QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bộ Tài chính: Dang tay tiếp sức doanh nghiệp vượt khó “hậu Covid”

Dù dịch Covid-19 trong nước đã cơ bản được khống chế, tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đang trông cậy rất nhiều vào các quyết sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành trong đó có Bộ Tài chính bên cạnh việc xoay bài các sách lược, chiến lược đầu tư kinh doanh…

Về vấn đề này, Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nhận định của ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính trên tinnhanhchungkhoan.vn thông tin đến Quý độc giả…

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính

Việc triển khai gói gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất khoảng 180.000 tỷ đồng đang được Bộ Tài chính tổ chức ra sao, thưa ông?

Trên cơ sở bám sát thực tế diễn biến dịch COVID-19, tham khảo kinh nghiệm của các nước, cũng như khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, khả năng của ngân sách, Bộ Tài chính đã, đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí cho doanh nghiệp và người dân trong đó, có gói giải pháp gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất có giá trị khoảng 180.000 tỷ đồng; các giải pháp, đề xuất về miễn, giảm thuế, phí và lệ phí có giá trị khoảng 40.000 tỷ đồng.

Bên cạnh các gói cơ chế hỗ trợ về thuế, phí đã áp dụng với nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp, hiện có một số chính sách thuế tác động lớn đến doanh nghiệp mà Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, để nhanh chóng tiếp sức cho doanh nghiệp.

Theo đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để báo cáo Quốc hội cho phép bổ sung một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2020, đồng thời xây dựng Nghị quyết theo trình tự rút gọn và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp để có thể áp dụng ngay.

Nội dung chính của các giải pháp tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội gồm: áp dụng thuế suất 15% đối với doanh nghiệp siêu nhỏ; thuế suất 17% đối với doanh nghiệp nhỏ; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hai năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.

Theo đó, việc Quốc hội cho phép áp dụng Nghị quyết này sẽ có tác động giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp khoảng 15.500 tỷ đồng mỗi năm.

Để hỗ trợ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Chính phủ đã có Tờ trình 152/TTr-CP ngày 16/4/2020 trình Quốc hội về dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Nếu được Quốc hội cho phép triển khai thì số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. Đây sẽ là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, qua đó giúp các tổ chức cá nhân mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần khuyến khích đầu tư…

Việc triển khai gói hỗ trợ doanh nghiệp cũng như các đối tượng khác chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 về miễn, giảm thuế, phí và lệ phí khoảng 40.000 tỷ đồng mang lại hiệu quả như thế nào với doanh nghiệp, theo ghi nhận của ông?

Bộ Tài chính đã nhận được văn bản của 15 bộ, trong đó có 12/15 bộ đề xuất giảm các khoản phí, lệ phí đến hết năm 2020 như giảm 20% mức phí thẩm định cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng; giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; phí thẩm định thiết kế dự án đầu tư xây dựng; giảm 50% mức thu 20 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán; giảm 50% mức thu phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và nội địa…

Đến nay, rất nhiều cơ chế tiếp sức cho doanh nghiệp đã được áp dụng như giảm phí, lệ phí đối với một số dịch vụ trong lĩnh vực hàng không, chứng khoán, xuất bản, kinh doanh hàng hóa, cấp giấy phép thành lập sở giao dịch hàng hóa… trong đó, nhiều lĩnh vực doanh nghiệp đã được thụ hưởng nhờ cơ chế giảm, miễn các loại phí chẳng hạn, Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán đã trực tiếp hỗ trợ cho tổ chức kinh doanh chứng khoán 160,5 tỷ đồng…

Trên cơ sở đề xuất của các bộ, tới đây, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành các quy định về giảm các loại phí, thuế.

Tại Nghị quyết 84/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa được Chính phủ ban hành, có giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính triển khai thêm một số cơ chế ưu đãi về thuế, phí. Việc này đang được tiến hành ra sao?

Với nội dung giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước như Nghị quyết 84/2020, Bộ Tài chính đang tiến hành dự thảo nghị định, để sớm trình Chính phủ ban hành.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang triển khai các bước nghiên cứu để xây dựng văn bản hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ mà Chính phủ giao như: sửa đổi quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3/2020…

Các cơ chế mới trên liệu có kịp áp dụng trong năm 2020 để hỗ trợ doanh nghiệp không?

Khối lượng công việc hoàn thiện cơ chế, chính sách tăng đột biến, trong khi phải hoàn thành trong thời gian gấp, nên chúng tôi đang phải rất nỗ lực để kịp ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành trong thời gian ngắn nhất theo quy định của pháp luật. Tinh thần của việc xây dựng và ban hành các cơ chế này là đều theo thủ tục rút gọn, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tiếp sức cho doanh nghiệp.

Ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Quy định về miễn, giảm, phí, thuế với doanh nghiệp cần minh bạch, đơn giảnCùng với chính sách tiền tệ, việc triển khai các chính sách tài khóa có ý nghĩa quan trọng trong vực dậy nền kinh tế, cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.Chúng tôi ghi nhận doanh nghiệp mong muốn các cơ chế miễn, giảm, giãn thuế, phí nên kéo dài 12 tháng, thay vì 5 tháng như hiện nay do khó khăn với doanh nghiệp, nền kinh tế còn nhiều.Để sớm đưa các chính sách tài khóa đi vào thực thi, khẩn trương tiếp sức cho doanh nghiệp, trong thẩm quyền của mình, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương cần sớm thông qua các cơ chế, chính sách để cho phép triển khai.Đặc biệt, các văn bản hướng dẫn cơ chế miễn, giảm, giãn, thuế, phí cho doanh nghiệp cần được quy định chi tiết, rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp áp dụng, tránh tình trạng doanh nghiệp còn than phiền thủ tục để được giãn, hoãn thuế, miễn thuế còn phức tạp như hiện tại.