QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bộ tứ ngân hàng lên sàn 10 năm trước giờ ra sao?

Năm 2009, thị trường chứng khoán Việt Nam đồng loạt đón 4 tân binh ngân hàng, trong đó 3 ngân hàng là Vietcombank, VietinBank và Eximbank cùng chào sàn HoSE, tân binh còn lại chào sàn HNX là SHB.

Bộ tứ ngân hàng lên sàn 10 năm trước giờ ra sao?

Vietcombank

Sau IPO hơn một năm rưỡi cùng nhiều lần lỡ hẹn lên sàn, ngày 30/6/2009, 112,3 triệu cổ phiếu VCB của Vietcombank đã chính thức chào sàn HoSE.

Ngay sau khi lên sàn, Vietcombank trở thành doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán với trên 56.000 tỷ đồng, gấp đôi “quán quân” trước đó là ACB với 28.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ mức giá đóng cửa trong ngày chào sàn là 60.500 đồng/cổ phiếu (tăng kịch trần 20%), giá cổ phiếu VCB sau đó đã rớt mạnh trong gần 15 phiên tiếp theo.

Từ đó đến tận hết năm 2014, cổ phiếu ngân hàng này gần như không tăng quá mức giá đóng cửa trong ngày chào sàn, nghĩa là nếu nắm cổ phiếu VCB suốt hơn 5 năm, cổ đông Vietcombank không được hưởng lời, thậm chí bị lỗ trong nhiều khoảng thời gian dài.

Nửa đầu năm 2015, tính theo giá điều chỉnh về thời điểm hiện tại, cổ phiếu của Vietcombank bắt đầu bật mạnh, tăng tới gần gấp đôi, từ khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu (tương đương khoảng 60.000 đồng/cổ phiếu nếu điều chỉnh giá về thời điểm chào sàn) lên 38.000 đồng/cổ phiếu.

Đến tháng 10/2017, cổ phiếu VCB lại tiếp tục một đợt tăng mạnh mới, từ mức giá khoảng 40.000 đồng/cổ phiếu lên 73.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 3/2018, tương đương tăng trên 80%. Tuy vậy sau đó, theo đà giảm của toàn thị trường, thị giá cổ phiếu VCB rớt dần về mức đáy chỉ 46.000 đồng sau chưa đầy 3 tháng, trước khi hồi phục nhẹ về mức 57.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay.

Trong 10 năm qua, Vietcombank đã ghi nhận tăng trưởng ngoạn mục về cả lợi nhuận, tổng tài sản lẫn vốn tự có.

Về lợi nhuận, năm 2018, ngân hàng này ghi nhận mức kỷ lục 18.300 tỷ đồng, cao nhất trong giới ngân hàng từ trước đến nay. Mức lợi nhuận “vô tiền khoáng hậu” này gấp tới 3,6 lần con số năm 2009 (5.004 tỷ đồng).

Dù vậy, nếu nhìn vào cả quá trình, lợi nhuận của Vietcombank đã đi ngang trong thời gian khá dài, từ năm 2009 đến năm 2014 khi chưa năm nào vượt quá 6.000 tỷ đồng. Điều này “đồng pha” với diễn biến giá cổ phiếu VCB (đã đề cập phía trên).

Năm 2015, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank tăng khá mạnh với 17%, lên 6.827 tỷ đồng; tiếp tục tăng 25% lên 8.523 tỷ đồng năm 2016; tăng 33% lên 11.341 tỷ đồng năm 2017 và tăng 61% lên 18.300 tỷ đồng năm 2018.

Sau khi chia cổ tức, lượng lớn lợi nhuận còn lại, cùng với thương vụ bán vốn đình đám cho Mizuho (thu về thêm 567 triệu USD), đã giúp vốn tự có của Vietcombank tăng gấp 3,8 lần sau 10 năm, từ 16.710 tỷ đồng lên 63.889 tỷ đồng.

Về tổng tài sản, sau 10 năm, mức tăng là gấp 4,2 lần, từ 255.500 tỷ đồng lên trên 1 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay tăng gấp 4,5 lần, hiện ở mức trên 620.000 tỷ đồng.

