QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

BĐS tuần qua: Bộ TN&MT vào cuộc vụ ‘bức tử’ hồ Đại Lải, ồn ào vụ Vicem muốn bán ‘đất vàng’

Bộ Xây dựng chưa phê duyệt phương án bán “đất vàng” của Vicem; DIC Corp tìm đối để hợp tác làm dự án DIC Solar City Vũng Tàu hơn 4.000 tỷ; Bộ TN&MT lập đoàn kiểm tra vào cuộc vụ ‘bức tử’ hồ Đại Lải làm biệt thự… là những thông tin bất động sản đáng chú ý tuần qua.

Vụ ‘bức tử’ hồ Đại Lải làm biệt thự

Vụ ‘bức tử’ hồ Đại Lải làm biệt thự: Bộ TN&MT lập đoàn kiểm tra vào cuộc

Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã thành lập đoàn kiểm tra việc quản lý sử dụng đất tại dự án sân golf Đại Lải và sân golf Heron Lake Golf Camp & Resort (Đầm Vạc), đồng thời kiểm tra xác minh thông tin phản ánh của báo chí về sai phạm trong quản lý sử dụng đất tại hồ Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo đó, đối với 2 dự án sân golf, đoàn công tác sẽ làm rõ về kiểm thực việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nghĩa vụ tài chính và kiểm tra việc đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về các thông tin báo chí phản ánh sai phạm trong quản lý sử dụng đất tại hồ Đại Lải, đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra, xác minh các nội dung gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh báo cáo, cung cấp hồ sơ pháp lý và tình hình quản lý, sử dụng đất của các tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu sai phạm tại hồ Đại Lải cho đoàn kiểm tra; UBND TP. Phúc Yên có trách nhiệm phát hiện, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đất đai.

Đoàn kiểm tra do Phó cục trưởng Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai Nguyễn Văn Trị làm trưởng đoàn, thực hiện nhiệm vụ trong 15 ngày. Kết quả làm việc thông báo cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc để thống nhất chỉ đạo, triển khai.

DIC Corp tìm đối để hợp tác làm dự án DIC Solar City Vũng Tàu hơn 4.000 tỷ

HĐQT Tổng công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp, HoSE: DIG) đã thống nhất chủ trương tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua phương án hợp tác đầu tư dự án khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu.

Theo đó, thời gian chốt danh sách cổ đông dự kiến từ ngày 20 – 28/8/2020 và hoàn thành công tác lấy ý kiến trước ngày 30/9/2020.

Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu (tên thương mại là DIC Solar City Vũng Tàu) được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt đồ án quy hoạch 1/500 vào ngày 31/10/2012.

Theo quyết định được phê duyệt, dự án có quy mô 90,5ha, dân số dự kiến 18.000 người.

Đến tháng 8/2017, UBND tỉnh này chấp thuận cho DIC Corp thực hiện đầu tư dự án hạ tầng kĩ thuật khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu với diện tích 90ha nằm tại phường 12, TP. Vũng Tàu.

Bộ Xây dựng chưa phê duyệt phương án bán ‘đất vàng’ của Vicem

Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp trực thuộc, trong đó có nội dung về tình hình sắp xếp, xử lý một số nhà đất do Vicem quản lý và sử dụng.

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) là Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước, do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu.

Báo cáo lên Thủ tướng, Bộ Xây dựng đề cập đến nội dung báo chí phản ánh liên quan đến việc Vicem đề xuất thay đổi sắp xếp lại, xử lý đối với 3 cơ sở nhà đất: lô 10E6 Phạm Hùng thuộc dự án trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (Hà Nội); dự án khu tổng hợp Vĩnh Tuy tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (Hà Nội); dự án nhà máy kết cấu bê tông vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi thuộc khu công nghiệp Đông Hồi (Nghệ An).

Bộ Xây dựng cho biết so với phương án sắp xếp đã được Bộ phê duyệt trước đây, phương án điều chỉnh hiện nay do Vicem đề xuất cơ bản lô đất tại ngõ 122 Vĩnh Tuy có sự điều chỉnh, song vẫn đề nghị Vicem được tiếp tục quản lý, sử dụng.

Riêng 2 cơ sở nhà đất còn lại, Bộ Xây dựng cho hay Vicem đề nghị được sắp xếp lại theo hình thức “bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất” và “chuyển nhượng dự án”.

Lí do phải chuyển nhượng hai lô đất này, Bộ Xây dựng nêu rõ: đối với lô đất ở Phạm Hùng, Vicem nhận thấy nếu tiếp tục dự án sẽ không hiệu quả.

Ngoài ra, theo đề án tái cơ cấu Vicem, doanh nghiệp này cần phải tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh xi măng. Lĩnh vực đầu tư, phát triển kinh doanh bất động sản không thuộc về thế mạnh, ngành nghề của tổng công ty.

Bộ Xây dựng khẳng định việc sắp xếp lại xử lý nhà đất đối với 3 cơ sở nhà đất nêu trên mà Vicem đang quản lý, sử dụng để trình các cơ quan chức năng phê duyệt theo thẩm quyền trước khi lập phương án cổ phần hoá là thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định.

“Tuy nhiên, phương án đề xuất hiện cũng đang trong quá trình xem xét của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, chưa được phê duyệt”, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Chuyển công an điều tra vụ lừa đảo “mua đất không xây được nhà” tại dự án Amazing City

Dự án khu dân cư trung tâm thương mại xã Tân Nhựt (tên thương mại là Amazing City), tại huyện Bình Chánh, TP. HCM có quy mô 12,39 ha, do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Huỳnh Thông (Công ty Huỳnh Thông) làm chủ đầu tư. 

