QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bất động sản phía Đông Hà Nội và cú hích hạ tầng giao thông

Khi quỹ đất ở trung tâm ngày càng hạn hẹp đã tạo điều kiện để thị trường bất động sản dịch chuyển sang khu vực phía Đông thủ đô.

Một quy luật thường thấy của thị trường bất động sản hiện nay đó là hạ tầng phát triển đến đâu thì giá trị bất động sản gia tăng theo đến đó. Những thay đổi về hạ tầng của Gia Lâm trong 5 năm trở lại đây đã và đang tác động tích cực đến tiến trình lên quận của địa phương này, đưa Gia Lâm trở thành khu vực phát triển sầm uất nhất phía Đông thủ đô.

Theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, khu vực phía Đông được định hướng phát triển trở thành Trung tâm Hành chính, thương mại Quốc tế, công nghệ kỹ thuật cao, đô thị hiện đại. Bên cạnh đó, huyện Gia Lâm cũng chủ trương lên Quận vào năm 2025, đây là những yếu tố tích cực góp phần thúc đẩy hạ tầng khu vực không ngừng hoàn thiện.

Ngày 6/01/2020, nút giao kết nối trực tiếp đường Cổ Linh với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã chính thức được thành phố Hà Nội khởi công xây dựng với chiều dài 1,5km. Dự kiến được hoàn thành vào năm 2021, nút giao với tổng mức đầu tư 400 tỷ này sẽ tạo điều kiện cho các phương tiện di chuyển, kết nối thuận tiện đến khu vực, phát huy tối đa việc kết nối của các tuyến giao thông đường Vành đai 3, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường Cổ Linh.

Không chỉ vậy, để tăng năng lực giao thông kết nối, hai cầu vượt qua đường Đông Dư – Dương Xá cũng được đề xuất triển khai. Trước đó, tuyến đường Đông Dư – Dương Xá là tuyến đường huyết mạch rộng 40m vừa được thông xe vào tháng 1/2020. Khi hai cây cầu vượt mới được hình thành sẽ hoàn chỉnh trục giao thông hiện đại, phân luồng giao thông linh hoạt khi di chuyển từ các hướng đến khu vực này.

Quý I/2020, Chính phủ đã phê duyệt đề xuất xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2 với tổng kinh phí lên tới 2.540 tỷ đồng, giúp hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2 của thủ đô. Theo quy hoạch, cầu Vĩnh Tuy 2 sẽ là một trong 4 tuyến đường huyết mạch nối Gia Lâm với các quận ở trung tâm thủ đô cũng như các tỉnh ở phía Bắc như Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương…

Nối liền với cầu Vĩnh Tuy 2, một dự án lớn khác cũng được nhận định sẽ khiến bất động sản khu vực này tăng nhiệt, đó là dự án đường vành đai 2 trên cao. Đây là dự án khởi công từ tháng 4/2018, gồm tuyến đường bộ trên cao và mở rộng dưới thấp. Sau hơn 2 năm thi công, dự án đã hoàn thành xong nhiều hạng mục và đi vào giai đoạn nước rút. Vành đai 2 hoàn thành được kỳ vọng giảm bớt tình hình ùn tắc trong nội đô kéo dài suốt nhiều năm liền.

Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội cũng có quyết định điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội tại Gia Lâm, nhằm hạn chế tối đa việc xây dựng các công trình thấp tầng, góp phần giảm tải khu vực nội đô, đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quy hoạch đô thị và yêu cầu phát triển bền vững.

Có thể thấy, hạ tầng là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của bất kỳ dự án nào. Đây là thước đo của nhiều người trong việc quyết định chọn ngôi nhà tương lai. Theo một số sàn giao dịch bất động sản, lượng khách quan tâm đến các dự án quanh khu vực phía Đông, cụ thể là Long Biên, Gia Lâm này có xu hướng tăng lên đáng kể.

Theo Đại Dương/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn:https://kinhtechungkhoan.vn/bat-dong-san-phia-dong-ha-noi-va-cu-hich-ha-tang-giao-thong-74090.html