Sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) của Chính phủ được ban hành đã tháo nút thắt trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Thị trường có dấu hiệu phục hồi.
Khối lượng phát hành tăng cao trong quý I
Ngày 5/3 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Một trong những điểm quan trọng của Nghị định 08 là ngưng hiệu lực thi hành với quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân tại Nghị định số 153 được sửa đổi tại Nghị định 65; Quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành tại khoản 7, khoản 8 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cùng một số nội dung sửa đổi quan trọng khác.
Thống kê cho thấy, ngay sau khi Nghị định 08 được ban hành, số lượng trái phiếu được phát hành mới cải thiện tích cực trong quý I/2023.
Theo Bộ Tài chính, trong quý I, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành được 24.708 tỷ đồng, trong đó khối lượng phát hành kể từ ngày 6/3/2023 khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực là 23.825 tỷ đồng, tương đương 96% khối lượng.
Lãi suất, kỳ hạn phát hành bình quân là 7,75%/năm và 2,37 năm. Về cơ cấu, 98,2% khối lượng phát hành thuộc lĩnh vực bất động sản, khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức chiếm 99,99%, trong đó các ngân hàng chiếm 77%.
Về tình hình thanh toán nợ trái phiếu và tái cơ cấu, trong quý I/2023, có 69 doanh nghiệp phát hành chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị chậm thanh toán khoảng 19.200 tỷ đồng; có 23 tổ chức phát hành có phương án đàm phán với nhà đầu tư và báo cáo cho HNX với khối lượng khoảng 9.600 tỷ đồng (chiếm 50% khối lượng chậm thanh toán).
Triển vọng tươi sáng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
“Lòng tin của các nhà đầu tư vào thị trường đã hồi phục. Các nhà đầu tư tiếp tục mua trái phiếu, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân có nguồn vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu hồi phục nền kinh tế.”, TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính cho biết.
Ông Nguyễn Bá Khương, khối phân tích VNDirect nhận định, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thể tiếp tục cải thiện trong quý II/2023 nhưng để thị trường phục hồi bền vững và giải quyết được vấn đề mất thanh khoản cần có nhiều giải pháp đồng bộ.
Thứ nhất, cần thêm nhiều giải pháp quyết liệt hơn từ doanh nghiệp để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bất động sản cũng phải nỗ lực tái cơ cấu, tái cấu trúc sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, đồng thời có biện pháp xử lý hàng tồn kho nhằm thu tiền về để giải quyết những khó khăn hiện tại về dòng tiền.
Thứ hai, cơ quan quản lý cần có phương án đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản.
Thứ ba, các cơ quan quản lý cần xem xét nới lỏng các điều kiện để cho phép các định chế tài chính lớn bao gồm các ngân hàng có thể tham gia sâu hơn vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp với vai trò tạo thanh khoản trên thị trường, đồng thời cho phép các ngân hàng phát triển các hình thức bảo lãnh thanh toán để dần khôi phục niềm tin cho nhà đầu tư.
Thứ tư, tương tự như bài học từ việc xử lý khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp tại các nước khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng, để giải quyết vấn đề thanh khoản ngắn hạn là rất quan trọng.
“Thị trường vẫn đang chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ các nhóm giải pháp trên. Bên cạnh đó, với một số quy định nới lỏng cho hoạt động phát hành trái phiếu của Nghị định 08, chúng tôi cho rằng trong thời gian tới có thể sẽ vẫn có những đợt PHRL với mục đích cơ cấu nợ nội bộ giống như những đợt phát hành của một số doanh nghiệp thực hiện cuối tháng 3 vừa qua”, ông Khương nói.
Chuyên gia này cũng dự báo, trong năm 2023, ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 232,6 nghìn tỷ đồng (tăng 51,6%). Trong quý II/2023 sẽ có khoảng hơn 70,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn (tăng 127% so với quý I/2023).
Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), từ đầu năm 2023 tới nay, Chính phủ đã có rất nhiều những giải pháp, động thái để cố gắng khắc phục, xử lý khó khăn trên thị trường doanh nghiệp cũng như là thị trường bất động sản.
Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định với những điều khoản hỗ trợ tương đối cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Hay như tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho thị trường bất động sản hồi giữa tháng 2/2023, một số đề xuất liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước hay là đề xuất 110.000 tỷ đồng từ Bộ Xây dựng nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã được nêu ra.
“Những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang dần được giải tỏa và bớt rủi ro hơn so với năm 2022. Bước sang giai đoạn 2024 – 2025, khi mà niềm tin của nhà đầu tư đã quay trở lại thì khi đó thị trường trái phiếu sẽ có thể quay trở lại.”, ông Trần Đức Anh nhận định.
Theo Hoàng Hà/Kinh tế chứng khoán
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/buoc-ngoat-tu-nghi-dinh-08-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-am-tro-lai-177567.html