QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

“Bóng” Văn Phú- Invest trong thương vụ An Quý Hưng-Vinaconex?

Giống như những con cá mập luôn săn tìm đàn cá lớn ở đại dương thì các đại gia bất động sản cũng nhắm tới doanh nghiệp có quỹ đất rộng lớn “ẩn nấp” đâu đó… Và đàn “cá mập” cũng âm thầm liên thủ cho những phi vụ thâu tóm nghìn tỷ.

Vinaconex đã được “đổi chủ” sang các công ty tư nhân vào cuối năm 2018

Hợp lực thâu tóm DNNN

Cuối năm 2018, Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG) đã hoàn thành thoái hết hơn 79% vốn nhà nước, chính thức chuyển đổi sang cho tư nhân sở hữu trong cuộc tranh mua cổ phần đấu giá gay cấn. Ước tính các nhóm cổ đông mới đã chi ra hơn 10.000 tỷ đồng để sở hữu chi phối doanh nghiệp lớn nhất ngành xây dựng này.

Trong đó, Công ty TNHH An Quý Hưng (có trụ sở tại Chương Mỹ, Hà Nội) đã mua hết 57,7% cổ phần VCG do SCIC sở hữu, với tổng số tiền chi ra gần 7.400 tỷ đồng. Chủ công ty là đại gia kín tiếng Nguyễn Xuân Đông.

Còn Công ty TNHH bất động sản Cường Vũ đã gom hết 21,28% cổ phần VCG do Viettel thoái vốn, giao dịch hoàn tất vào ngày 27/12/2018. Giá trúng đấu giá của Công ty Cường Vũ sát với giá khởi điểm 21.300 đồng/CP, tương ứng tổng giá trị là 2.002 tỷ đồng và thấp hơn rất nhiều so với mức giá 28.900 đồng/CP mà An Quý Hưng đã trả để mua trọn lô 57,7% cổ phần của SCIC.

Đáng chú ý, Cường Vũ là doanh nghiệp mới chỉ được thành lập từ ngày 7/11/2017 có trụ sở chính tại số 64 đường 85, khu phố 1, phường Tân Quy, quận 7, TPHCM do ông Vũ Xuân Cường làm Người đại diện theo pháp luật. Thời điểm tham gia đấu giá, vốn điều lệ của công ty Cường Vũ chỉ vỏn vẹn… 20 tỷ đồng.

Hai “cá mập” An Quý Hưng và Cường Vũ đã lộ diện trong cuộc đua thâu tóm Vinaconex và rất nhanh chóng thanh toán tổng số tiền 10.000 tỷ đồng mua cổ phần.

Thị trường cũng đồn đoán về chủ nhân thực sự đứng sau các pháp nhân trúng đấu giá mới là những “cá mập” tài chính, chuyên thâu tóm doanh nghiệp và quỹ đất đai rộng lớn, các dự án tiềm năng.

Nửa tháng sau, ngày 11/1/2019, Vinaconex tổ chức Đại hội cổ đông để bầu lại nhân sự HĐQT thì danh tính đại diện phe “thâu tóm” tiếp tục lộ diện, gồm: Công ty TNHH Đầu tư Star Invest, Công ty địa ốc Phú Long, CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico)… Đây đều là những chủ đầu tư dự án bất động sản lớn tại Việt Nam.

Với tỷ lệ tối thiểu 10% cổ phần, nhóm cổ đông được ứng cử một đại diện chạy đua vào HĐQT. Đến giờ, cơ cấu nhân sự HĐQT đã phân chia xong, trong đó, An Quý Hưng và Cường Vũ có phần thắng thế hơn khi mỗi nhóm giành được 2 ghế quyền lực.

Sau “đổi chủ”, các cổ đông Vinaconex kỳ vọng ban lãnh đạo mới sẽ “vực dậy” công ty cải thiện kết quả lợi nhuận tốt hơn, sớm quay trở lại thời hoàng kim.

Lợi nhuận năm 2018 của Vinaconex sụt giảm mạnh, chỉ bằng 39% năm trước

Mù mờ bên nắm “đòn bẩy tài chính”

Trong các phi vụ M&A doanh nghiệp nhà nước, yếu tố quan trọng làm nên thành công chính là nguồn tiền khổng lồ. “Cá mập” sẵn sàng trả giá tới 10.000 tỷ đồng như ở cuộc thâu tóm Vinaconex, dĩ nhiên sẽ muốn đổi lại giá trị tài sản, lợi nhuận trong tương lai lớn hơn nhiều!

Câu hỏi đặt ra là, số tiền 10.000 tỷ đồng chi thâu tóm Vinaconex đến từ đâu khi mà các công ty như An Quý Hưng, Cường Vũ, hay Phú Long không có sẵn lượng tiền mặt lớn này?

Ở trường hợp An Quý Hưng – công ty chi tới 7.400 tỷ đồng mua 57,78% cổ phần VCG, trong khi tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2017 chỉ gần 1.000 tỷ đồng. Khối tài sản của An Quý Hưng có hơn 550 tỷ đồng là Nợ phải trả, mà chủ yếu là nợ vay tại 5 ngân hàng như: Indovina Bank – Chi nhánh Thiên Long (dư nợ 330 tỷ đồng) và VPbank (dư nợ 146 tỷ đồng)…

Trước cuộc đấu giá, An Quý Hưng đã “xoay” được 540 tỷ đồng tiền đặt cọc, tiếp đó một tuần trước thời điểm đấu giá (ngày 12/11/2018), công ty nâng vốn điều lệ thêm 140 tỷ đồng, lên 500 tỷ đồng. Lượng tiền phản ánh trên sổ sách này cũng chỉ như “muối bỏ bể”…

Có thể An Quý Hưng đã huy động tiền từ nhiều nguồn bên ngoài khác như vay cá nhân, tổ chức để kịp thời thanh toán đủ 7.400 tỷ đồng cho SCIC.

Trong các quan hệ làm ăn của An Quý Hưng và các đối tác thời điểm trước phiên đấu giá Vinaconex đã xuất hiện những giao dịch “lạ”…

Nửa tháng trước phiên đấu giá Vinaconex, An Quý Hưng đã chuyển 163 tỷ đồng tiền đặt cọc cho Văn Phú- Invest theo hợp đồng hợp tác đầu tư vào dự án 83 Hào Nam (Hà Nội) được kí ngày 29/10/2018. Bên cạnh đó, Văn Phú-Invest đã thu được hơn 292 tỷ đồng từ khách hàng mua nhà… Chỉ riêng dự án này Văn Phú-Invest đã huy động vốn sớm được hơn 455 tỷ đồng, có ngay dòng tiền “tươi” để lưu chuyển đầu tư.

Đến giờ, vai trò của Văn Phú-Invest ở dự án 83 Hào Nam chỉ là đối tác hợp tác đầu tư với CTCP In và văn hoá phẩm – nơi Văn Phú- Invest đã thâu tóm 47% cổ phần thông qua đấu giá chỉ với giá chưa tới… 34 tỷ đồng. Bằng cách này Văn Phú-Invest đã có được quyền phát triển khu đất vàng 6.700m2 mà giá trị thị trường có thời điểm ước tính hơn 900 tỷ đồng.

Văn Phú-Invest đang đầu tư hàng loạt dự án trên “đất vàng” như The Terra Hào Nam, Grandeur Palace Giảng Võ, Oakwood Residence Ha Noi…

Không chỉ khu đất 83 Hào Nam, trong nhiều năm qua, Văn Phú-Invest của đại gia kín tiếng Tô Như Toàn- Chủ tịch HĐQT đã âm thầm thâu tóm quỹ đất rộng lớn chủ yếu từ nguồn tài sản của doanh nghiệp được “cổ phần hoá”… Những dự án này sau đó trở thành “miếng bánh” hấp dẫn gọi mời các đối tác “hợp tác góp vốn” nhằm mang về dòng tiền cả nghìn tỷ đồng cho Văn Phú- Invest. Đơn cử: Công ty TNHH Đầu tư Hưng Phú Residence đặt cọc 540 tỷ đồng mua dự án An Hưng, CTCP Đầu tư BĐS SIC đặt cọc 191 tỷ đồng mua dự án Thảo Điền, Công ty TNHH An Quý Hưng góp vốn 163 tỷ đồng đầu tư vào dự án 83 Hào Nam…

Song song với đó, các dự án nêu trên đã và đang thế chấp vay vốn tại nhiều ngân hàng với hạn mức tín dụng lên tới gần 2.700 tỷ đồng, trong đó dư nợ đến cuối năm 2018 là 1.158 tỷ đồng. Ước tính giá trị các tài sản 4 dự án bất động sản mà Văn Phú-Invest đang triển khai có thể được ngân hàng định giá cỡ chừng.. 3.800 tỷ đồng (!?).

Có lẽ, Văn Phú- Invest mới thực sự là tay “buôn” dự án bất động sản sành sỏi, huy động được lượng vốn lớn ngay từ khi dự án mới khởi công…

Quay trở lại câu chuyện thâu tóm Vinaconex – nơi đang sở hữu quỹ đất đai rộng lớn, định giá thấp hay giá trị “ẩn nấp” đâu đó ngoài sổ sách… các công ty tư nhân nhanh chóng liên thủ để mua gọn. Trong mối quan hệ đối tác, liệu Văn Phú-Invest có bắt tay với An Quý Hưng để giành lấy một trong số quỹ đất màu mỡ của Vinaconex hay không, sẽ là điều đáng quan tâm? (còn nữa)

Theo Kim Anh/Kinh tế môi trường