QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Các nước đua nhau giảm thuế thu hút FDI, Việt Nam trở nên kém hấp dẫn hơn trước

Các chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam nhận định, các nước khác trong khu vực như Thái Lan và Malaysia với nguồn lực tốt hơn đã tăng cường thu hút FDI bằng cách giảm thuế hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang trở thành điểm đến kém hấp dẫn hơn trước’.

Thách thức ngăn cản dòng vốn

Theo báo cáo thu hút FDI 5 tháng đầu năm 2023 của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến 20/5/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,86 tỷ USD, tuy tăng 10,6 % so với 4 tháng đầu năm nhưng giảm 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tổng vốn đăng ký cấp mới là 5,26 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2022. Hà Nội là điểm đến hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư nước ngoài về tổng vốn với 1,87 tỷ USD, còn TP. HCM đứng đầu về dự án cấp mới (38.9%).

Theo các chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam, không thể phủ nhận rằng Việt Nam đã cải thiện chất lượng quản trị và tích cực tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) để thu hút thêm FDI, nhưng nhiều thách thức phát sinh hơn trong năm 2023 có thể tác động tiêu cực đến dòng vốn FDI vào Việt Nam năm nay.

Nhiều thách thức hơn có thể tác động tiêu cực đến dòng vốn FDI vào Việt Nam năm 2023 (Ảnh minh họa)

Đầu tiên, sự bất ổn kinh tế toàn cầu trong năm 2023 khiến tình hình phục hồi chậm lại. Giá lương thực và năng lượng tăng vọt do chiến tranh Nga – Ukraine cũng khiến quá trình phục hồi vô cùng cần thiết của thế giới bị đình trệ đột ngột. Các quốc gia như Mỹ, một trong những đối tác thương mại và nhà đầu tư FDI chính của Việt Nam, được dự báo sẽ suy thoái vào năm 2024.

Hơn nữa, kết quả các cuộc đàm phán đang diễn ra về nhiều vấn đề như hiệp định thương mại, chính sách đầu tư và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có thể tác động đáng kể đến dòng chảy đầu tư và thương mại toàn cầu. Trong quý I/2023, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với nhu cầu quốc tế sụt giảm đáng kể, có thể khiến quy mô sản xuất bị thu hẹp.

Đáng chú ý, các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào quốc gia lân cận để rút ngắn bớt chuỗi cung ứng. Đây là hiện tượng mới khởi nguồn từ đại dịch và được gọi là “đầu tư lân cận” (nearshoring). Nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản – nằm trong nhóm những nguồn FDI lớn nhất của Việt Nam, Mỹ và một số nước trong EU, đều đang cố gắng hạn chế đầu tư ra nước ngoài bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi đầu tư trong nước để thu hồi vốn đầu tư nước ngoài. Điều này làm tăng thêm thách thức cho Việt Nam trong việc thu hút FDI.

Đặc biệt, yếu tố mới đang thay đổi dòng chảy FDI là chương trình thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó đề cập đến đề xuất thiết lập mức thuế tối thiểu cho các tập đoàn đa quốc gia (MNC) trên toàn thế giới. Mục tiêu là ngăn chặn các MNC tham gia vào các chiến lược lập kế hoạch thuế cực đoan, chẳng hạn như chuyển dịch lợi nhuận và xói mòn cơ sở thuế để giảm thiểu nghĩa vụ thuế của họ. Chi tiết cụ thể của thuế tối thiểu toàn cầu có thể khác nhau tùy thuộc vào luật và thỏa thuận được đề xuất giữa các quốc gia. Tuy nhiên, ý tưởng chung là ấn định mức thuế tối thiểu mà các MNC phải nộp, bất kể khu vực mà họ hoạt động.

Tháng 7/2021, đại diện từ 131 quốc gia đã đồng thuận trên khung thuế tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15%. Phong trào này có thể làm nản lòng các khoản đầu tư vào những khu vực pháp lý có mức thuế thấp như Việt Nam vì các lợi thế về thuế sẽ bị giảm đi. Mặt khác, chương trình này có thể thúc đẩy đầu tư vào các quốc gia có cơ sở hạ tầng vững chắc, lao động lành nghề và các yếu tố phi thuế hấp dẫn, vì ít phải cân nhắc về thuế hơn.

Chiến lược FDI thông minh

Các chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam nhận định, FDI đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam suốt vài thập kỷ qua. Cụ thể, trong ba thập kỷ qua, vốn FDI đổ vào Việt Nam đã tăng từ 180.000 USD năm 1990 đã lên 15,7 tỷ USD năm 2021, giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, trung bình 6,8%/năm từ năm 2016 đến năm 2019, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Năm 2020, Việt Nam nằm trong số 20 nền kinh tế thu hút FDI nhiều nhất. 

Tuy nhiên, hiện nay các nước trong khu vực cũng ngày càng cải cách mạnh mẽ và đưa ra nhiều chính sách cạnh tranh thu hút FDI. Phân tích từ RMIT cho thấy, trong khi các nước khác trong khu vực như Thái Lan và Malaysia với nguồn lực tốt hơn đã tăng cường thu hút FDI bằng cách giảm thuế hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang trở thành điểm đến kém hấp dẫn hơn trước.

“Thu hút FDI đơn thuần thông qua lao động giá rẻ không phải là giải pháp cho FDI chất lượng mà Chính phủ tuyên bố sẽ thu hút trong chiến lược 2018-2023. Thay vào đó, sự hấp dẫn cần phải dựa trên các khía cạnh khác chứ không đơn thuần là mức tiền công thấp nữa. Điều đó đòi hỏi một chiến lược FDI thông minh hơn”, chuyên gia RMIT nhấn mạnh.

Theo TS Daniel Borer và TS Hà Thị Cẩm Vân, Khoa Kinh Doanh – ĐH RMIT Việt Nam, Việt Nam có thể xem xét các giải pháp giải quyết thách thức hút dòng vốn FDI năm 2023 như: Tăng cường số hóa và nâng cao tính minh bạch để thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn; cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, bao gồm giao thông, viễn thông và năng lượng; phát triển lực lượng lao động lành nghề thông qua các chương trình giáo dục và đào tạo với mục tiêu cung cấp kỹ năng và kiến thức cần thiết cho lực lượng lao động. Đặc biệt, để hoàn thành các mục tiêu khí hậu năm 2050 và tăng cường sản xuất bền vững, các FDI mới cần phải đáp ứng được những tiêu chí tối thiểu cho phát triển kinh tế xanh.

TS Daniel Borer cho rằng, các nền kinh tế khác trong khu vực sẽ dễ dàng chuyển hoạt động sản xuất gây ô nhiễm của họ sang Việt Nam, nhưng Việt Nam không nên hoặc không thể dễ dàng chấp nhận và cần thay đổi tư duy – mọi FDI chảy vào Việt Nam đều tốt.

“Dòng vốn FDI tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2023, bởi vậy Chính phủ cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút thêm dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam”, TS Hà Thị Cẩm Vân chia sẻ.

Theo Thuỳ Dung/Vietnam Finance

Nguồn: https://m.vietnamfinance.vn/cac-nuoc-dua-nhau-giam-thue-thu-hut-fdi-viet-nam-tro-nen-kem-hap-dan-hon-truoc-20180504224285180.htm