt hoạt động 3 dự án chậm triển khai với tổng vốn 125 tỷ đồng.

Hiện nay, Sở KH&ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang phối hợp để rà soát cơ sở pháp lý, các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án chậm tiến độ trên địa bàn để báo báo UBND tỉnh xem xét, thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Từ đầu tháng 5/2022 đến nay, đã có 9 dự án bất động sản được cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa vào danh mục rà soát, thanh tra, bao gồm khu nhà ở Công ty Thanh Xuân; Tổ hợp dịch vụ và nhà ở Khang Gia Hân (Khang Gia Hân Residence); Khu du lịch Thủy Hoàng – Bến Cát; Khu biệt thự Sài Gòn – Hồ Tràm; Khu du lịch nghỉ dưỡng Bimexco; Khu thương mại dịch vụ, căn hộ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp tại thị trấn Phước Hải (Serenity Phước Hải); Khách sạn xanh Long Hải; khu nhà ở phường 10 TP. Vũng Tàu và chung cư thương mại Biển Vàng Vũng Tàu (Vũng Tàu Gold Sea).

Riêng huyện Xuyên Mộc đã có nhiều dự án khu du lịch, khu nghỉ dưỡng bị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra quyết định chấm dứt chủ trương đầu tư tại nhiều dự án do chậm triển khai, như: Khu biệt thự Ngân Sơn với diện tích 7,29 ha, Khu du lịch nghỉ dưỡng Thông Xanh diện tích 2,48 ha, Khu du lịch Ngân Sơn diện tích 5,76 ha, Khu du lịch Trường Phát diện tích 5.015 m2…

Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tính từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã thực hiện chấm dứt hơn 179 dự án chậm triển khai. Đồng thời, sau khi rà soát quy hoạch xây dựng các dự án này có 99 khu đất vẫn giữ quy hoạch tiếp tục kêu gọi đầu tư dự án, 10 khu đất chuyển đổi quy hoạch, 10 khu đất trả lại quy hoạch sản xuất nông nghiệp; tiếp tục kêu gọi đầu tư theo quy hoạch đối với 45 dự án trong khu công nghiệp. Cùng với việc rà soát quy hoạch, tỉnh đã hủy bỏ các thông báo thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai để người dân được thực hiện các quyền của mình theo quy định. Đến nay, đã thu hút mới 7 nhà đầu tư với diện tích 51,7ha.

Tại cuộc họp nghe báo cáo về tình hình xử lý dự án chậm triển khai vào tháng 12/2021, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho rằng: Việc các dự án chậm tiến độ đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Ngoài việc làm lãng phí tài nguyên đất đai, tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thì tác động tiêu cực tới sự phát triển xã hội là không nhỏ.

Vì vậy, ông Nguyễn Văn Thọ yêu cầu Sở TN&MT tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra các dự án được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Phối hợp với các Sở, ngành và địa phương tiếp tục xử lý dự án chậm triển khai theo kế hoạch đã được phê duyệt; Tiến hành rà soát tiến độ xây dựng các dự án trên địa bàn tỉnh.

ĐBQH đề nghị xử lý cấp tốc các điểm quy hoạch “treo”

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, vấn đề quy hoạch treo được nhắc đến trong các báo cáo và tham luận về chính sách pháp luật đối với công tác quy hoạch. Các đại biểu tham dự cho rằng, những dự án treo, quy hoạch treo tồn tại lâu năm khiến đời sống người dân trong vùng quy hoạch gặp nhiều khó khăn, gây bức xúc trong dư luận.

Theo ĐBQH  Trương Trọng Nghĩa: “”Ở nhiều địa phương, ngay cả ở TP.HCM, ví dụ như huyện Bình Chánh, bà con cử tri khẩn thiết đề nghị giải quyết các quy hoạch treo 20, 30, thậm chí 40 năm. Vấn đề này gây ra những sự bất công rất lớn đối với người dân trong vùng quy hoạch”.

Tương tự, ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) phát biểu: “Tình trạng quy hoạch treo, dự án treo còn tồn tại ở nhiều địa phương gây ra ảnh hưởng lớn đến quyền lợi và cuộc sống người dân. Có nhiều nơi, người dân không thể làm nhà vì vướng quy hoạch mà đi nơi khác cũng không được vì nhà nước không có nguồn lực giải phóng mặt bằng. Tình trạng này không chỉ làm lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả sử dụng đất đai đầu tư xây dựng mà còn gây ra bức xúc trong xã hội”.

Từ đó, các đại biểu đề nghị Quốc hội, lãnh đạo các bộ ngành liên quan tìm ra giải pháp cấp thiết để giải quyết vấn đề dự án “treo”.

Theo Thanh Tùng/Kinh tế Môi trường

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/ba-ria-vung-tau-xem-xet-thu-hoi-6-du-an-lang-phi-tai-nguyen-dat-o-huyen-xuyen-moc-68461.html