QC 1
Thứ 3, ngày 23/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bài toán dân số ‘gắn kết’ khu vực châu Á

Trong khi tốc độ già hoá dân số ở các cường quốc kinh tế tại châu Á đang ngày một gia tăng thì những nước đang phát triển hiện vẫn duy trì được “tỷ lệ vàng” về nhân khẩu. Sự chênh lệch đó dường như đang tạo ra sợi dây liên kết mới giữa các quốc gia trong khu vực .

Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong thăm nhà máy Samsung tại Việt Nam.

Những con số báo động

Các nền kinh tế hàng đầu tại châu Á, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, hiện ghi nhận tốc độ già hóa dân số nhanh chưa từng thấy. Tính riêng trong năm 2021, độ tuổi trung bình dân số của Nhật Bản đạt mức cao nhất thế giới 48,4. Theo dự báo, đến năm 2050, dân số trong độ tuổi lao động của Hàn Quốc (từ 20 – 64 tuổi) sẽ giảm gần 35% dựa trên tỷ lệ sinh hiện tại. Trung Quốc cũng sẽ ghi nhận mức giảm 20,6%, tương đương với 186 triệu người ở độ tuổi này trong 27 năm tới.

Ngược lại, phần lớn dân số các nước đang phát triển tại khu vực châu Á, bao gồm Indonesia, Philippines và Việt Nam, đều trong độ tuổi lao động. Trước thực tế đó, các cường quốc kinh tế tại châu Á, như Nhật Bản và Hàn Quốc, đã chuyển phần lớn hoạt động sản xuất sang những quốc gia có dân số trẻ hơn trong khu vực.

Năm 2018, Samsung, tập đoàn công nghệ số một của Hàn Quốc, đã đóng góp khoảng 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia chiếm hơn 30% tổng doanh số bán hàng toàn cầu của Samsung trong năm đó. Các quốc gia khác có dân số trẻ, như Ấn Độ và Philippines, cũng được xem là một điểm sáng trong quá trình dịch chuyển của chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Người cao tuổi xếp hàng nhận hỗ trợ lương thực ở Hong Kong.

Khái niệm về “lợi tức dân số” – những lợi ích kinh tế mà một quốc gia có được nhờ vào tình hình nhân khẩu học – cũng đã dần được nhắc đến. Trong thời gian tới, các quốc gia vừa và nhỏ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhiều khả năng sẽ được hưởng lợi từ sự chênh lệch về quy mô dân số trong độ tuổi lao động với một số nền kinh tế lớn.

Ấn Độ được dự báo sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào đầu năm 2024, với mức tăng dân số dự kiến khoảng 256 triệu người vào năm 2050. Đây là một con số đáng kể so với mức giảm ở ba nước Nga, Nhật Bản và Trung Quốc cộng lại, dự tính là 176 triệu người dù chưa tính đến tốc độ già hóa dân số.

Cơ hội mới cho các quốc gia vừa và nhỏ

Ở thế kỷ trước, khi trải qua thời kỳ bùng nổ dân số, những nền kinh tế hàng đầu châu Á đã được cảnh báo về các vấn đề như tình trạng đói nghèo, thiếu việc làm, cũng như bất ổn chính trị. Nhưng những quốc gia này không thể đảo ngược được xu thế, và hiện đều phải đối mặt với những thách thức khác nhau liên quan đến vấn đề nhân khẩu học. Trong thế kỷ 21, ước tính 98% mức tăng dân số sẽ tập trung ở các nước đang phát triển, dân số thế giới dự kiến sẽ đạt đỉnh trong vòng 70 năm tới.

Một giải pháp có thể tính đến nhằm duy trì dân số trong độ tuổi lao động, đó là nhập cư. Một số quốc gia phát triển trong khu vực châu Á, bao gồm Úc, New Zealand và Singapore, đã triển khai chính sách này do tỷ lệ sinh trong dân số bản địa thấp hơn so với con số yêu cầu trong thực tế. Phương pháp này được đánh giá là tương đối hiệu quả khi dân số tại những nước này sau đó đã ghi nhận tăng mức tăng trở lại.

Tuy nhiên, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã thử nghiệm nhiều chương trình tiếp nhận lao động nước ngoài, nhưng đến nay tình trạng già hóa vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Với Trung Quốc, một nước có quy mô dân số lớn nhất thế giới, nhập cư chắc chắn sẽ không phải là một lựa chọn phù hợp nhằm giải quyết bài toán sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động.

Nhìn ở một phương diện tích cực hơn, chính tình trạng già hoá dân số tại các nền kinh tế hàng đầu châu Á đã góp phần tạo xung lực mới, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư vào các nước đang phát triển ở khu vực. Xu hướng này sẽ tạo ra những cơ hội mới cho các quốc gia vừa và nhỏ, trong bối cảnh các cường quốc như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, không ngừng gia tăng cạnh tranh, mở rộng ảnh hưởng ở khu vực.

Sự thay đổi về quy mô dân số trong độ tuổi lao động tại châu Á cho thấy sự kết nối giữa các nước trong khu vực cần phải được duy trì. Bên cạnh đó, các quốc gia cần nhận thức rõ được những thách thức chung, và tăng cường hợp tác nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực. Có thể thấy, sự chênh lệch về quy mô dân số, cũng như vấn đề nhân khẩu học tại châu Á đang tạo ra sự gắn kết, đưa các quốc gia trong khu vực “xích lại gần nhau hơn”.

Theo Mộc Chi/Ngày Nay

Nguồn: https://ngaynay.vn/bai-toan-dan-so-gan-ket-khu-vuc-chau-a-post131757.html