QC 1
Thứ 5, ngày 18/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

“Cá mập” cũng đang “váng đầu” với cổ phiếu bất động sản

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư chạy theo những cổ phiếu tăng “nóng” của nhóm bất động sản đã phải chịu mức lỗ lớn lên tới trên dưới 50%, thậm chí lỗ nhiều hơn khi bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu.

“Cá mập” cũng đang “váng đầu” với cổ phiếu bất động sản

Trong giai đoạn thị trường giao dịch sôi động, tấp nập “kẻ bán người mua”, giới phân tích đã từng đưa ra cảnh báo về tiềm ẩn rủi ro vì cổ phiếu có thể quay đầu xuống giá bất cứ lúc nào, nhất là những cổ phiếu bất động sản đã tăng “nóng”.

“Việc đầu tư vào cổ phiếu bất động sản bất chấp “sức khoẻ” của doanh nghiệp cũng như hoạt động kinh doanh lỗ liên tiếp sẽ gây rủi ro cho nhà đầu tư khi dòng tiền sẽ đến lúc phân hoá, chuyển qua những cổ phiếu có yếu tố nội tại tốt”, Chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS) khuyến cáo.

Thực tế, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư chạy theo những cổ phiếu tăng “nóng” của nhóm bất động sản đã phải chịu mức lỗ lớn lên tới trên dưới 50%, thậm chí lỗ nhiều hơn khi bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu.

Không chỉ vậy, hoạt động bán giải chấp hay “call margin” cũng ảnh hưởng tới cả những “cá mập” hay cổ đông liên quan đến lãnh đạo.

Mới đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, thành viên HĐQT độc lập CTCP Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu và Đầu tư Thiên Anh Minh do ông Nguyễn Tuấn Anh làm Chủ tịch buộc phải bán giải chấp 397.600 cổ phiếu HDC sau khi cổ phiếu này giảm sàn 5 phiên liên tiếp.

Trước đó, cuối tháng 3, Chứng khoán VPS cũng từng phát đi thông báo cho biết, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, thành viên HĐQT của CTCP Licogi 14 đã bị bán giải chấp cổ phiếu L14 ngay trước nhịp lao dốc của thị trường. Cá nhân này còn được biết đến với cái tên “Nhà đầu tư 1970” hay A7 và từng có giai đoạn thường xuyên chia sẻ, phân tích về việc đầu tư vào các cổ phiếu bất động sản như DIG, CEO,…

Nhận định về nhóm cổ phiếu bất động sản, các chuyên gia phân tích cho rằng, thời gian qua, có thời điểm ở vùng nhiễu thông tin, có doanh nghiệp không phải doanh nghiệp niêm yết như Tân Hoàng Minh gặp vấn đề đã tạo cú sốc lớn về dòng tiền, về ngành bất động sản, gây hệ lụy ảnh hưởng tới doanh nghiệp bất động sản trên sàn. Tuy nhiên, xét dưới góc độ vĩ mô, cổ phiếu bất động sản vẫn có tiềm năng tăng giá, nhưng thị trường sẽ có sự thanh lọc mạnh mẽ hơn và chỉ cổ phiếu của những doanh nghiệp có “nội lực” mới giữ được giá và có sự tăng trưởng.

“Về trung và dài hạn, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có những tin tốt, yếu tố tích cực, vì Việt Nam có dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, nhu cầu nhà ở tất yếu. Do đó, những doanh nghiệp làm ăn tốt, tình hình tài chính lành mạnh sẽ tăng trưởng”, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc MBS nêu quan điểm.

Nhìn chung, về bản chất, cổ phiếu muốn tăng bền vững phải đi kèm với chuyển biến tích cực của các yếu tố cơ bản. Nhà đầu tư phải hiểu biết kỹ thuật, nên tìm hiểu doanh nghiệp có cổ phiếu mình muốn đầu tư để tránh tình trạng “đu giá” những cổ phiếu của doanh nghiệp có tình hình kinh doanh kém khả quan. Bởi lẽ, cổ phiếu nào tăng đột biến gấp nhiều lần chỉ trong thời gian ngắn do dòng tiền đầu cơ thường đến nhanh nhưng đi cũng rất nhanh.

Theo Nguyên Nam/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/ca-map-cung-dang-vang-dau-voi-co-phieu-bat-dong-san-137962.html