QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bức tranh nợ xấu hậu Thông tư 01 sẽ thay đổi ra sao?

Tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trở lại, cùng với sự cải thiện về nguồn thu trong năm 2021, được kỳ vọng sẽ giúp bù đắp cho tác động tiêu cực từ việc gia tăng quy mô nợ xấu sau khi Thông tư 01 hết hiệu lực đối với các khoản nợ tái cơ cấu.

Bức tranh nợ xấu hậu Thông tư 01 sẽ thay đổi ra sao?

Thống kê của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho thấy giá cổ phiếu của các ngân hàng niêm yết bình quân đã tăng cao hơn mức tăng của chỉ số VN-Index tới 16 điểm%, trong đó, diễn biến giá cổ phiếu của các ngân hàng tư nhân tỏ ra tích cực vượt trội so với giá cổ phiếu của các ngân hàng gốc quốc doanh.

Báo cáo ngành ngân hàng công bố mới đây của VCSC nêu nhận định rằng, kết quả trên được thúc đẩy bởi diễn biến tích cực vượt trội về tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng tư nhân so với các ngân hàng gốc quốc doanh.

“Năm 2020, các ngân hàng gốc quốc doanh phải đối mặt với gánh nặng cao hơn để đóng góp vào các biện pháp cứu trợ liên quan đến dịch Covid-19, tác động tiêu cực đến tỷ lệ tăng trưởng NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) và thu nhập phí thuần”, chuyên gia của VCSC nhìn nhận.

Báo cáo cũng nhấn mạnh đến sự suy giảm nhẹ về chất lượng tài sản trong ngành ngân hàng. Tuy nhiên, sự suy giảm này không đồng đều, xảy ra rõ rệt hơn ở các ngân hàng thiên về phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và tài chính tiêu dùng.

Riêng đối với lượng nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, VCSC cho rằng lượng nợ tái cơ cấu tương đương khoảng 1% tổng dư nợ cho vay năm 2020 sẽ trở thành nợ xấu trong năm 2021. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trở lại, cùng với sự cải thiện về nguồn thu trong năm 2021, được kỳ vọng sẽ giúp bù đắp cho tác động tiêu cực từ việc gia tăng quy mô nợ xấu sau khi Thông tư 01 hết hiệu lực đối với các khoản nợ tái cơ cấu.

Trước đó, trong báo cáo phát đi hồi tháng 11, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhấn mạnh rằng mặc dù nợ xấu tăng (tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng quý III/2020 bình quân tăng 0,11 điểm% so với quý II/2020 và tăng 0,37 điểm% so với đầu năm; chủ yếu do nợ xấu nhóm 3 tăng 77% so với đầu năm và nợ xấu nhóm 4 tăng 48% so với đầu năm) nhưng con số này vẫn chưa phản ánh đầy đủ tình trạng suy giảm chất lượng tài sản trong ngành ngân hàng.

“Điều này là do Thông tư 01 yêu cầu các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn thanh toán các khoản vay và duy trì việc phân loại chất lượng tài sản của các khoản cho vay liên quan đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Khi Thông tư 01 hết hiệu lực, chúng tôi kỳ vọng con số nợ xấu được báo cáo sẽ tăng mạnh, có thể bắt đầu từ năm 2021”, chuyên gia của Yuanta Việt Nam nêu quan điểm.

Công ty chứng khoán này cho rằng các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/quy mô nợ xấu) thấp sẽ phải tăng trích lập dự phòng vào một thời điểm nào đó trong tương lai để ứng phó với sự suy giảm chất lượng tài sản.

“Tuy nhiên, các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao như Vietcombank, ACB, MB sẽ linh hoạt hơn so với các ngân hàng khác để giảm trích lập dự phòng và do đó gia tăng lợi nhuận mà không ảnh hưởng đến chất lượng tài sản. Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank lên đến 215% tại thời điểm quý III/2020 là cao nhất trong ngành. Điều này cho thấy rằng ngân hàng đã chuẩn bị cho việc thất thoát có thể xảy ra từ danh mục cho vay được cơ cấu lại”, chuyên gia của Yuanta Việt Nam lưu ý.

Chuyên gia dự báo trong tương lai, thu nhập ngân hàng sẽ phụ thuộc vào khả năng thu các khoản thanh toán từ các khoản vay được cơ cấu lại đó. Nếu những khoản vay đó trở thành nợ xấu, các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp, sẽ phải trích lập dự phòng bổ sung, do đó sẽ làm giảm lợi nhuận.

Bên cạnh đó, Yuanta Việt Nam còn đặc biệt lưu ý đến nguồn thu nhập từ lãi (chủ yếu đến từ mảng tín dụng).

“Chỉ nhìn vào thu nhập lãi, chúng tôi nhận thấy sự khác biệt đáng kể giữa các con số trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ và số liệu trên báo cáo thu nhập. Một số ngân hàng ghi nhận mức chênh lệch dương như Sacombank, Vietcombank, ACB, HDBank, VPBank, VIB; trong khi các ngân hàng khác ghi nhận mức chênh lệch âm khá lớn như VietinBank, SHB, LienVietPostBank”, báo cáo cho biết.

Theo chuyên gia của Yuanta Việt Nam, khoản chênh lệch âm cho thấy thu nhập lãi đã được ghi nhận trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh nhưng chưa thu được tiền. Điều này có thể là do yếu tố thời điểm và sự khác biệt về chính sách ghi nhận trong kế toán. Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn tới khả năng điều chỉnh giảm thu nhập trong tương lai, bởi vì đó như là một tín hiệu về khả năng gia tăng các khoản nợ quá hạn.

Theo Minh Tâm/ Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/buc-tranh-no-xau-hau-thong-tu-01-se-thay-doi-ra-sao-20180504224246766.htm

Tags: