QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bóc tách cấu phần hình thành lợi nhuận “khủng” của Agribank

Tính đến hết ngày 31/12/2018, giá trị trái phiếu VAMC chưa trích lập dự phòng tại Agribank chỉ còn vỏn vẹn 2.355 tỷ đồng, nghĩa là áp lực trích lập dự phòng với nợ xấu tại VAMC năm 2019 sẽ thấp đi rất nhiều, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của Agribank theo đó sẽ “sáng” hơn nữa trong năm 2019.

Bóc tách cấu phần hình thành lợi nhuận ‘khủng’ của Agribank

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 với lợi nhuận trước thuế 7.345 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2017.

Mức lợi nhuận “khủng” này của Agribank hình thành bởi nhiều cấu phần. Đầu tiên phải kể đến lợi nhuận từ hoạt động tín dụng. Năm 2018, Agribank ghi nhận tới 40.877 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 21% và đứng đầu hệ thống ngân hàng thương mại, bỏ xa “đàn em” xếp thứ 2 là BIDV gần 6.000 tỷ đồng.

Các hoạt động phi tín dụng cũng đem về lợi nhuận đáng kể cho Agribank. Năm vừa qua, mảng tín dụng đem về 3.763 tỷ đồng lãi thuần, tăng 23%; mảng ngoại hối đem về 704 tỷ đồng, tăng 32%.

Đặc biệt, trong năm, Agribank ghi nhận tới 8.023 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động khác, tăng tới 58%. Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, phần lớn lượng lãi thuần “khủng” này là thu từ nợ gốc đã xử lý và một phần đáng kể là thu từ lãi các khoản nợ đã xử lý rủi ro. Nôm na là trước đây trích lập dự phòng rủi ro “quá tay”, nay thu hồi lại.

3 cấu phần trên giúp tổng thu nhập hoạt động của Agribank đạt tới 53.142 tỷ đồng trong năm 2018, tăng 25% so với năm 2017. Sau khi trừ đi chi phí hoạt động, lợi nhuận thuần của Agribank đạt 29.063 tỷ đồng, tăng 26% và là mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, do trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tới 21.718 tỷ đồng (tăng 16%) nên lợi nhuận trước thuế của Agribank còn 7.345 tỷ đồng, tăng tới 63% nhưng xếp sau một số ngân hàng “đàn em”.

Được biết, trong số 21.718 tỷ đồng chi phí dự phòng trên, có tới 9.678 tỷ đồng là trích lập dự phòng trái phiếu VAMC, còn lại 12.039 tỷ đồng là trích lập dự phòng cho vay khách hàng.

Tính đến hết ngày 31/12/2018, giá trị trái phiếu VAMC chưa trích lập dự phòng tại Agribank chỉ còn vỏn vẹn 2.355 tỷ đồng, nghĩa là áp lực trích lập dự phòng với nợ xấu tại VAMC năm 2019 sẽ thấp đi rất nhiều, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của Agribank theo đó sẽ “sáng” hơn nữa trong năm 2019.

Đến cuối năm 2018, Agribank có tổng tài sản 1,28 triệu tỷ đồng, tăng 11% sau một năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng 14,3%. Mức dư nợ “khủng” này giúp Agribank giữ ngôi vị số 1 về thị phần cho vay tại Việt Nam.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến cuối năm 2018 của Agribank ở mức 1,6%. Nếu tính thêm cả nợ xấu chưa trích lập dự phòng tại VAMC, tỷ lệ nợ xấu là 1,83%, vẫn thấp hơn nhiều ngưỡng quy định 3% của Ngân hàng Nhà nước.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Agribank đến cuối năm 2018 ở mức 58.180 tỷ đồng, tăng tới 20% sau một năm. Sự gia tăng ấn tượng này ngoài đến từ lợi nhuận giữ lại, còn đến từ việc Agribank ngừng hợp nhất Công ty Cho thuê tài chính 2 (ALCII) sau khi tòa tuyên phá sản công ty này, giúp vốn chủ sở hữu tăng thêm tới 7.107 tỷ đồng.

Trong khi đó, tiền gửi khách hàng tiếp tục là nguồn vốn lớn nhất của ngân hàng này với 1,1 triệu tỷ đồng, trong đó 12% là tiền gửi không kỳ hạn.

Theo Minh Tâm/VietnamFinance