QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bể kèo làm ăn, Him Lam muốn gì khi “bạo chi” mua cổ phần DIG?

Việc hợp tác đầu tư tại một dự án nghìn tỷ khiến DIC Corp bắt buộc phải chia sẻ lợi nhuận, quyền lợi của dự án cho Him Lam. Và… với chỉ hơn 33% cổ đông đồng ý biểu quyết, ĐHCĐ của DIC Corp đã thông qua bất thành chủ trương hợp tác với Him Lam.

Cập nhật tại thời điểm 9h50, cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng – DIC Corp (HOSE: DIG) tiếp tục tăng mạnh 3,1% lên 26.500 đồng với khớp lệnh gần 2,4 triệu cổ phiếu. Trước đó – tại thời điểm đầu phiên, mã thậm chí còn leo sát mức trần trước khi đà giảm thu hẹp về ngưỡng 3 % như hiện tại.

Theo thông tin cập nhật mới nhất, Him Lam Land vừa thông báo đã mua xong 67,7 triệu cổ phiếu, tương đương với 21,49% số cổ phiếu đang niêm yết và chính thức trở thành cổ đông lớn từ 2/12.

Cũng trong ngày này, cổ phiếu DIG còn xuất hiện giao dịch thỏa thuận của khối ngoại với số lượng 67,72 triệu cổ phiếu.

Trong phiên giao dịch này, cổ phiếu DIG ghi nhận hơn 160 triệu cổ phiếu DIG được thỏa thuận trên sàn, tổng giá trị giao dịch hơn 3.440 tỷ đồng. Trong đó, 145 triệu cổ phiếu giao dịch tại giá 21.500 đồng/cổ phiếu.

Tạm tính theo mức giá này, Him Lam Land đã chi ra hơn 1.455 tỷ đồng để mua trực tiếp lượng cổ phần trên. Tổ chức này hiện không có người nội bộ tại DIG.

Trong phiên thỏa thuận này, nhà đầu tư nước ngoài bán hơn 69,28 triệu cổ phiếu với trị giá gần 1.500 tỷ đồng. Số cổ phần này cũng đúng bằng lượng nhóm Dragon Capital sở hữu, tương đương với tỷ lệ 22% vốn.

Theo quan sát thời gian qua, cơ cấu cổ đông DIG liên tục biến động trước khi Him Lam xuất hiện. Trong tháng 7, Khahomex đã bán 16 triệu cổ phiếu DIG chỉ sau hơn 1 năm đầu tư. Đến tháng 10, Taekwang Vina cũng bán toàn bộ hơn 28 triệu đơn vị. Giữa tháng 11, Đầu tư Phát triển Thiên Tân bán hơn 4 triêu cổ phiếu và không còn là cổ đông lớn; không loại trừ cổ đông này bán tiếp 13,2 triệu cổ phiếu còn lại do không thuộc diện công bố thông tin. Riêng DIG cũng đang chủ trương bán toàn bộ hơn 8 triệu cổ phiếu quỹ trong quý IV.

Ở chiều ngược lại, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu DIG. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 27/11 đến 26/12. Hiện ông Tuấn đang là cổ đông lớn sở hữu 19,87 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 6,24%.

Cổ phiếu DIG vừa tiếp tục tăng trần lên 25.700 đồng/cổ phiếu, tức cao gấp đôi tính từ đầu tháng 9 đến nay.

Trước đó, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã có bài “Dự án Khu đô thị Nam Vĩnh Yên sẽ giúp cổ phiếu DIG của DIC Corp tăng tốc?” đưa ra nhận định về triển vọng kinh doanh cũng như chuyển động giá cổ phiếu DIG trong thời gian vừa qua… Độc giả tìm đọc xem thêm tại đây!

