QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bê bối nước mắm: Cuộc cạnh tranh thành lập Hội nước mắm và Hiệp hội nước nắm truyền thống

Kể từ năm 2016, hồ sơ xin thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam được nộp lên Bộ Nội vụ. Cùng thời gian đó, một bộ hồ sơ khác xin thành lập Hội nước mắm Việt Nam cũng được trình lên.

Chưa thành lập được Hiệp hội nước nắm truyền thống Việt Nam

Trao đổi với VietnamFinance, TS Trần Thị Dung, nguyên cán bộ Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết sau bê bối “nước mắm nhiễm arsen” (năm 2016), Thủ tướng đã giao nhiệm vụ xây dựng quy chuẩn về nước mắm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cho phép thành lập một hội về nước mắm, lấy tên là Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam.

“Chúng tôi làm đầy đủ hồ sơ theo quy định của Nghị định 45/2010. Tôi cầm hồ sơ sang nộp cho Bộ Nội vụ vào ngày 31/7/2016. Theo quy định, 30 ngày sau, Bộ Nội vụ phải có câu trả lời. 30 ngày sau đó, tôi đến Vụ Tổ chức phi chính phủ của Bộ Nội vụ thì được một cô cho xem một bộ hồ sơ xin thành lập hội khác có tên Hội nước mắm Việt Nam.

Ban vận động thành lập của Hội nước mắm Việt Nam gồm: PGS.TS Trần Đáng (Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế), PGS.TS Phan Thị Kim (Chủ tịch Hội Khoa học kĩ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm) và một số người khác nữa. Đặc biệt, danh sách con có 6 doanh nghiệp thành viên của Masan cộng thêm một số nhà cung cấp muối cho tập đoàn này”, bà Dung cho biết.

Theo TS Trần Thị Dung, điều đáng ngạc nhiên là bà nhìn thấy công văn của Bộ Y tế công nhận ban vận động thành lập Hội nước mắm Việt Nam.

“Bộ Y tế không có thẩm quyền này nhưng họ vẫn cố tình làm. Chúng tôi đã hỏi Bộ Tư pháp rằng cơ quan nào có thẩm quyền thành lập Hội nước mắm Việt Nam. Bộ Tư pháp trả lời là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, bà Dung nói.

Bà Dung cho hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau đó đã có văn bản nói về việc này, đề nghị Bộ Nội vụ xem xét.

“Bộ Nội vụ mời 2 bên họp lại để thỏa thuận với nhau nhưng rõ ràng làm sao mà ngồi được. Họ quá biết chuyện đấy nhưng họ làm thế để kéo dài thời gian, để không thành lập được Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam.

“Hiệp hội không thành lập được thì các nhà sản xuất nước mắm truyền thống nhỏ lẻ không có tiếng nói. Cho đến giờ, hiệp hội vẫn chưa được thành lập”, bà Dung khẳng định.

Theo TS Trần Thị Dung, việc thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam còn bị một cá nhân ngáng trở. “Ông đấy cứ đi khắp nơi để ngăn cản chuyện người ta thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống. Ông có cái gì ở đây mà lại làm như vậy”, bà Dung bức xúc.

Theo Tào Minh/VietnamFinance