QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bàn tiếp câu chuyện FDI…

Một cuộc chuyển dịch lớn về dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có thể sẽ không diễn ra khi các nền kinh tế trong khu vực chưa sẵn sàng đáp ứng các đơn hàng có số lượng lớn cũng như việc giao hàng trong thời gian ngắn với chi phí thấp.

Đón làn sóng FDI thứ ba vào Việt Nam

“Sự điều chỉnh của các tập đoàn lớn sẽ diễn ra bởi các cân nhắc kinh doanh nhiều hơn các thúc ép chính trị, còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ đi theo chuỗi của doanh nghiệp lớn”, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong – Trung Quốc (MCSS) phân tích.

Hiện nay, các tập đoàn lớn trên thế giới đã có bước chuyển khá rõ nét trong quan điểm về sắp xếp chuỗi cung ứng, theo hướng từ ưu tiên tối ưu hóa chi phí sang đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Với tư duy mới này, Việt Nam cũng đang tận dụng lợi thế của khoa học công nghệ và cách thức tổ chức mới của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, khi họ muốn chuyển nguồn cung về nơi gần thị trường tiêu thụ, hơn là gần nguồn đầu vào giá rẻ.

Việt Nam đang là một điểm đến tiềm năng với nhiều ưu thế, đặc biệt là thành tựu chống dịch. Việt Nam cũng đảm bảo 4 yếu tố mà doanh nghiệp FDI mong muốn khi đầu tư vào một quốc gia. Đó là nguồn lao động có tay nghề, hệ thống logistics thuận tiện, môi trường pháp lý linh hoạt và triển vọng kinh tế vĩ mô ổn định.

Với các tập đoàn đa quốc gia đang cân nhắc dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, họ cần đảm bảo việc tìm được nguồn cung tiềm năng từ nhiều nhà cung ứng khác nhau.

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital cho biết, các nhà đầu tư thích giảm thuế, nhưng ưu đãi thuế không phải là yếu tố quá cần thiết để thu hút FDI. “Việt Nam cần chủ động chọn dòng vốn phù hợp thay vì ngồi đợi vốn đến”, ông Don Lam nói.

Để tăng vị thế trong thu hút đầu tư trong ngắn hạn, Chính phủ nên tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phát triển, cải thiện kết cấu hạ tầng. Theo ông Don Lam, việc xây dựng cảng nước sâu bên cạnh các khu công nghiệp sẽ giúp giải bài toán về nhập khẩu nguyên vật liệu và xuất khẩu thành phẩm cho doanh nghiệp.

Ông Don Lam cũng đưa ra giải pháp thành lập mô hình cụm ngành công nghiệp quanh khu vực tiềm năng. Ông khẳng định, cụm ngành công nghiệp sẽ tạo ra lợi ích kép, vừa tối đa hóa giá trị FDI, vừa củng cố niềm tin của doanh nghiệp để sản xuất giá trị gia tăng cao hơn ngay tại quốc gia đó.

Về lâu dài, ông Don Lam tin rằng, cần thiết lập một trung tâm xúc tiến đầu tư độc lập, phụ trách quảng bá Việt Nam như điểm đến lý tưởng cho dòng vốn FDI trên phạm vi toàn thế giới. Các cơ quan chức năng nên tập trung cải thiện thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập công ty, cấp giấy phép, chi trả thuế. Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề để đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất cao hơn và đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, phát triển đang nở rộ hiện nay.

Tăng cường xúc tiến đầu tư trực tuyến để nâng cao hiệu quả thu hút FDI

Trong tháng 9/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) đã tổ chức 3 hội thảo xúc tiến đầu tư trực tuyến với 3 đầu cầu là Singapore, Vương quốc Anh và Pháp. Các sự kiện này đã nhận được sự chú ý của hàng trăm nhà đầu tư nước ngoài và hàng chục hiệp hội doanh nghiệp các nước có quan tâm tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 7/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản tổ chức hội nghị trực tuyến lớn nhất từ trước đến nay, nhằm thúc đẩy dòng vốn Nhật Bản. Hơn 1.000 công ty Nhật Bản từ khắp nơi trên thế giới đã tham gia sự kiện, thể hiện sự hào hứng của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đối với môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Một điểm nổi bật khác là diễn đàn trực tuyến do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Standard Chartered và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức với chủ đề “Việt Nam – Ngôi sao đang lên”, thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp đến từ châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ. “Sự quan tâm của các nhà đầu tư được coi là động lực để Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường thương mại và đổi mới phương thức kết nối”, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng FIA cho biết.

Năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tổ chức lễ khởi động Dự án Phát triển hệ thống thông tin đầu tư quốc gia cho khu vực tư nhân. Dự án nhằm xây dựng dữ liệu về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để làm nền tảng cho việc xây dựng các chính sách liên quan. Đồng thời, Dự án sẽ tích hợp và chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin quốc gia khác, phát triển các công cụ tìm kiếm và cung cấp thông tin cho các cá nhân và doanh nghiệp.

Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường tính minh bạch và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Các phương pháp xúc tiến đầu tư trực tuyến không chỉ là một giải pháp thay thế hiệu quả vì biên giới vẫn đóng cửa, mà còn là một giải pháp để tiết kiệm tiền.

Trong tháng 4/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an toàn xã hội trong bối cảnh Covid-19. Một trong những điểm nổi bật là đề xuất giảm một nửa kinh phí cho các chuyến công tác và hội nghị nước ngoài trong thời gian còn lại của năm 2020.

