QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Kết quả 2019 và dự báo 2020

Kể từ năm 2014, hàng năm Chính phủ đều ban hành một nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh; tính cho đến nay, Chính phủ đã ban hành 06 Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chương trình cải cách nổi bật nhất của Chính phủ trong 20 năm qua

Có thể nói, chương trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ theo Nghị quyết số 02 là chương trình cải cách nổi bật nhất trong vòng 20 năm vừa qua, thể hiện trên các khía cạnh sau đây.

Thứ nhất, thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ và sự bền bỉ trong cải cách.

Kể từ năm 2014, hàng năm Chính phủ đều ban hành một nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh; tính cho đến nay, Chính phủ đã ban hành 06 Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các Nghị quyết này được ban hành hàng năm với cùng một số 19 và từ năm 2019 được lấy số là Nghị quyết 02 với hàm ý coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ cùng với Nghị quyết 01 về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Chính phủ còn ban hành Nghị quyết chuyên đề khác nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp như: Nghị quyết 139/NQ-CP năm 2018 về chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Thứ hai, nâng cao hơn một bước yêu cầu về cải cách so với những lần cải cách trước đây, lấy chuẩn mực tốt của khu vực và quốc tế làm đích để hướng tới trong tạo dựng một môi trường thể chế của đất nước.

Nghị quyết 02/NQ-CP đã xác định mục tiêu rất rõ: Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; phấn đấu để môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4.

Thứ 3, chương trình cải cách rất toàn diện và được đo lường bằng những tiêu chí thực chất – đó là: cắt giảm thời gian, giảm chi phí trên thực tế và giảm rủi ro cho doanh nghiệp trong tuân thủ pháp luật. Chính nội dung này làm cho các kết quả cải cách thực chất hơn, tác động thực sự tích cực đến thúc đẩy kinh doanh; đồng thời, khắc phục được những hạn chế cố hữu của nhiều cải cách khác là cải cách ‘trên giấy’’ – nghĩa là tạo thay đổi khung khổ pháp luật nhưng đảm bảo mang lại thuận lợi thực sự trên thực tế.

Cuối cùng, kết quả thành công của cải cách được đánh giá và ghi nhận một cách khách quan bởi các tổ chức quốc tế và các cơ quan, tổ chức độc lập. Kết quả cải cách được so sánh với các quốc gia khác, với tiêu chí tăng, giảm trên bảng xếp hạng toàn cầu. Do đó, tạo một áp lực lớn cho cải cách và đòi hỏi cải cách không chỉ cải thiện so với trước đây mà còn phải cải cách mạnh hơn, nhanh hơn so với quốc gia khác.

Năm 2019, môi trường kinh doanh ghi nhận những chuyển biến tích cực

Việc duy trì tính liên tục, bền bỉ và quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp; khuyến khích đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; nhờ vậy chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh được quốc tế ghi nhận cải thiện và cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá tích cực. Năm 2019, hầu hết các chỉ số xếp hạng chung của Việt Nam được cải thiện điểm số. Cụ thể là:

– Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đánh giá Việt Nam là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số và tăng hạng tốt nhất toàn cầu về năng lực cạnh tranh (GCI). Năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam tăng 3,5 điểm (từ 58 điểm lên 61,5 điểm) cao hơn điểm trung bình toàn cầu (60,7 điểm) và tăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên vị trí 67). Kết quả này đạt được là do 8/12 trụ cột tăng điểm và tăng nhiều bậc.

– Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của nước ta theo xếp hạng của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tăng 3 bậc với 6/7 nhóm trụ cột tăng điểm.

– Kết quả xếp hạng Môi trường kinh doanh (Doing Business hoặc EoDB) của Ngân hàng thế giới (WB) cũng ghi nhận năm 2019 Việt Nam tăng 1,2 điểm (từ 68,6 lên 69,8 điểm) với 05/10 chỉ số tăng điểm. Tuy vậy, thứ hạng môi trường kinh doanh của nước ta giảm 1 bậc xếp hạng chung (từ vị trí 69 xuống vị trí 70).

