Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra những dự báo tình hình kinh tế Việt Nam năm 2020 tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội…
Báo cáo tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho biết, 2019 là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Năm 2019, theo báo cáo, quy mô kinh tế mở rộng, đạt khoảng 266,5 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.786 USD (năm 2018 là 2.590 USD). Chất lượng tăng trưởng duy trì đà cải thiện. Tốc độ tăng năng suất lao động đạt khá (gần 5,9%) giúp duy trì mức tăng năng suất lao động toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 5,8%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm (5,5%/năm).
Tăng trưởng giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tăng trưởng tín dụng, từng bước chuyển sang dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khá (42,7%), duy trì ở mức trên 40%.
Biểu hiện cụ thể của việc giảm dần phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tăng trưởng tín dụng là tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP theo giá cơ bản giai đoạn 2016 – 2019 tăng qua từng năm (năm 2016 là 14,3%; năm 2017 là 15,3%; năm 2018 là 16%), trong khi đó, tỷ trọng của nhóm ngành khai khoáng giảm dần (năm 2016 là 8,1%; năm 2017 là 7,5%; năm 2018 là 7,4%).
Tăng trưởng tín dụng được kiểm soát phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần cải thiện tăng trưởng GDP. Mức tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP năm 2016 lần lượt là 18,25% và 6,21%; năm 2017, là 18,28% và 6,81%; năm 2018 là 13,89% và 7,08%; năm 2019 dự kiến khoảng 14% và 6,8%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cơ bản ổn định, thanh khoản tốt, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên. Tình trạng “vàng hóa”, “đô-la hóa” giảm đáng kể, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên, hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện.
Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là tổ chức tín dụng yếu kém, gắn với xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ, giữ ổn định, an toàn hệ thống. Đến cuối tháng 6/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 1,91%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 5,39%, giảm mạnh so với cuối năm 2016 (10,08%), năm 2017 (7,36%) và cuối năm 2018 (5,85%).
Năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, năng lực quản trị điều hành, tính minh bạch hoạt động của tổ chức tín dụng được cải thiện giúp quy mô vốn điều lệ của hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 6/2019 đã tăng 1,05% so với cuối năm 2018, quy mô vốn chủ sở hữu tăng 9,63%. Đã có 9 tổ chức tín dụng được áp dụng chuẩn Basel II đáp ứng thông lệ quốc tế về an toàn vốn trước thời hạn (1/1/2020).
Nhận định 2020 có nhiều thuận lợi song nội tại nền kinh tế còn khá nhiều vấn đề, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu cho năm sau: GDP tăng khoảng 6,8% so với năm 2019. CPI bình quân tăng dưới 4% so với bình quân năm 2019. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7% so với năm 2019. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội chiếm khoảng 33 – 34% GDP. Báo cáo cũng nêu dự kiến một số cân đối lớn của nền kinh tế năm 2020 như, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước dự kiến đạt 1.512,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 3,8% so với năm 2019; tổng chi cân đối ngân sách nhà nước dự kiến đạt 1.747,1 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 4,8%; bội chi ngân sách nhà nước dự kiến khoảng 238,4 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,44% GDP. Khả năng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2020 đạt khoảng 2.363,2 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 13,2% so với năm 2018, bằng khoảng 34,4% GDP.Xuất khẩu hàng hóa năm 2020 dự kiến đạt khoảng 282 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với năm 2019, nhập khẩu hàng hóa dự kiến đạt khoảng 286 tỷ USD, tăng khoảng 9%, nhập siêu khoảng 4 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhu cầu điện năm 2020 dự kiến tăng khoảng 9,1% so với năm 2019, điện sản xuất và mua năm 2020 khoảng 265,4 tỷ kWh.Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên dự kiến đạt khoảng 56,2 triệu người, trong đó lao động làm việc trong nền kinh tế quốc dân dự kiến đạt khoảng 55,2 triệu người, tăng 7% so với năm 2019, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị dự kiến dưới 4%. |
Theo Yến Thanh/Thời báo chứng khoán