VietinBank

Năm 2009, VietinBank chính thức niêm yết 121,2 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE, giá trị vốn hóa đạt trên 34.000 tỷ đồng.

Ngay trước khi lên sàn, trong bối cảnh thị trường đang lao dốc, lãnh đạo VietinBank đã khẳng định lẽ ra giá chào sàn phải là 8x. Nhưng ngay trong ngày giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu CTG đã giảm sát sàn còn 40.100 đồng/cổ phiếu. Được biết, mức giá chào sàn trên cao gấp đôi giá đấu thành công khi IPO.

Sự sụt giảm này tiếp diễn đến tận năm 2010, bật lại rồi tiếp tục trồi sụt đến tận tháng 10/2017. Theo đà tăng của VN-Index, cổ phiếu CTG ghi nhận mức tăng tới 95% chỉ sau nửa năm. Tuy vậy, diễn biến lợi nhuận kém khả qua cùng với đà giảm của VN-Index đã kéo thị giá cổ phiếu này về mức 20.000 đồng/cổ phiếu – tương đương mức giá hồi tháng 10/2017.

Hồi năm 2009, xét trong nhóm 4 ngân hàng thương mại lớn nhất (Big 4), VietinBank xếp cuối cùng về vốn chủ sở hữu với 12.572 tỷ đồng. Trong vòng 3 năm sau, ngân hàng này được phép tăng vốn từ nguồn thu cổ phần hóa, cộng với lợi nhuận ấn tượng đã giúp vốn tự có tăng lên trên 33.800 tỷ đồng, xếp thứ 3 trong nhóm Big 4).

Tuy nhiên, sang năm 2013, vốn tự có của VietinBank đã tăng vọt lên 54.228 tỷ đồng, tương ứng mức tăng tới trên 20.000 tỷ, vượt lên giữ ngôi vương về năng lực tài chính tự có trong nhóm Big 4, nhờ nguồn tiền khổng lồ thu về từ thương vụ bán vốn kỷ lục cho “ông trùm” tài chính Nhật Bản Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU).

Với thành quả tăng vốn thêm 20.000 tỷ, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của VietinBank giảm mạnh từ 13,9 lần xuống chỉ còn 9,6 lần, cho phép ngân hàng này đẩy mạnh việc sử dụng đòn bẩy tài chính, liên tục gia tăng quy mô tài sản.

Hệ quả, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của VietinBank liên tục tăng, từ mức 9,6 lần năm 2013 lên 11 lần năm 2014, tăng tiếp lên 12,9 lần trong năm 2015.

Năm 2016, tỷ lệ này vượt năm 2012 – thời điểm trước khi bán vốn cho BTMU – đạt 14,7 lần và tiếp tục tăng lên tới 16,2 lần tại thời điểm kết thúc năm 2017. VietinBank coi như đã dùng cạn dư địa sử dụng đòn bẩy tài chính từ thành quả 20.000 tỷ, đưa tổng tài sản vượt 1 triệu tỷ đồng, tăng gấp đôi sau chưa đầy 5 năm. Năm 2018, tỷ lệ này giảm xuống 15,6 lần, trong bối cảnh quý IV, VietinBank đã phải “cắn răng” giảm tới 26.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng để đảm bảo hệ số an toàn vốn.

Hiện VietinBank trước mắt đang đề xuất Bộ Tài chính cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu, coi như được phép giữ lại phần vốn đáng ra phải trả về nhà nước, nhằm cải thiện vốn tự có. Tiếp đến, ngân hàng này mong chờ Chính phủ cấp vốn, nếu không sẽ phải chờ đến năm 2010 khi sở hữu tối thiểu của Nhà nước được phép giảm xuống 51%, thay vì 65% như hiện nay.

Eximbank

Gần 880 triệu cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chính thức được đưa lên sàn HoSE vào tháng 10 của 10 năm trước, với giá tham chiếu là 28.000 đồng/cổ phiếu. Eximbank cũng đồng thời trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 6 thị trường với trên 21.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu này sau đó chỉ tăng giá 2 phiên đầu tiên, lên mức cao nhất trong năm là 29.800 đồng/cổ phiếu (tương đương khoảng 14.500 đồng/cổ phiếu tính theo giá điều chỉnh về thời điểm hiện tại), trước khi bị nhà đầu tư chốt lời đẩy giá xuống mức thấp nhất trong năm là 20.200 đồng/cổ phiếu.

