QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bàn đến bao giờ?

Tình trạng UTGT, ô nhiễm môi trường do quá tải phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy tại Hà Nội đã quá rõ ràng. Tháng 4/2017, HĐND TP đã thông qua nghị quyết “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Một trong những nội dung cơ bản của Nghị quyết là hạn chế, tiến tới cấm xe máy tại khu vực đô thị trung tâm.

Nhưng hơn hai năm đã qua, Nghị quyết vẫn chỉ dừng ở bước nghiên cứu, chưa đưa ra được nhiều giải pháp cụ thể. Có ý kiến cho rằng, không chỉ do sức ép từ phía dư luận Nhân dân quá lớn mà còn do cách triển khai của cơ quan chức năng chuyên môn chưa hiệu quả, quyết liệt nên Nghị quyết vẫn chỉ đang dừng ở mức… gây tranh cãi.

Mới đây, sau hơn 30 tháng nghiên cứu, Hà Nội đưa ra một Báo cáo nghiên cứu Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”. Đây là một bước tiến nhỏ, nếu không muốn nói là mang tính thủ tục, hình thức.

Trong Đề án không có những thông tin mà người dân trông đợi như: Cấm xe máy trên tuyến đường phố nào? Cấm theo giờ, hay cả ngày? Người dân trong khu vực cấm sử dụng xe máy thế nào?… Nội dung Đề án, phần lớn vẫn là những phân tích chung chung, cho thấy sự thận trọng thái quá của cơ quan chức năng.

Mặt khác, năng lực vận tải công cộng nhằm thay thế xe máy tại khu vực bị cấm vẫn đang ở “thì tương lai”, chưa đủ để làm hài lòng người dân Thủ đô.Đề án nêu trên vừa được Sở GTVT Hà Nội đưa ra lấy ý kiến trong một cuộc Hội thảo với sự góp mặt của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị.

Thực tế, với chủ trương hạn chế xe máy, vấn đề cần bàn nhất là cấm ở đâu, cấm như thế nào, bao giờ cấm lại chưa có thông tin cụ thể, chính xác, khiến cả chuyên gia lẫn người dân vẫn phải mơ hồ, suy luận.

Câu hỏi là, có cần phải quá thận trọng, dè dặt với Đề án hạn chế xe máy đến mức đã gần 3 năm trôi qua vẫn giẫm chân tại chỗ hay không? Vì sao cơ quan chức năng không vào thẳng vấn đề, đưa ngay những thông tin cụ thể, chính xác để dân biết, dân cùng bàn? Muốn người dân ủng hộ, cơ quan chức năng cần phải thể hiện quyết tâm và năng lực để giành lấy sự tin tưởng tuyệt đối chứ không phải chỉ hô hào, kêu gọi kiểu hình thức.

Theo Minh Tường/Kinh tế & đô thị