QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Các “ông lớn” ngân hàng bắt đầu giảm lãi cho vay bất động sản

Sau cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp bất động sản, nhiều ngân hàng bắt đầu có động thái giảm lãi suất cho vay bất động sản để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua cơn khó khăn.

3 “ông lớn” vào cuộc

Mới đây, Ngân hàng BIDV vừa công bố dành tới 100.000 tỷ đồng cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và sản xuất kinh doanh như: mua nhà…với lãi suất từ 10,3%/năm trong 12 tháng đầu hay 10,9%/năm trong 18 tháng giải ngân đầu cho khách hàng vay mua nhà ở.

Ngoài ra, áp dụng giảm thêm 0,2-0,4% cho khách vay mua nhà đáp ứng một số điều kiện như trả lương qua BIDV, mua nhà tại Hà Nội, TP.HCM.

Trước đó, Agribank cũng cho biết, những khách hàng có dư nợ vay bất động sản tại thời điểm từ 31/1/2023 gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 hoặc do ảnh hưởng bởi kinh tế sẽ được Agribank xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất.

Cụ thể, khoản vay kinh doanh bất động sản có thể được điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ. Thời gian thực hiện điều chỉnh lãi suất tối đa đến ngày 31/12/2023 và thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh từ ngày 31/1/2023 đến hết ngày 31/12/2024…

Các "ông lớn" ngân hàng bắt đầu giảm lãi cho vay bất động sản - Ảnh 1
Các “ông lớn” ngân hàng bắt đầu giảm lãi cho vay bất động sản. (Ảnh minh họa)

Tương tự, Ngân hàng VietinBank cũng thông báo dành 10.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới phát triển hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023 vay với lãi suất vay từ 7%/năm cho kỳ hạn vay 6 tháng.

Bên cạnh nhóm ngân hàng lớn, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng có xu hướng giảm lãi suất vay. Như Ngân hàng Quân đội triển khai chương trình ưu đãi lãi suất chỉ từ 8,5%/năm đối với khách hàng cá nhân kinh doanh, sản xuất. Trước đó, nhiều ngân hàng thương mại khác như Techcombank, Sacombank, SeABank, Bản Việt…cũng đã công bố các gói tín dụng ưu đãi lãi suất với mức giảm từ 1-2 điểm % so với lãi suất thông thường.

Cần chính sách hoãn nợ cho doanh nghiệp

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, Chính phủ cần có một chương trình hoãn nợ cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu từ 1-2 năm. Bởi theo tính toán, số trái phiếu các doanh nghiệp đến hạn trả nợ trong vòng 2 năm tới ít nhất là 400.000 tỷ, trong đó, trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản chiếm khoảng 30%.

Ông Hiếu cảnh báo: “Khả năng trả nợ của họ rất thấp, và cuối cùng mà họ không trả nợ được thì đi đến tình trạng vỡ nợ. Một doanh nghiệp vỡ nợ, 10 doanh nghiệp vỡ nợ nó sẽ kéo theo một hiện tượng vỡ nợ hàng loạt, hiện tượng domino trong hệ thống tài chính. Do đó, Chính phủ cần có một chương trình hoãn nợ, hoãn nợ ở đây có nghĩa rằng tất cả trái phiếu đến hạn trả nợ trong vòng 1-2 năm tới sẽ được hoãn lại. Đây là một điều mà chỉ có thể Chính phủ mới làm được”.

Liên quan đến đề xuất của một số doanh nghiệp bất động sản với các ngân hàng về việc “giải cứu” doanh nghiệp bất động sản thông qua cơ cấu nợ hay giảm điều kiện tiếp cận tín dụng, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia và Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC) nêu ý kiến:

“Việc xem xét cho phép cơ cấu lại nợ mà không chuyển nhóm nợ,  tôi nghĩ là cần thiết trong bối cảnh hiện nay đối với doanh nghiệp bất động sản nói riêng và một số doanh nghiệp là lĩnh vực khác nói chung. Tất nhiên là cũng cần phải làm rõ cho phép cơ cấu lại nợ trong thời hạn là bao lâu và những đối tượng nào được hưởng. Đối với việc cắt giảm chuẩn tín dụng, tôi nghĩ không nên bởi vì nó rất là nguy hiểm cho cả doanh nghiệp và ngân hàng rủi ro nợ xấu sau này”.

Một số ý kiến cho rằng, ngoài những giải pháp từ phía Chính phủ, ngân hàng, bản thân các doanh nghiệp bất động sản cũng cần phải đa dạng hóa các loại nguồn vốn của mình.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản gần như đóng băng, doanh, giao dịch ảm đạm, doanh nghiệp bất động sản như “ngồi trên đống lửa” khi nguồn vốn tín dụng bị siết chặt. Để làm ấm thị trường, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, ngoài nỗ lực của bản thân doanh nghiệp trong việc cơ cấu lại sản phẩm, giảm nợ vay, các chính sách cũng cần được thông suốt mới tạo động lực khơi thông dòng vốn đối với thị trường này.

Theo Anh Thư/Kinh tế Môi trường

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/cac-ong-lon-ngan-hang-bat-dau-giam-lai-cho-vay-bat-dong-san-75724.html