Suốt từ đó tới nay, thị giá cổ phiếu EIB trồi sụt thất thường, lúc xuống quãng giá 10.000 đồng/cổ phiếu, lúc lại lên quãng giá 15.000 đồng/cổ phiếu (tính theo giá điều chỉnh). Nhìn chung, thị giá cổ phiếu EIB thường xuyên dưới mức giá chào sàn cách đây… 10 năm.

Tình hình tài chính của Eximbank 10 năm trở lại đây cũng trồi sụt không kém giá cổ phiếu. Năm 2009, vốn tự có của Eximbank thậm chí còn hơn cả… VietinBank.

Năm 2010 và năm 2011 chứng kiến bước phát triển phi mã của ngân hàng này với lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 2.378 tỷ đồng và 4.056 tỷ đồng, tương ứng tăng 55% và 71%. “Gây sốc” hơn là tổng tài sản tăng gấp đôi trong năm 2010, trong đó dư nợ cho vay tăng 62%; con số này năm 2011 lần lượt là 40% và 20%.

Đến năm 2012, lợi nhuận bắt đầu giảm xuống nhưng vẫn ở mức khá cao: 2.851 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng tài sản giảm nhẹ, dư nợ cho vay tăng nhẹ. Năm 2013, lợi nhuận tiếp tục giảm chỉ còn 823 tỷ đồng, tổng tài sản giảm nhẹ, còn dư nợ cho vay tăng 11%.

Hai năm 2014 và 2015 có thể gọi là hai năm “ác mộng” khi lợi nhuận trước thuế chưa đầy 70 tỷ đồng. Cuối năm 2015, tổng tài sản của Eximbank chỉ còn 124.850 tỷ đồng, thấp hơn cả tổng tài sản năm 2010. Vốn tự có thậm chí còn thấp hơn cả năm 2009, chỉ 13.145 tỷ đồng.

Eximbank bắt đầu hồi phục từ năm 2016. Đáng chú ý nhất là lợi nhuận đã tăng trở lại, vượt 1.000 tỷ đồng trong năm 2017 và 9 tháng năm 2018. Tuy vậy, mức lợi nhuận này đóng góp rất lớn từ việc thoái vốn khỏi Sacombank, tức không phải hoạt động kinh doanh cốt lõi.

SHB

Cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) chào sàn HNX cuối tháng 4/2009. Ngay khi “ra mắt”, giá cổ phiếu này đã có sự tăng trưởng mạnh kéo dài gần 2 tháng, đạt mức cao nhất là 40.500 đồng/cổ phiếu ngày 15/6/2009, tăng 166,47% so với giá đóng cửa ngày đầu tiên là 15.200 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, diễn biến sau đó là một “câu chuyện buồn”. Cổ phiếu SHB liên tục giảm cho tới tận cuối năm 2011. Mức giảm từ đỉnh lên đến 80%, hay nói hình tượng hơn, tài khoản của nhà đầu tư mua từ đỉnh đã bị chia 5.

Thị giá SHB sau đó dù hồi phục nhưng cũng biến động trồi sụt, đa phần dưới giá chào sàn cách đây 10 năm. Phải đến tháng 3/2017, cổ phiếu này mới chứng kiến một đợt bật rất mạnh, tăng gấp 3 lần sau hơn một năm trước khi quay lại xu hướng giảm.

Hơi khác so với các ngân hàng khác, biến động thị giá cổ phiếu SHB không thực sự “đồng pha” với diễn biến tài chính. 10 năm qua, SHB ghi nhận lợi nhuận khá tốt khi 8 năm gần đây ghi nhận lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng, có năm gần 2.000 tỷ đồng.

Quy mô tài sản, dư nợ cho vay cũng như vốn tự có tăng nhanh và đều đặn qua các năm. Sau 10 năm, tổng tài sản của SHB đã tăng 11 lần, dư nợ cho vay tăng 15 lần, vốn tự có tăng 6,6 lần.

Theo Kình Dương/VietnamFinance