Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc cấp lại giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho biết hãng hàng không của Tập đoàn FLC đã gửi hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không với một số thay đổi quan trọng. Theo đó, Bamboo Airways đề nghị thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Đặng Tất Thắng sang ông Trịnh Văn Quyết; vốn điều lệ của doanh nghiệp cũng tăng từ 700 tỷ đồng lên 1.300 tỷ đồng; quy mô đội bay cũng tăng lên 30 chiếc.
Sau khi xem xét, Cục Hàng không Việt Nam đã thẩm định hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép kinh doanh vận chuyển của Bamboo Airways và khẳng định nội dung thay đổi đáp ứng được quy định tại Nghị định 92 về kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
“Trong quá trình triển khai Quyết định số 1014/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Tre Việt và thực hiện phương án kinh doanh, chiến lược phát triển của Công ty Tre Việt, Cục Hàng không Việt Nam sẽ kiểm soát số lượng tàu bay khai thác của công ty và việc đưa tàu bay vào Việt Nam trên cơ sở quy định của pháp luật, sự phù hợp với hạ tầng hàng không và năng lực đảm bảo khai thác an toàn đội tàu bay của đơn vị này cũng như năng lực giám sát của Cục”, văn bản nêu rõ.
Trước đó, ngày 14/8, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định số 1014/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Theo quyết định này, Bamboo Airways được phép nâng tổng số máy bay của lên 30 máy bay vào năm 2023. Đội bay bao gồm máy bay thân hẹp Airbus A319/A320/A321 và máy bay thân rộng Airbus A330/A350 hoặc Boeing B787.
Quyết định cũng nêu rõ tổng mức đầu tư của dự án đến năm 2023 là 5.700 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn góp 1.300 tỷ đồng (là vốn chủ sở hữu đã góp đủ 100%), vốn huy động 2.450 tỷ đồng, vốn khác 1.950 tỷ đồng.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng giao Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong quá trình thẩm định và cấp phép kinh doanh, theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và khả năng đáp ứng nguồn vốn của nhà đầu tư.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải phải chịu trách nhiệm giám sát việc phát triển đội tàu phải phù hợp quy hoạch, năng lực quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, năng lực phục vụ cơ sở hạ tầng hàng không, việc bố trí nguồn lực của nhà đầu tư phát huy năng lực khai thác, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.
Theo Lệ Chi/VietnamFinance