QC 1
Thứ 3, ngày 23/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bất ngờ miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT, Eximbank trần tình gì?

Tối muộn ngày 25/3, Eximbank phát đi thông cáo báo chí lên tiếng về những thông tin lan truyền từ “tâm thư” của ông Lê Minh Quốc- vừa bị miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng trước đó 3 ngày.

Eximbank: Việc tổ chức họp HĐQT ngày 22/3/2019 bầu bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức Chủ tịch HĐQT là “đúng quy định pháp luật”

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank, mã: EIB) lại gây chú ý khi có biến động nhân sự của Hội đồng quản trị ngay trước thềm Đại hội cổ đông thường niên sẽ họp vào ngày 26/4/2019.

“Tâm điểm” xuất phát từ quyết định 112/2019/EIB/NQ-HĐQT của HĐQT Eximbank ngày 22/3/2019 đã thông qua việc miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 đối với ông Lê Minh Quốc – Thành viên HĐQT độc lập. Đồng thời, HĐQT đã bầu ngay Chủ tịch mới là bà Lương Thị Cẩm Tú – Thành viên HĐQT, người mới gia nhập ngân hàng và được bầu vào HĐQT hồi tháng 4/2018.

Tuy nhiên, vào ngày 25/3, thị trường xôn xao về lá thư được cho là của ông Lê Minh Quốc, Chủ tịch HĐQT chia sẻ những vấn đề liên quan tới quyết định miễn nhiệm mình, động thái của cổ đông Nhật Ban là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), cũng như tình hình hoạt động của Eximbank kể từ khi xuất hiện các nhóm cổ đông mới…

Theo thông tin từ lá thư này, ông Lê Minh Quốc cho biết ngày 20/3/2019, ông đã có văn bản yêu cầu không thực hiện cuộc họp HĐQT vào ngày 22/3/2019 do nhóm 5 thành viên HĐQT triệu tập. Nhưng cuộc họp này vẫn diễn ra, thông qua việc bãi nhiệm ông Quốc và bầu bà Tú đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT.

Ông Lê Minh Quốc cho rằng, “Phiên họp ngày 22/3/2019 của nhóm thành viên HĐQT Eximbank không có giá trị pháp lý, những nghị quyết của nhóm thành viên HĐQT Eximbank ban hành tại phiên họp này không có hiệu lực pháp luật. Bằng trách nhiệm của mình, tôi sẽ hợp tác với các cơ quan chức năng nhằm giữ vững sự ổn định trong hoạt động của Eximbank”.

Cũng theo ông Quốc, ngày 11/3/2019, ông đã có Đơn xin cứu xét gửi lên Ngân hàng Nhà nước để phản ánh tình hình bất ổn trong thành viên HĐQT Eximbank và các sai phạm của nhóm thành viên HĐQT, nhằm xin can thiệp “khẩn cấp và triệt để nhằm bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, giúp ổn định hoạt động của Eximbank nói riêng và đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia nói chung”.

Trước những thông tin này, Eximbank đã lên tiếng giải đáp về việc bất ngờ thay Chủ tịch HĐQT, tính pháp lý của phiên họp HĐQT ngày 22/3/2019…

Eximbank khẳng định, “việc Hội đồng Quản trị Eximbank đã tổ chức họp phiên 22/03/2019 để bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú theo đúng quy định của Luật doanh nghiệp (Điều 53) và theo điều lệ Eximbank (Điều 44 quy định Các Thành viên HĐQT có quyền “bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT).

Ngân hàng cho biết, số lượng thành viên HĐQT tham dự (tại phiên họp ngày 22/03 và các phiên họp trước đó) đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”. Và theo Eximbank, các vấn đề biểu quyết tại cuộc họp này đã nhận được sự đồng thuận của 2 thành viên HĐQT đại diện cho cổ đông chiến lược SMBC.

HĐQT Eximbank đã có văn bản báo cáo cơ quan chức năng, Ngân hàng Nhà nước và thực hiện việc công bố thông tin theo đúng quy định…

Tính đến ngày 31/12/2018, HĐQT Eximbank hiện có 10 thành viên, trong đó gồm hai đại diện của SMBC là ông Yasuhiro Saitoh – Phó chủ tịch và Yutaka Moriwaki, thành viên HĐQT. Cơ cấu thành viên HĐQT này được duy trì cho đến ngày 22/3/2018 diễn ra cuộc họp HĐQT và thay đổi chức danh Chủ tịch HĐQT sang bà Lương Thị Cẩm Tú.

Dười thời điều hành của Chủ tịch Lê Minh Quốc, hoạt động kinh doanh của Eximbank đã có cải thiện hơn trong vòng 3 năm qua, nhưng đến năm 2018 lợi nhuận lại sụt giảm đáng kể.

Cụ thể, trong quý 4/2018, Eximbank đã trích bổ sung 904 tỷ đồng, ghi thêm vào chi phí hoạt động (không phải khoản mục chi phí dự phòng rủi ro tín dụng). Trong đó, trích bổ sung dự phòng trái phiếu VAMC 514 tỷ đồng và trích cho khoản phải thu khó đòi liên quan đến hai khoản tiền gửi 390 tỷ đồng.

Do tăng trích lập dự phòng rủi ro nên quý 4 ngân hàng đã bị lỗ 309 tỷ đồng. Cùng với đó là chi phí hoạt động quý 4 tăng lên tới gần 1.050 tỷ đồng, nâng tổng chi phí này cả năm lên hơn 2.900 tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ… đã khiến quý 4 bị lỗ.

Luỹ kế cả năm 2018, Eximbank ghi nhận thu nhập lãi thuần hơn 3.207 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước. Lợi nhuận trước dự phòng rủi ro đạt hơn 1.551 tỷ đồng, nhưng do phải dành tới một nửa để trích dự phòng rủi ro nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn 827 tỷ đồng và sau thuế là 661 tỷ đồng. Như vậy ngân hàng mới chỉ hoàn thành một nửa mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm đề ra là hơn 1.600 tỷ đồng.

Cơ cấu nợ trung dài hạn tăng từ 54% lên 57% có thể đã giúp ngân hàng này thu nhiều hơn từ hoạt động cho vay. Chất lượng tín dụng cũng được cải thiện với tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ 2,27% xuống 1,84% dư nợ, tương ứng hơn 1.921 tỷ đồng nợ xấu. Hiện Eximbank cũng đã trích lập được 39% các khoản nợ đã bán cho VAMC.

Theo Hải Hà/Doanh nghiệp -Thương hiệu