QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bamboo Airways và những ‘cạm bẫy’ trên thị trường hàng không

Bamboo Airways ra mắt đầu năm 2019, trong bối cảnh thị trường hàng không tăng trưởng vượt bậc, lại đúng vào dịp nhu cầu đi lại Tết Kỷ Hợi tăng cao. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo một tươi lai tươi sáng cho Bamboo Airways, tuy nhiên, đây cũng không hẳn là “tấm thảm dát vàng” cho hãng không của tỷ phú Trịnh Văn Quyết.

Bamboo Airways chọn “thị trường ngách” là những điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC

“Hãng hàng không thành lập chóng vánh nhất”

Còn nhớ năm 2017, tỷ phú Trịnh Văn Quyết bất ngờ tuyên bố trước báo giới về quyết định thành lập hãng hàng không của mình. Thậm chí, nhiều chuyên gia “đồ” rằng đây là một chiêu trò của vị lãnh đạo này nhằm thu hút cổ đông đầu tư vào cổ phiếu FLC.

Nên nhớ, hơn 3 năm qua, Vietstar Airlines của ông Phạm Trịnh Phương đã nhiều lần đề xuất thành lập nhưng vẫn chưa được phê duyệt vì Vietstar Airlines chọn đại bản doanh của mình là Tân Sơn Nhất, nơi đang quá tải.

Ảnh: Bamboo Airways là hàng hàng không thành lập nhanh nhất, bất ngờ nhất trong lịch sự ngành hàng không Việt Nam

Với hướng đi riêng của mình, Tập đoàn FLC tỏ ra khôn ngoan hơn lựa chọn đầu tư vào sân bay Phù Cát, Bình Định. Rất chóng vánh, chỉ khoảng 1 năm sau (tháng 4/2018), Tập đoàn FLC đã chính thức ra mắt thương hiệu Bamboo Airways, lấy biểu tượng hình ảnh cây tre Việt làm chủ đạo để giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Đến tháng 7/2018, Tỷ phú Trịnh Văn Quyết chính thức tổ chức Hội thảo, họp báo và công bố lịch bay dự kiến của Bamboo Airways vào Quý IV/2018. Tuy nhiên, đến tháng 11/2018, Cục hàng không Việt Nam vẫn khẳng định Bamboo Airways chưa đủ điều kiện bay.

Điều này đồng nghĩa với việc Bamboo Airways đã lỡ kế hoạch bay vào Quý IV/2018, lúc này, nhiều tờ báo đồng loạt gọi ông Trịnh Văn Quyết là “thánh nổ”, hoặc cho rằng đó là chiêu trò nhằm thu hút vốn, nâng giá cổ phiếu của Tập đoàn FLC.

Trong khi dư luận đang rộ lên những nghi nhờ thì trung tuần tháng 1/2019, FLC chính thức công bố bán vé vào ngày 12/1/2019 và chỉ 4 ngày sau (ngày 16/1/2019), hãng này đã chính thức cất cánh đập tan những tin đồn trước đó.

Theo ghi nhận của VietnamFinance, Bamboo Airways là hãng hàng không được thành lập chóng vánh nhất, lịch bay kín và bất ngờ nhất trong lịch sử hàng không Việt Nam.

Rào cản bởi hai “ông kẹ” Vietnam Airlines và Vietjet

Dù rất vui mừng khi được cấp phép bay, nhưng nhiều chuyên gia hàng không cảnh báo Bamboo Airways những khó khăn về “sân chơi” hàng không.

Bởi hiện tại, Vietnam Airlines đang là “ông lớn” với đội bay lên tới 98 chiếc, đáng chú ý trong đó có tới hàng chục máy bay thế hệ mới là Airbus 350 và Boeing 797. Ngoài ra, Vietnam Airlines còn đồng sở hữu các thương hiệu bay gồm Jetstar Paciffic và Vasco.

Với mạng lưới bay rộng, phủ khắp các đường bay quốc tế và trong nước, Vietnam Airlines vẫn chiếm thị phần số 1 tại Việt Nam bất kể sự lớn mạnh nhanh chóng của Vietjet.

Còn đối với Vietjet, dù mới thành lập năm 2011, nhưng đã có sự tăng trưởng thần kỳ, còn nhớ, năm 2012, thị phần Vietjet chỉ ở mức 8% còn Vietnam Airlines lên tới 70%.

Tuy nhiên, với mục tiêu cạnh tranh phân khúc giá rẻ, mở rộng đường bay nội địa, chỉ sau 5 năm, Vietjet đã chiếm tới 42% thị trường quốc nội và đẩy Vietnam Airlines “về nhì” tại thị trường này khi chiếm 41%.