Gần 10 năm qua, hàng trăm khách hàng nhận chuyển nhượng nền đất tại dự án này rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi có đất nhưng không được xây nhà. Đây là hệ quả từ hàng loạt sai phạm của Công ty Huỳnh Thông. 

Tháng 12/2010, UBND TP. HCM đã giao 12,29 ha đất cho Công ty Huỳnh Thông để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án Amazing City. Về cơ cấu sử dụng đất, dự án có 69.033m2 đất ở; 2.213m2 đất trung tâm thương mại; phần còn lại là diện tích đất xây dựng các công trình công cộng, trường học và công viên. 

Theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thuộc dự án Amazing City, Công ty Huỳnh Thông có trách nhiệm bàn giao 20% quỹ nền nhà ở có hạ tầng kỹ thuật của dự án để UBND huyện Bình Chánh phục vụ phát triển nhà ở xã hội.

Tuy chỉ mới được phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án Amazing City, nhưng từ năm 2016 – 2018, Công ty Huỳnh Thông đã huy động vốn bằng hình thức chuyển nhượng nền đất cho nhiều khách hàng cá nhân.

FLC đầu tư 3 dự án ở Bạc Liêu

Đại diện Tập đoàn FLC cho biết hiện tập đoàn đang thực hiện đầu tư, nghiên cứu đầu tư 3 dự án gồm: khu đô thị du lịch sinh thái hỗn hợp Bạc Liêu; tổ hợp khách sạn, thương mại dịch vụ, căn hộ cao cấp Bạc Liêu; khu đô thị mới 205ha thành phố Bạc Liêu.

Theo báo cáo của FLC, dự án khu du lịch sinh thái hỗn hợp có quy mô trên 400ha tại xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu) đã hoàn thành hồ sơ pháp lý về quy hoạch, chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, hiện nay đang được gấp rút triển khai khâu đấu giá.

FLC đề nghị UBND tỉnh sớm có chủ trương về việc mở rộng tuyến đường bờ đê biển nhằm tăng cường tính kết nối và giao thông trong khu vực.

Đối với dự án tổ hợp khách sạn, thương mại dịch vụ, căn hộ cao cấp Bạc Liêu với quy mô khoảng hơn 1ha tại phường 1, FLC sẽ xây dựng khu tổ hợp khoảng 19 tầng, trong đó có 5 tầng nhà ở, còn lại là tổ hợp khách sạn, thương mại dịch vụ.

Dự án này đã hoàn thành thủ tục pháp lý về chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết nhưng hiện đang vướng về công tác giải phóng mặt bằng. Dự kiến dự án sẽ khởi công vào tháng 2/2021.

Dự án thứ ba là khu đô thị mới tại phường 5, phường Nhà Mát, xã Hiệp Thành (thành phố Bạc Liêu), đã hoàn thành các hồ sơ pháp lý. FLC cho biết hiện dự án còn đang vướng mắc về thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.

Sau 2 lần sơ tuyển, Thanh Hóa sắp chốt chủ dự án khu dân cư hơn 3.200 tỷ đồng

UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án khu dân cư phía tây nam đường vành đai Đông Tây thuộc quy hoạch phân khu Đông Ga đường sắt cao tốc Bắc Nam, TP. Thanh Hóa.

Theo phê duyệt, dự án được xây dựng tại xã Đông Tân, TP. Thanh Hóa với tổng mức đầu tư 3.260 tỷ đồng chưa bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 101,5 tỷ đồng.

Tổng diện tích thực hiện dự án gần 49ha, trong đó diện tích đất ở chia lô liền kề là 7,4ha, diện tích đất nhà ở biệt thự là 4,7ha, diện tích đất nhà ở xã hội là 2,3ha. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư là chỉ định thầu. Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư vào quý III/2020.

Cách đây nửa tháng, Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Hóa (bên mời thầu) đã công bố nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ dự tuyển và trúng sơ tuyển dự án này là liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lam Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Gama, Công ty Cổ phần dịch vụ Thanh Hóa.

Cả 3 công ty này đều có địa chỉ ở thành phố Thanh Hóa. Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lam Sơn từng trúng 13 gói thầu nằm trên địa bàn tỉnh này. 2 thành viên liên danh còn lại đều là các doanh nghiệp mới thành lập và chưa được công bố trúng gói thầu nào.

Hủy thanh tra dự án khu đô thị thành phố giao lưu của Vigeba vì dịch Covid-19

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ký quyết định hủy thanh tra hàng loạt dự án bất động sản tại nhiều địa phương đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 như Hà Nội, TP. HCM, Bình Thuận, Quảng Nam.

Tại quyết định về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2020, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà yêu cầu Tổng cục Quản lý đất đai không thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, có sai phạm trong quản lý.

Lý do hủy thanh tra được đưa ra là nhiều địa phương đang chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, tại Hà Nội, Bộ TN&MT không thanh tra 4 dự án, gồm: dự án đầu tư xây dựng khu đô thị Bắc An Khánh tại huyện Hoài Đức do Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (Vinaconex – Posco) làm chủ đầu tư; dự án khu đô thị thành phố giao lưu tại quận Bắc Từ Liêm của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Quốc tế Vigeba;

Khu đô thị mới Tây Mỗ – Đại Mỗ – Vinhomes Smart City tại phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Vinaconex – Viettel (nay đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển đô thị Tây Hà Nội); dự án khu đô thị mới thuộc khu đô thị Đại học Vân Canh tại huyện Hoài Đức của Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc.

Theo Lệ Chi/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/bds-tuan-qua-bo-tnmt-vao-cuoc-vu-buc-tu-ho-dai-lai-on-ao-vu-vicem-muon-ban-dat-vang-20180504224242442.htm