Phối cảnh dự án Khu đô thị Nam Vĩnh Yên
Doanh nghiệp “uy tín” và dòng tiền thâm hụt sau 9 tháng năm 2020Theo phân tích, hiện lưu chuyển tiền tệ 9 tháng năm 2020 của DIG ghi nhận trạng thái thâm hụt hơn 410 tỷ đồng so với mức thặng dư 258 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2019. Nguyên nhân chính là do thâm hụt từ dòng tiền hoạt động kinh doanh hơn 303 tỷ đồng.Tiến độ thu tiền của các dự án đã mở bán của công ty như Vũng Tàu Gateway, Hiệp Phước, CSJ vẫn duy trì ổn định tuy nhiên do việc tiếp tục đầu tư các dự án gối đầu cho năm 2021 và 2022 như Nam Vĩnh Yên, Vị Thanh đã kéo dòng tiền từ hoạt động kinh doanh thâm hụt trong thời gian qua.Liên quan đến chất lượng thi công một số dự án trước đây do DIC Corp đầu tư, tại thời điểm ngày 1/8/2019, ông Lê Tuấn Quốc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ký ban hành Quyết định số 1963/QĐ-UBND về việc xử phạt hành chính đối với DIC Corp vì đã có hành vi xây dựng không phép.Quyết định nêu rõ, DIC Corp đã tổ chức thi công xây dựng công trình Khu phức hợp Cap Saint Jacques tại số 169 Lê Hồng Phong, Phường 8, TP. Vũng Tàu mà không có giấy phép xây dựng.Đáng lưu ý, trước đó ngày 27/5/2019, Thanh tra Sở Xây dựng cũng đã có Quyết định xử phạt hành chính số 17/QĐ-XPHC tại thời điểm DIC Corp đang thi công xây dựng cốp pha, sắt, đổ bê tông cột tầng 4 (khối tháp) – diện tích 1.176,8 m2 (kích thước: 40,8m x 38,2m). Tuy nhiên, tại thời điểm đó, DIC Corp đang thi công sàn tầng 10 (vượt 6 tầng).Được biết, đây không phải là lần đầu DIC Corp vi phạm các quy định về xây dựng khi trước đó công ty này dù không được phép nhưng vẫn ngang nhiên xây đến tầng 14 tại Dự án Vũng Tàu Gateway tại lô B13 Khu trung tâm Chí Linh, TP. Vũng Tàu khiến dư luận không khỏi thắc mắc, liệu có ai đang “chống lưng” cho DIC Corp? Chi tiết xem tại đây

Diễn biến giá cổ phiếu DIG trong 6 tháng gần đây

Him Lam Land từng là đối tác “hụt” với DIG

Trở lại với Him Lam Land, đây là một thành viên thuộc hệ thống CTCP Him Lam của doanh nhân Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Sacombank. Him Lam là tập đoàn tư nhân lớn trong cả nước với 4 mảng kinh doanh chính trong đó là bất động sản được xem là “xương sống” trong mô hình hoạt động.

Ngoài ra, tập đoàn này còn mở rộng đầu tư tài chính khi tham gia thành lập LienVietPostBank và ngày nay là Sacombank. Một số lĩnh vực khác như giáo dục (hệ thống trường Hoàng Mai), công trình giao thông hay các dự án golf (Golf Long Biên, Golf Tân Sơn Nhất)…

Him Lam Land được thành lập năm 2008 tại TP. HCM, hiện có vốn điều lệ 1.700 tỷ đồng và nhân sự khoảng 300 người. Công ty thành viên này đã và đang phát triển một số dự án lớn như Khu Đô thị mới Him Lam Tân Hưng, Him Lam Riverside, Him Lam Chợ Lớn, Him Lam Phú Đông, Him Lam Green Park, Him Lam Vạn Phúc, Him Lam Newstar…

Một dự án đầu tư của Him Lam tại TP. HCM. Ảnh: Him Lam Land

Trước đó, DIG đã tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về chủ trương hợp tác đầu tư dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu với đối tác là Him Lam. Đây là dự án có diện tích 90,5 ha cùng nguồn vốn dự kiến cho giai đoạn 2020 – 2026 là 10.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện 12 năm từ năm 2015 đến hết năm 2026.

Lãnh đạo DIG khi đó cho biết, chỉ có Him Lam là đơn vị thực sự quan tâm đến dự án và có năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai các dự án đô thị đồng thời Him Lam cũng có mối liên hệ với các tổ chức tín dụng lớn trong nước, có thể thu xếp được nguồn vốn cho dự án với mức huy động lớn trong thời gian ngắn.

Theo kế hoạch đề ra trước ngày 30/10, hai bên sẽ thành lập công ty TNHH 2 thành viên với vốn điều lệ 700 tỷ đồng trong đó DIC Corp góp 65% vốn, công ty con do Him Lam chỉ định góp 35%. Sau khi bắt đầu triển khai đầu tư xây dựng dự án, vốn điều lệ dự kiến tăng thêm 1.000 tỷ đồng lên 1.700 tỷ đồng.

Ngoài ra, Him Lam đồng ý thu xếp nguồn vốn vay tổng thể cho dự án khoảng 3.500 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là 2.000 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 1.500 tỷ đồng; việc cho vay không cần tài sản thế chấp cũng như thông báo thu hồi đất. Như vậy, việc hợp tác đầu tư này khiến DIC Corp bắt buộc phải chia sẻ lợi nhuận, quyền lợi của dự án cho Him Lam.

Tuy nhiên kết quả biểu quyết chỉ có hơn 33% cổ đông đồng ý nên ĐHCĐ không thông qua chủ trương hợp tác với Him Lam.

Theo Quốc Trung/ Kinh tế Chứng khoán

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/be-keo-lam-an-him-lam-muon-gi-khi-bao-chi-mua-co-phan-dig-83237.html