QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bất động sản Vân Đồn có thật sự sốt nóng?

Trong cơn sốt đất ở Vân Đồn, hàng chục sàn bất động sản mọc lên như nấm sau mưa, nhà đầu tư nườm nượp đổ về, giá tăng gấp vài lần… Người ta xôn xao về tin cơn sốt đất ở khu kinh tế Vân Đồn, nhưng sự thật lại quá phũ phàng…

Các sàn môi giới, cò đất đã rút khỏi Vân Đồn sau sóng “thổi” giá đất vừa qua

Thời gian gần đây, khu vực thị trấn Cái Rồng (tỉnh Quảng Ninh) luôn tấp nập xe cộ và người dân nhiều địa phương ngoại tỉnh đổ về khi nghe tin đất Vân Đồn đang lên cơn sốt. Người dân địa phương cũng nháo nhác bàn chuyện mua bán đất, trở thành môi giới… trong cơn say giá đất tăng như “lên đồng”…

Hàng loạt sàn giao dịch bất động sản trước đây đóng cửa im ỉm cả năm trời, sau khi chính quyền địa phương mở lại việc chuyển đổi đất, chuyển nhượng dự án… thì nay bỗng hoạt động trở lại, quảng cáo bán đất một cách rầm rộ.

Theo chia sẻ của một môi giới, giá đất mặt đường trục chính là tỉnh lộ 334 hiện giao động từ khoảng 50 – 80 triệu đồng/m2 tùy loại. Trong khi đó đất ngõ xóm ô tô có thể vào cũng dao động từ 5 – 10 triệu đồng/m2… Mức giá này đã tăng tới 50% so với hơn 1 năm trước sau thông tin Vân Đồn có thể trở thành đặc khu kinh tế.

Một số dự án có giao dịch sôi động thời gian qua gồm: Khu đô thị Phương Đông, Thống Nhất, Vương Long, khu tái định cư Ao Tiên … và đất thổ cư ở trung tâm Cái Rồng. Giá bán tại các khu vực tại Vân Đồn hiện dao động từ 25 đến 32 triệu đồng mỗi m2. Có những nơi giá đất luôn cao ngất ngưởng từ 50 – 100 triệu đồng/m2 tùy vị trí như khu tái định cư Đoàn Kết.

Theo lời một “trùm” nhà đất Vân Đồn, giá đất ở Vân Đồn hiện đã tăng dựng đứng so với thời điểm 2017 trước khi rộ lên thông tin sốt đất nhưng vẫn có nhiều người tìm mua. Đó là vào thời điểm trước khi chính quyền đưa ra lệnh cấm giao dịch do diễn ra tình trạng mua bán đất tràn lan, đẩy giá lên cao, lừa đảo, tranh chấp… Kể từ sau khi lệnh cấm giao dịch ban hành, thị trường rơi vào tình trạng “ngủ đông” suốt nhiều tháng qua.

Nhiều sàn giao dịch bất động sản ở Vân Đồn luôn ở tình trạng đìu hiu, các nhân viên môi giới, cò đất cũng rút lui đi nơi khác.

Nhất là sau khi Luật đặc khu kinh tế hoãn lại, không được trình Quốc hội năm 2018 xem xét, khiến cho cơn sốt đất tại các khu vực dự kiến sẽ lên đặc khu là Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Văn Phong đồng loạt “hạ nhiệt”. Giá đất đã rơi thẳng đứng sau khi được các đội “cá mập” hay “tay to” đẩy giá lên gấp 2-3 lần để thoát hàng.

Lượng giao dịch bất động sản ở Vân Đồn đã chững lại khiến nhiều người mua “mắc kẹt” không thoát được hàng. Đường 334 là khu vực “sốt” nhất với giá đất được “thổi” lên cao vút, có lô đất được hét giá tới 70 triệu đồng mỗi m2, tăng 10 triệu đồng so với cuối năm 2018. Tuy nhiên, theo người dân ở đây, mức giá đó chỉ là “rao vậy thôi, chứ không khớp được giao dịch”. Mức giá có thể “chốt” giao dịch trước đó chỉ quanh mức 50 triệu đồng/m2 nhưng cũng chỉ là lô đất đẹp, mặt đường lớn, giấy tờ pháp lý rõ ràng…

Tình trạng phổ biến ở các khu vực dân cư Vân Đồn là người bán cứ “hét” giá, còn người mua cứ xem và… lắc đầu quay đi.

Đối với loại đất phân lô dự án tại Vân Đồn, giá bán thực tế chỉ tăng từ 2-5 triệu đồng mỗi m2 so với cuối năm ngoái. Song chỉ khi nào các đội môi giới hoạt động mạnh, quảng bá rầm rộ thì có “sóng” đẩy hàng trong vòng 1 tháng, để rồi sau đó thị trường lại trở về yên lặng, giao dịch nhỏ lẻ.

Qua cơn sóng ngắn hiệu ứng “đặc khu”, những lô đất có giá cao ngất ngưởng như “cục than hồng” đã được sang tay cho các nhà đầu tư, đẩy giá lên cao… khiến cho người mua cuối cùng “mắc kẹt” vì không kịp bán hàng. Thậm chí, những nhà đầu tư đã trót mua đất “chông chênh” về pháp lý như đất nằm trong quy hoạch dự án, đất không chuyển đổi được, đất rừng… có nguy cơ bị thu hồi, giờ bán không ai mua.

Đến thời điểm này, theo các môi giới, lượng khách đầu tư bất động sản tại Vân Đồn đã rút đi hết, số còn lại chỉ là khách vãng lai, hay khách mua nhỏ lẻ tìm kiếm đất bán cắt lỗ, hoặc có nhu cầu ở thực…

Bởi trong cơn sốt đất vừa, những nhà đầu tư “lướt sóng” đã kịp chốt lời và rút chạy, chuyển sang các thị trường tiềm năng khác để đánh sóng mới.

Một số đối tượng dùng chiêu trò tạo sốt ảo, bỏ tiền mua đi bán lại đất để “thổi” giá lên, bán thoát hàng

Ở khu vực đất dự án, theo ghi nhận, các dự án có đủ điều kiện mở bán ở Vân Đồn hiện không có nhiều. Cụ thể, chỉ có 2 dự án đủ điều kiện mở bán, khoảng 3- 4 dự án đang triển khai hạ tầng với nguồn cung hàng hạn chế.

Do đó, số lượng hàng bán ra ít, lượng giao dịch các sản phẩm bất động sản tại các khu đô thị ở Vân Đồn cũng chỉ ở mức vừa phải nên không còn tình trạng “sốt nóng” như đồn thổi.

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, “Thị trường nhà đất ở Vân Đồn đến nay vẫn còn mang tính chất sơ khai. Hàng hóa chủ yếu là những sản phẩm đã được mua đi bán lại nhiều lần của các nhà đầu tư đầu cơ, gom hàng, sử dụng chiêu trò tung hỏa mù để đẩy giá lên mức độ siêu ảo, phi lý.”

Trước tình trạng sốt đất ảo, Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Quảng Ninh vừa qua đã vào cuộc thanh tra toàn diện các dự án bất động sản trên địa bàn Vân Đồn để báo cáo UBND tỉnh.

Theo Nam Khôi/Kinh tế môi trường