QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

‘Bạo tay’ mua 3.000 xe điện VinFast, Sun Taxi nặng gánh nợ nần và thua lỗ

Tình hình tài chính khó khăn do liên tục trong nhiều năm kinh doanh thua lỗ và âm vốn chủ sở hữu nhưng Công ty cổ phần Sun Taxi lại quyết định “chơi lớn” khi bạo tay ký hợp đồng mua 3.000 chiếc xe điện VinFast VF 5 Plus.

Sun Taxi được ông Nguyễn Duy Hưng thành lập ngày 3/6/2014.

Ngày đầu tiên của tháng 6/2023, Công ty cổ phần Sun Taxi gây xôn xao dư luận khi ký hợp đồng mua 3.000 xe ô tô điện VF 5 Plus để bổ sung vào dàn xe xăng hiện đang vận hành. Đây là hợp đồng mua xe có quy mô lớn bậc nhất Việt Nam từ trước đến nay, với thời gian bàn giao từ nay đến năm 2025.

Giai đoạn đầu, Sun Taxi sẽ triển khai dịch vụ taxi điện tại các tỉnh, thành phố gồm Quảng Bình, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Nha Trang (Khánh Hoà), Phan Thiết (Bình Thuận), Gia Lai và Kon Tum. Dự kiến, đến năm 2025, toàn bộ 3.000 ô tô điện VinFast trong dàn xe của Sun Taxi sẽ lăn bánh trên cả nước.

Sun Taxi là của ai?

Công ty cổ phần Sun Taxi được thành lập ngày 3/6/2014, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ (chủ yếu dịch vụ taxi). Là thương hiệu taxi có gốc từ Khánh Hòa và được định vị là thương hiệu “taxi giá rẻ”, Sun Taxi đã nhanh chóng mở rộng địa bàn hoạt động sang nhiều tỉnh thành lân cận tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên (Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Bình, Quảng Trị, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai…) và gần đây dần mở rộng vào khu vực phía Nam.

Mặc dù vốn điều lệ không lớn, nhưng xét về độ phủ khu vực hoạt động thì Sun Taxi hiện chỉ đứng sau “đàn anh” Mai Linh và hơn cả Vinasun. Những năm trở lại đây, Sun Taxi còn mở rộng thêm dịch vụ xe điện ở Bình Định, xe taxi Jeep ở Phan Thiết…

Ngoài lĩnh vực taxi, Sun Taxi còn tham gia lĩnh vực vệ sĩ với Công ty Dịch vụ vệ sĩ Trường Quân, khách sạn và các dịch vụ giải trí như vũ trường, spa…) với 24 công ty thành viên. Hiện, Sun Taxi đang sở hữu nhà hàng – khách sạn Sunny Hotel tại TP. Phan Rang.

Sun Taxi mua 3.000 xe điện VinFast VF 5.

Sun Taxi có vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ đồng do các cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Duy Hưng (nắm 76%), ông Lê Quốc Hùng (nắm 5%) và bà Nguyễn Thị Hương (nắm 19%). Đến năm 2016, công ty tăng vốn lên 50 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Duy Hưng tăng tỷ lệ sở hữu lên 78,4%; còn ông Lê Quốc Hùng và bà Nguyễn Thị Hương lần lượt giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,5 và 17,1%.

Ông Nguyễn Duy Hưng hiện là Chủ tịch HĐQT của Sun Taxi, kiêm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này.

Kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ, nợ tăng cao

Theo dữ liệu của VietnamFinance, trong 3 năm gần đây, tổng tài sản của Sun Taxi ngày một co lại. Cụ thể, từ mức 618,4 tỷ đồng vào năm 2020, tài sản của doanh nghiệp này giảm xuống còn 540,7 tỷ vào năm 2021 và chỉ còn 444,5 tỷ vào năm 2022.

Tài trợ chính cho nguồn vốn của Sun Taxi là các khoản vay nợ. Số nợ này dù có giảm trong 3 năm trở lại đây nhưng cũng không đáng kể. Từ mức 627,4 tỷ đồng vào năm 2020, nợ phải trả của doanh nghiệp giảm xuống còn 617,1 tỷ vào năm 2021. Tính đến cuối tháng 12 năm ngoái, nợ phải trả của Sun Taxi ở mức 553,1 tỷ đồng.

Chiếm phần lớn trong số nợ của Sun Taxi là nợ ngắn hạn, đặc biệt là các khoản nợ phải trả và nợ vay tài chính. Tính đến ngày 31/12/2022, nợ vay ngắn hạn của Sun Taxi là 134,7 tỷ đồng và nợ vay dài hạn 112 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, vốn chủ sở hữu của Sun Taxi lại ngày một càng âm nặng hơn. Từ mức âm 53 tỷ đồng vào năm 2020, vốn chủ của doanh nghiệp đã âm tới 152,6 tỷ đồng vào năm 2022.

Những con số thể hiện trên bảng cân đối kế toán của Sun Taxi cho thấy tình hình tài chính khó khăn của doanh nghiệp này, cán cân nguồn vốn đang mất cân bằng trầm trọng.

Về kết quả kinh doanh, là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nên doanh thu thuần của Sun Taxi cũng liên tục biến động trong 3 năm gần đây. Theo đó, năm 2020, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt mức 172,1 tỷ đồng, rồi giảm 50% vào năm 2021 và chỉ còn 85,8 tỷ đồng. Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát vào năm 2022, doanh thu thuần của Sun Taxi lại vọt tăng lên mức 178 tỷ đồng, tương đương mức tăng 108%.

Dẫu vậy, do giá vốn bán hàng luôn neo ở mức cao nên lợi nhuận gộp còn lại của Sun Taxi trong giai đoạn 2020 – 2022 cũng chẳng còn lại là bao. Năm 2020, lợi nhuận gộp của Sun Taxi đạt 1,8 tỷ, đến năm 2021 doanh nghiệp này kinh doanh dưới giá vốn khi lỗ gộp 28,3 tỷ đồng. Tình trạng này sau đó được cải thiện, giúp Sun Taxi lãi gộp 15,6 tỷ đồng vào năm 2022.

Lãi gộp mỏng không thể giúp Sun Taxi gánh được các khoản chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp và đặc biệt là chi phí lãi vay. Hệ quả là Sun Taxi liên tục thua lỗ, với mức lỗ lần lượt là 62,3 tỷ đồng (2020), 65 tỷ đồng (2021) và 24,8 tỷ đồng (2022).

Kết quả kinh doanh trong 3 năm 2020 – 2022 của Sun Taxi. (Ảnh: Ngọc Lưu)

Vay nợ triền miên nên Sun Taxi cũng liên tục sử dụng các tài sản của mình để bảo đảm cho các khoản vay tại các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Theo dữ liệu của VietnamFinance, mỗi năm, Sun Taxi sử dụng hàng chục, thậm chí hàng trăm xe ô tô làm tài sản bảo đảm. Ngoài các dòng xe phổ biến như Hyundai Grand, Toyota Vios, Toyota Innova… còn có các dòng xe sang như Mercedes-Benz, VinFast Lux A 2.0.

Theo Ngọc Lưu/Vietnam Finance

Nguồn: https://m.vietnamfinance.vn/bao-tay-mua-3000-xe-dien-vinfast-sun-taxi-nang-ganh-no-nan-va-thua-lo-20180504224285189.htm