Các bộ cũng như chính quyền Trung ương và địa phương có thể giảm 30% kinh phí tổ chức hội nghị, hội họp tại thị trường địa phương, đồng thời giảm một nửa chi ngân sách cho các chuyến công tác nước ngoài.

Chủ động thu hút FDI có chọn lọc

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Để làm rõ hơn về câu chuyện FDI thời gian tới, Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn khẳng định của ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trên baodautu.vn thông tintheem đến Quý độc giả.

– Ông đánh giá thế nào về vai trò và lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài so với các nước trong khu vực và các nước có cùng lợi thế cạnh tranh?

Sự hấp dẫn và lợi thế của môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay đến từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế và tác động của yếu tố bên ngoài. Các điểm lợi thế, thuận lợi sẵn có của môi trường đầu tư Việt Nam như chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường rộng lớn, chi phí cạnh tranh, chính sách ưu đãi hấp dẫn, nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng, vị trí địa lý thuận lợi.

Bên cạnh đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách chính sách, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư hoạt động thành công tại Việt Nam.

Sự hấp dẫn của Việt Nam cũng được tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh như xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, khiến các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế suất cao. Bên cạnh đó, Covid-19 khiến các quốc gia, các tập đoàn quốc tế đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu đầu tư nhằm tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác.

Hơn nữa, một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã ban hành chính sách ưu đãi và hỗ trợ các công ty dịch chuyển dây chuyền sản xuất về nước hoặc đầu tư sang nước thứ ba nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việt Nam có nhiều cơ hội để đón làn sóng chuyển dịch này do có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư, cũng như thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 thời gian vừa qua.

Như vậy, cơ hội so với các đối thủ tương đối rõ ràng, vấn đề còn lại là chúng ta có thể tận dụng lợi thế hay không. Để tận dụng được lợi thế, tiếp nhận được dòng chuyển dịch đầu tư trong thời gian tới, chúng ta cần nhận thức đầy đủ về cơ hội và thách thức để có các giải pháp phù hợp nhằm nắm bắt kịp thời dòng vốn chuyển dịch này.

– Ông có cho rằng, làn sóng FDI thứ tư sắp đổ vào Việt Nam?

Sau thương chiến Mỹ – Trung, Covid-19 nối tiếp làn sóng thúc đẩy dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam, với những lợi thế sẵn có, nằm trong nhóm quốc gia có cơ hội hưởng lợi và hoàn toàn có thể kỳ vọng vào làn sóng đầu tư thứ tư. Điển hình là việc hãng công nghệ hàng đầu thế giới Apple đang tăng cường hoạt động sản xuất và sự liên hệ với thị trường Việt Nam, thông qua việc 3 đối tác chính là Foxconn, Winstron và gần đây là Luxshare đã chính thức hiện diện tại Việt Nam.

– Việt Nam đã chuẩn bị gì để đón dòng vốn đầu tư này?

Để có thể đón làn sóng đầu tư theo đúng định hướng, yêu cầu, cần có sự phối hợp, vào cuộc của nhiều bộ, ngành, địa phương.

Về điều kiện mặt bằng sản xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đang rà soát các dự án chậm triển khai, hoạt động không hiệu quả… để thu hồi, tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư mới; rà soát, xây dựng danh sách các địa phương, khu công nghiệp, khu kinh tế đã chuẩn bị về hạ tầng, nhân lực, năng lượng… có thể sẵn sàng tiếp nhận ngay các dự án trong dòng chuyển dịch, tái định vị sản xuất. Rà soát, xem xét bổ sung quy hoạch khu công nghiệp để đón dòng vốn FDI mới.

Về nguồn nhân lực, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đào tạo lao động trong các ngành nghề chất lượng cao, như kỹ thuật số, công nghệ thông tin, ứng dụng tin học, điện tử – viễn thông, cơ khí – chế tạo; rà soát chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp FDI; xây dựng cơ sở dữ liệu về danh sách lao động kỹ thuật Việt Nam đã làm việc, tu nghiệp ở nước ngoài để cung cấp cho doanh nghiệp tuyển chọn.

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách phát triển ngành này, Bộ Công thương đã xây dựng cổng thông tin điện tử công nghiệp hỗ trợ để các nhà đầu tư nước ngoài có thể kết nối, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam (vsi.gov.vn)…

– Giải pháp để giữ sức hút đầu tư của Việt Nam là gì, thưa ông?

Để giữ sức hút với vốn FDI, trước hết, Việt Nam đang nỗ lực phục hồi nền kinh tế sau đại dịch và đã có những tín hiệu bước đầu khả quan về việc nối lại các chuyến bay quốc tế, kiểm soát dịch bệnh, đồng thời thuận lợi hóa các thủ tục cách ly, kiểm tra y tế để các nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận tìm hiểu thị trường Việt Nam. Việt Nam đang vừa khôi phục, đổi mới đồng bộ nền kinh tế, vừa phát triển kinh tế số, Chính phủ số để dịch chuyển nhanh theo hướng hiện đại.

Chúng ta đang chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá đồng thời các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu cũng là những ưu tiên trong thu hút FDI hiện nay, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và bền vững.

Theo Yến Thanh/ Kinh tế chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/ban-tiep-cau-chuyen-fdi-82789.html