Ảnh: Vietjet sẽ là đối thủ nặng ký nhất đối với Bamboo Airways

Còn với Bamboo Airways, nếu nhìn vào mục tiêu cạnh tranh của hãng, ban đầu chắc chắn sẽ phải đối mặt trực tiếp với Vietjet ở phân khúc giá rẻ. Không những vậy, nhìn bảo “bản đồ” bay của Bamboo Airways thì duy nhất chỉ có tuyến Hà Nội – Tp. HCM là khả thi.

Còn lại các chặng bay Hà Nội – Quy Nhơn, Hà Nội – Đồng Hới, TP HCM – Quy Nhơn, Hà Nội – Buôn Mê Thuột, Hà Nội – Nha Trang, TP HCM – Vân Đồn dự báo rất nhiều rủi ro. Thậm chí thua lỗ đối với một hãng hàng không non trẻ và một tỷ phú “tay ngang” chưa có kinh nghiệm trong kinh doanh hàng không. Điều gì sẽ đón chờ ông Trịnh Văn Quyết và Bamboo Airways trong năm 2019?

Cơ hội nào cho Bamboo Airways?

Còn nhớ, trước đây, rất nhiều những đại gai đã nhận “trái đắng” từ thị trường hàng không.

Ví dụ như Indochina Airlines, Air Mekong dù có vốn điều lệ lên tới hàng trăm tỷ đồng, tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện bay, 2 hãng này đã không thể cạnh tranh với Vietnam Airlines nên đã tuyên bố phá sản.Một hãng hàng không khác là Trãi Thiên Air được thành lập vào năm 2008 với số vốn 500 tỷ đồng, tuy nhiên, hãng này cũng đã phá sản dù chưa một lần cất cánh.Điều đó cho thấy, sân chơi hàng không rất kén khách, nếu không có chiến lược, mục tiêu rõ ràng, không có chuyên môn, không truyền thông tốt chắc chắn sẽ thất bại.

“Hàng không, không chỉ bay, mà còn phải phục vụ mặt đất tốt, đại lý tốt và quảng bá hình ảnh tốt. Ngoài ra, tiềm lực kinh tế ổn định, phải có chính sách uyển chuyển, linh hoạt theo thị trường mới có thể tồn tại”, chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống nhận định

Còn với Bamboo Airways, không phải họ không có thế mạnh riêng, theo tỷ phú Trịnh Văn Quyết, hiện Tập đoàn FLC đã có nhiều điểm đến tại các khu du lịch nghỉ dưỡng, Resort, sân Golf tại Quy Nhơn, Vĩnh Phúc, Hạ Long, Quảng Bình, Sầm Sơn.… đây sẽ là những mạng bay mà Bamboo Airways hướng đến.

Ảnh: Bamboo Airways đã có chiến lược riêng

Một chuyên gia hàng không nhận định, tiềm năng của đường bay Vân Đồn và Quy Nhơn là rất lớn, sau Phú Quốc, Vân Đồn cũng đang đề xuất xây dựng Casino, nếu thành công thì lượng khách du lịch nghỉ dưỡng nơi đây sẽ tăng vọt.

Ngoài ra, FLC cũng có một lượng khách không nhỏ tại tại các khu nghỉ dưỡng của mình, vì thế, hãng này sẽ có những combo dành cho các du khách riêng của Tập đoàn với giá ưu đãi. Đây có lẽ là thị trường ngách khá phù hợp với Bamboo Airways trong bối cảnh hiện tại.

Bên cạnh đó, mục tiêu của Bamboo cũng thể hiện khá rõ khi ngay tháng 1/2019, hãng này đã đưa về tới 10 tàu bay và tiếp tục đưa về các tàu bay khác vào những tháng tiếp theo. Điều này cho thấy, “khát vọng” khai thác 37 đường bay kết nối các tỉnh, thành phố lớn và điểm đến du lịch tại Việt Nam

Ngoài ra, đến năm 2020, Bamboo Airways tiếp tục khai thác và tăng tần suất các đường bay nội địa, Bamboo Airways dự kiến sẽ mở rộng khai thác các đường bay quốc tế đến các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Châu Âu, Mỹ, …

Điều đó cho thấy, Bamboo Airways đã định vị cho mình thị trường ngách riêng, dù chắc chắn sẽ nhiều chông gai, nhưng nó cũng mở ra không ít cơ hội cho hãng hàng không này, đồng thời, cũng là cơ hội bay cho hàng triệu người dân Việt Nam. Kỳ vọng, với phong cách phục vụ tốt như cam kết, Bamboo Airways sẽ là điểm nhấn thú vị trên “bản đồ” thị trường hàng không Việt.

Theo Đinh Tịnh/VietnamFinance