QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bất ngờ lỗ nghìn tỷ, Vietinbank đang bị “bỏ lại phía sau”

Âm 1.436 tỷ đồng là số lỗ kinh doanh trước dự phòng quý 4/2018 của Vietinbank – chủ yếu do thu nhập lãi thuần quý này giảm mạnh 92% so với cùng kỳ năm 2017. Do sức ép tái cơ cấu, áp dụng tiêu chuẩn an toàn vốn cao hơn, Vietinbank phải gấp gáp “dọn dẹp” nợ xấu, cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận “bốc hơi” mạnh…

Thông tin Vietinbank thua lỗ quý 4/2018 khiến cổ phiếu CTG giảm mạnh  

Lỗ vì thu nhập lãi thuần “bốc hơi” 92%

Điều bất ngờ nhất là dư nợ cho vay cả năm 2018 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã: CTG) chỉ tăng ở mức 9,4% so với đầu năm. Điều này khiến cho thu nhập lãi thuần cả năm giảm 4.553 tỷ đồng (-17%), nợ xấu tăng đột biến lên 13.516 tỷ đồng (+50%)… khiến cho lợi nhuận bị sụt giảm đáng kể chỉ lãi 6.742 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, quý 4/2018 là quý kinh doanh ảm đạm nhất của Vietinbank trong vòng 5 năm trở lại đây. Cụ thể, thu nhập lãi thuần của quý 4 chỉ đạt 572 tỷ đồng, sụt giảm tới 92% so với cùng kỳ quý 4/2017 ghi nhận ở mức 7.156 tỷ đồng. Theo giải trình của Vietinbank, phương án tăng vốn chưa được duyệt nên dư địa tăng tín dụng “eo hẹp” khiến quý 4/2018 ngân hàng phải cắt giảm quy mô tín dụng 34.300 tỷ đồng, dẫn tới ảnh hưởng giảm mạnh thu nhập lãi thuần. Hơn nữa, ngân hàng phải dành nguồn để xử lý tái cơ cấu cho giai đoạn 2016-2020, tiến tới áp dụng chuẩn mực Basel II…

Trong quý 4, nhờ chuyển dịch cơ cấu tăng thu nhập lãi ngoài, thu từ phí… nên thu nhập lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng 37%, đạt 784 tỷ đồng. Còn mảng kinh doanh ngoại hối sụt giảm chỉ lãi 170 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh báo lỗ tới 112 tỷ đồng, còn chứng khoán đầu tư lãi đột biến 122 tỷ đồng nhờ thực hiện bán “chốt lời”… Lãi thuần từ hoạt động khác cũng giảm mạnh chỉ đạt 548 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh sa sút và thực hiện tái cơ cấu nên ngân hàng đã cắt giảm gần 1.500 tỷ đồng chi phí hoạt động, song cũng không thể “cứu lỗ” trong kỳ này. Kết quả là, quý 4 này lợi nhuận thuần kinh doanh trước dự phòng rủi ro bị lỗ tới 1.436 tỷ đồng, trong khi quý 4/2017 lãi tới 3.655 tỷ đồng. Bất ngờ nữa là nhờ Vietinbank được hoàn nhập dự phòng rủi ro 582 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế chỉ bị lỗ 853 tỷ đồng và lãi sau thuế âm 697 tỷ đồng.

 Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 4/2018 của Vietinbank

 Chính do hoạt động tín dụng tăng trưởng kém xa kế hoạch nên thu nhập lãi thuần cả năm 2018 của Vietinbank chỉ đạt 22.520 tỷ đồng, giảm 16,8% so với năm 2017.

Luỹ kế cả năm 2018, Vietinbank đạt lợi nhuận thuần kinh doanh trước dự phòng rủi ro là 14.490 tỷ đồng, giảm 17,4% so với năm 2017. Do chi phí dự phòng rủi ro lên tới 7.748 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn 6.742 tỷ đồng và lãi sau thuế 5.427 tỷ đồng… Kết quả lợi nhuận này chỉ bằng 1/3 lợi nhuận của Vietcombank, cũng như kém xa một số ngân hàng như BIDV, Techcombank, VPBank, MB…

Như vậy, hết năm 2018 Vietinbank mới chỉ thực hiện được 62% kế hoạch lợi nhuận trước thuế mà Đại hội cổ đông phê duyệt.

Tại thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của Vietinbank đạt 1.164.318 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu tăng lên mức 67.469 tỷ đồng. Hệ số ROA và ROE đạt lần lượt 0,47% và 8,04%, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra.

Tái cơ cấu gấp, “dồn toa” nợ xấu gần 13,5 nghìn tỷ

Vietinbank cho biết năm 2018 ngân hàng phải tập trung thực hiện tái cơ cấu theo phương án được phê duyệt cho giai đoạn 2016-2020, khẩn trương thực hiện các tiêu chuẩn Basel II, chuyển dịch cơ cấu kinh doanh…

Xét trong hoạt động tín dụng, các báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý 4/2018 còn cho thấy chất lượng tín dụng đang diễn biến xấu đi năm qua.

Theo Báo cáo tài chính riêng lẻ, đến cuối năm 2018, ngân hàng có hơn 13.462 tỷ đồng nợ xấu nhóm 4-5, chiếm 1,57% tổng dư nợ cho vay và tăng cao hơn tỷ lệ 1,13% hồi đầu năm. Xét số tuyệt đối, quy mô nợ của riêng ngân hàng đã tăng thêm 4.486 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Trong đó, nợ nhóm 3- dưới tiêu chuẩn đã tăng thêm 71%, nợ nhóm 5- có nguy cơ mất vốn tăng 82% lên tới 9.454 tỷ đồng…

Quy mô nợ xấu “phình” to nhanh chóng đã khiến Vietinbank phải tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro nợ xấu với tổng dự phòng đến cuối 2018 lên tới 12.755 tỷ đồng, ảnh hưởng tới sụt giảm lợi nhuận chung.



Diễn biến nợ xấu của Vietinbank trong giai đoạn năm 2014- 2018.

Riêng quý 4/2018, Vietinbank đã giảm bớt được chi phí dự phòng rủi ro tín dụng do năm 2017, ngân hàng thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng để tất toán trái phiếu VAMC do bán nợ xấu trước đó. Song tính cả năm 2018, ngân hàng vẫn tốn tới 7.748 tỷ đồng trích dự phòng rủi ro nên lợi nhuận vẫn tiếp tục bị “bào mòn” lớn.

Ngoài dư nợ cho vay, Vietinbank còn đang đổ vốn rất lớn cho hoạt động chứng khoán đầu tư với quy mô hơn 100,5 nghìn tỷ đồng, chủ yếu là mua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu, cổ phiếu của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trong nước phát hành. Đây cũng là một kênh đầu tư, cấp vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh Vietinbank cũng bị siết chặt hạn mức tăng tín dụng ở mức 14%.

Tuy nhiên, Vietinbank đã phải trích dự phòng giảm giá cho khoản mục Chứng khoán đầu tư tổng cộng hơn 2.686 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh sa sút, áp lực tái cơ cấu gấp gáp cùng với việc tăng vốn chưa được phê duyệt khiến cho các chỉ số tài chính của Vietinbank kém đẹp và gây lo ngại về rủi ro an toàn vốn hoạt động. Do đó, năm 2019 Vietinbank đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng với dư nợ tín dụng tăng 6-8%, nguồn vốn huy động tăng trưởng phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, kiểm soát nợ xấu dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 9.500 tỷ đồng.

Theo Hải Hà/Doanh nghiệp& Thương hiệu