QC 1
Thứ 4, ngày 24/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bộ Y tế: Đẩy mạnh xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Để giảm tối đa số vụ ngộ độc thực phẩm và số người bị ngộ độc tập thể trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Bộ Y tế đã tăng cường lực lượng và nguồn lực để kiểm soát.

Thực hiện theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 2069/KHBCĐTƯATTP ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Thanh tra Sở; Ban Quản lý An toàn thực phẩm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh tăng cường triển khai công tác hậu kiểm đối với các nhóm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý.

Ngay từ đầu năm 2021, ngành y tế nói riêng đã thực hiện triển khai đồng bộ các giải pháp để kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học và cơ sở cung cấp xuất ăn sẵn.

Để giảm tối đa số vụ ngộ độc thực phẩm và số người bị ngộ độc tập thể trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Bộ Y tế đã tăng cường lực lượng và nguồn lực để kiểm soát.

Mạnh tay xử lý quảng cáo thực phẩm sai sự thật

Bộ Y tế yêu cầu tập trung hậu kiểm hồ sơ tự công bố sản phẩm kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm về chất lượng, các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm các trường hợp không tự công bố sản phẩm, vi phạm về phiếu kiểm nghiệm để tự công bố, tự công bố sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố, vi phạm về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm… đối với nhóm sản phẩm/sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm theo quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP.

Ngoài ra, hậu kiểm việc tự công bố/đăng ký bản công bố sản phẩm đối với các sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ nhỏ, chỉ cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng.

Đối với các sản phẩm Thực phẩm chức năng/Thực phẩm bảo vệ sức khỏe cần tăng cường kiểm tra, tập trung lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguy cơ pha trộn trái phép chất tân dược thuộc các nhóm sản phẩm: hỗ trợ người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, đau xương khớp, mỡ máu, rối loạn cương dương, tăng cân, giảm cân…

Đồng thời, đẩy mạnh xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là xử lý vi phạm quảng cáo trên môi trường mạng, mạng xã hội, youtube v.v…công khai cơ sở và sản phẩm vi phạm, thực hiện theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Công văn số 26/ATTP – PCTTR ban hành ngày 11/01/2021 của Cục An toàn thực phẩm cũng nêu rõ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ban Quản lý An toàn thực phẩm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh có trách nhiệm phối hợp thực hiện, báo cáo kết quả triển khai về Cục An toàn thực phẩm để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế.

Trước khi mua sản phẩm Thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng cần tìm hiểu thông tin về sản phẩm, như: Thành phần, công dụng, cảnh báo… trên trang web: www.vfa.gov.vn của Cục ATTP.

Đối với các hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo thực phẩm, quảng cáo thực phẩm chức năng sẽ bị xử lý hành chính, cụ thể:1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi: “Quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”.Căn cứ Điểm a Khoản 4 Điều 68 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi: “Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định”.Căn cứ Khoản 1 Điều 67 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo và được sửa đổi tại Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017.3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:a) Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm;b) Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.Căn cứ Khoản 4 Điều 70 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo và được sửa đổi tại Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017.4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi: “Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.”Căn cứ Điều 23 Khoản 1 Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi “Quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú và vú ngậm nhân tạo”.Căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 50 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Theo Thu Uyên/ Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/bo-y-te-day-manh-xu-ly-vi-pham-ve-quang-cao-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-86090.html