QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bộ Giao thông vận tải chuyển giao 5 tổng công ty lớn về ‘siêu ủy ban’

Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ tiên phong chuyển giao 5 Tổng công ty lớn trực thuộc Bộ về “siêu ủy ban” để sớm ổn định, tập trung cho công việc.

Hai ngày sau khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chính thức ra mắt, ngày 2/10, Bộ trưởng Giao thông vận tải đã chủ trì buổi làm việc về công tác chuyển giao các doanh nghiệp về Ủy ban này quản lý.

Theo quy định tại Nghị định số 131 ngày 29/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, có 7 Tập đoàn và 12 Tổng công ty được Chính phủ giao Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu.

Đối với Bộ Giao thông vận tải, có 5 Tổng công ty thuộc được chuyển giao gồm: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Nghị định số 131 nêu rõ, trong vòng 45 ngày phải bàn giao xong việc chuyển giao. Bộ Giao thông vận tải sẽ tiên phong chuyển giao sớm về Ủy ban để đảm bảo hoạt động của các tổng cổng ty không bị đình trệ, chồng chéo.

“Việc chuyển giao sẽ tách bạch rõ chức năng quản lý Nhà nước của Cục quản lý chuyên ngành và các tổng công ty. Đối với việc quản lý tài sản của các đơn vị chuyển giao, đang xây dựng các đề án quản lý, khai thác hạ tầng xin ý kiến Chính phủ phê duyệt”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, sau khi chuyển giao, Bộ sẽ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên cơ sở chiến lược, quy hoạch; nghiên cứu kế hoạch đầu tư và cơ chế chính sách.

Trước đó, như VietnamFinance đã thông tin, sau 8 tháng thành lập, hôm 30/9, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chính thức ra mắt và bắt đầu tiếp nhận việc quản lý hơn 2,3 triệu tỷ đồng tài sản của nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty lớn.

Sau khi ra mắt, việc chuyển giao vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty đang trực thuộc các bộ ngành hiện nay sẽ “khởi động” trong tháng 10.

Tại buổi lễ ra mắt, Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã công bố Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Nghị định gồm 4 chương và 11 điều, trong đó quy định Uỷ ban là cơ quan thuộc Chính phủ, được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. Ủy ban có tên giao dịch quốc tế tiếng Anh viết tắt là CMSC.

Về cơ cấu tổ chức của Ủy ban, Nghị định nêu rõ Ủy ban có Chủ tịch và không quá 4 Phó chủ tịch. Chủ tịch và Phó chủ tịch do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật

Theo Vietnamfinance