QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

‘Các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đang đối mặt nguy cơ tàn lụi dần’

Theo Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, đối diện với hàng loạt khó khăn, bất cập hiện nay về biến động giá cả vật liệu, về thủ tục pháp lý, về công tác thanh kiểm tra của các cơ quan thanh tra, kiểm toán… các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam thật sự đang đối mặt nguy cơ tàn lụi dần.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp.

Thay mặt Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), ông Nguyễn Quốc Hiệp vừa ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về thực trạng ngành xây dựng Việt Nam.

Theo văn bản này, VACC cho biết kết quả 6 tháng đầu năm 2022 so với 6 tháng đầu năm 2021 là một bước tiến dài, có doanh nghiệp tăng doanh số và sản lượng đến 300% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, về tổng thể, so với yêu cầu kế hoạch đặt ra thì vẫn chưa đạt, phần lớn các doanh nghiệp chỉ đạt 20-40% kế hoạch cả năm.

Nguyên nhân của việc chưa đạt là những khó khăn lớn của các doanh nghiệp xây dựng hiện nay chưa tìm ra giải pháp khắc phục.

Trong văn bản gửi đến Thủ tướng, VACC nêu lên hàng loạt bất cập mà các doanh nghiệp xây dựng đang gặp phải hiện nay. Đầu tiên là biến động giá cả vật liệu quá lớn.

VACC lấy ví dụ về giá thép, nếu tính từ đầu năm 2021 đến nay đã tăng từ 20-60%; giá xi măng từ mức giá 1.400 đồng/kg đến nay là 1.980 đồng/kg; giá nhựa đường là 11.000 đồng/kg ở thời điểm cuối 2020 đến nay là 15.500 đồng/kg…

“Tất cả các loại vật liệu đều tăng cao và nếu tính theo tỷ trọng vật tư của cơ cấu giá thì việc tăng giá vật liệu đã làm giá thành gói thầu tăng lên từ 18-30%. Như Vinaconex (nhà thầu thi công gói thầu cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45), ngay khi bắt đầu triển khai thi công tính toán lại tất cả cơ cấu giá ở thời điểm đó đã thấy lỗ 46% (so với giá gói thầu được chủ đầu tư ký hợp đồng)”, VACC nhấn mạnh.

Theo VACC, chính vì tình trạng giá cả vật liệu biến động mạnh nhưng chưa có cơ chế bù giá, điều chỉnh hợp đồng, hoặc có những biện pháp cụ thể để hỗ trợ nhà thầu nên hiện nay, hàng loạt nhà thầu đang tham gia vào các gói thầu đầu tư công, đặc biệt các gói thầu về hạ tầng kỹ thuật, đường cao tốc Bắc – Nam đang lâm vào tình trạng “sống dở chết dở”. Nhiều nhà thầu hiện không dám nhận thầu các công trình vốn đầu tư công do hệ thống định mức đơn giá không cập nhật được thị trường.

Vấn đề thứ hai theo VACC là thủ tục pháp lý đầu tư dự án bất động sản chưa được tháo gỡ, do đó số dự án mới chưa đủ nhiều để cung cấp công ăn việc làm cho các doanh nghiệp xây dựng.

Bên cạnh đó, tâm lý e dè, ngần ngại, né tránh khá phổ biến trong bộ máy hành chính khi giải quyết các thủ tục cho các dự án nên số dự án mới ngày càng ít hơn. Điều này dẫn đến tình trạng cạnh tranh phá giá ở một số doanh nghiệp để cố gắng tồn tại, nhưng do cố gắng thắng thầu bằng mọi giá nên khi thực hiện đều đổ vỡ, công nợ.

Vấn đề thứ ba theo VACC là ngành xây dựng có đặc thù là 70% số lao động từ nông nhàn, nhưng sau Covid-19, việc tuyển dụng lao động hết sức khó khăn.

Thứ tư là về tài chính, theo VACC, đây đang là một sức ép lớn cho các doanh nghiệp xây dựng do công tác thanh quyết toán với các chủ đầu tư còn phức tạp, khó khăn, hầu hết các nhà thầu bị nợ đọng, đặc biệt ở khoảng 20-25% cuối của dự án.

Nhiều dự án đã đưa vào khai thác sử dụng vài ba năm vẫn chưa quyết toán được, trong khi nhà thầu phải vay tín dụng ngân hàng, chịu lãi suất cao dẫn đến tình trạng nợ chồng nợ. Trong bối cảnh đó, việc các ngân hàng siết room tín dụng cho vay làm các nhà thầu đã khó khăn lại càng thêm “điêu đứng” về tài chính.

Vấn đề thứ năm là các thủ tục pháp lý về giao nhận thầu còn nhiều rắc rối phức tạp, đối với các nhà thầu vừa mất nhiều thời gian, nhiều chi phí về thủ tục và cơ chế thanh quyết toán cũng còn nhiều bất cập.

Đặc biệt, theo VACC, việc phải tuân thủ quy định của Luật PCCC với những tiêu chí đặc biệt cao so với khu vực bằng nguyên vật liệu độc quyền nhập khẩu khiến chi phi tăng quá cao. Đồng thời, cơ chế kiểm tra, đánh giá các vật liệu còn nhiều điểm bất hợp lý vừa gây lãng phí vật tư, tiền của vừa làm khó cho các nhà thầu và chủ đầu tư.

Cuối cùng, VACC cho rằng công tác thanh kiểm tra của các cơ quan thanh tra, kiểm toán còn chồng chéo giữa các ngành liên quan, khiến các doanh nghiệp tốn khá nhiều thời gian.

“Tình trạng hồi tố của công tác kiểm toán, thanh tra gây khá nhiều phiền phức cho các doanh nghiệp, có dự án đã quyết toán xong cả chục năm, kiểm toán vẫn yêu cầu truy thu tiền nọ tiền kia thì doanh nghiệp lấy đâu ra để nộp”, văn bản của VACC nhấn mạnh.

Với những khó khăn nêu trên, VACC cho rằng các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam thật sự đang đối mặt nguy cơ tàn lụi dần. Hiện khá nhiều doanh nghiệp xây dựng tập trung tìm kiếm công việc ở các dự án FDI vì cơ chế giá của các dự án này hợp lý, bám sát giá thị trường vật liệu, cơ chế đấu thầu minh bạch và cơ chế thanh toán sòng phẳng.

“Tuy vậy, thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được các công trình vốn FDI. Vì vậy có thể nói đa số các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đều dứng trước thách thức hết sức khốc liệt”, VACC nhấn mạnh.

Trước tình hình này, VACC đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan gặp mặt, lắng nghe những kiến nghị của các doanh nghiệp xây dựng, từ đó có ý kiến chỉ đạo cụ thể để doanh nghiệp vượt qua thời điểm này.

Theo Nghi Xuân/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/cac-doanh-nghiep-xay-dung-viet-nam-dang-doi-mat-nguy-co-tan-lui-dan-20180504224270422.htm