– Năng lực cạnh tranh du lịch theo xếp hạng của WEF tăng 4 bậc (từ vị trí 67 lên vị trí 63) với điểm số tăng nhẹ 0,12 điểm (từ 3,78/7 điểm lên 3.9/7 điểm).

Điều đặc biệt hơn là kết quả cải cách đã có nhiều tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp và được doanh nghiệp ghi nhận. Kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về cảm nhận của doanh nghiệp đối với Nghị quyết 02 cho thấy nhiều tín hiệu tích cực: tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn trong xin giấy phép kinh doanh có điều kiện giảm xuống còn 34% so với tỷ lệ 42% năm 2018.

Điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của VCCI ghi nhận tỷ lệ 54,8% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức, giảm hơn 10% so với năm 2015 (66,3% năm 2015) và giảm hơn 5% so với năm 2017 (59,3% năm 2017); Quy mô chi trả chi phí không chính thức cũng đã nhỏ đi, khi chỉ có 7,1% doanh nghiệp cho biết phải chi trả trên 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức (năm 2015 là 11,1%).

Có 58,2% doanh nghiệp cho biết tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ cơ quan nhà nước địa phương giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp (giảm so với mức cao nhất ghi nhận trong năm 2014 là 65,6%). Năm 2017 có 7,2% doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra từ 5 cuộc trở lên, thì năm 2018 chỉ còn là 6,42%. Đặc biệt, chỉ có 10,8% doanh nghiệp/tổng số doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra cho biết nội dung làm việc của các đoàn thanh, kiểm tra là trùng lặp, giảm rất đáng kể so với con số 25,8% của năm 2015 (năm 2016 và 2017 lần lượt là 14,1% và 13,4%).

Cuối cùng, một tác động ít quan sát được nhưng là động lực cho cải cách bền vững chính là các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức ngày càng rõ trách nhiệm và tham gia chủ động, tích cực hơn để cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số thuộc trách nhiệm quản lý của mình.

Năm 2020 vẫn còn có cả cơ hội và thách thức

Tuy có sự cải thiện nhanh, nhưng năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 6 trong ASEAN, sau Singapore (thứ 1), Malaysia (thứ 27), Thái Lan (thứ 40), Indonesia (thứ 50) và Philippines (thứ 64). Năng lực cạnh tranh du lịch tăng điểm chậm và vẫn có tới 6/14 trụ cột giảm điểm (thể hiện giảm chất lượng). Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của nước ta có xu hướng tăng chậm lại và 4/7 trụ cột giảm bậc trong năm 2019.

Đáng chú ý là Việt Nam có cải thiện về chất lượng môi trường kinh doanh (qua việc tăng điểm), nhưng còn rất ít và chậm; trong khi các nền kinh tế cải cách nhanh và mạnh mẽ hơn, do đó thứ hạng liên tục giảm trong 2 năm gần đây (mỗi năm giảm 01 bậc).

Đơn cử trong ASEAN, Singapore duy trì ổn định vị trí thứ 2 từ năm 2016; Malaysia tăng hạng nhiều và liên tiếp trong hai năm gần đây (qua hai năm tăng 12 bậc); Thái Lan tăng tốc mạnh trong năm 2017 (tăng 20 bậc) và tiếp tục tăng 6 bậc trong 2019; Indonesia sau 3 năm cải thiện mạnh mẽ và liên tục (năm 2017 tăng 42 bậc so với 2014), từ 2018 có xu hướng chững lại; Philippines tăng tới 29 bậc trong năm nay. Điều này cho thấy các nền kinh tế có xu hướng cải cách nhanh và quyết liệt hơn chúng ta.

Trong ASEAN, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei. Có thể nói, việc đạt mục tiêu đưa môi trường kinh doanh nước ta vào nhóm 4 nước ASEAN đó là một thách thức, đòi hỏi nỗ lực cải cách và giải pháp cải cách phải mạnh mẽ hơn và nhanh hơn không chỉ so với chính chúng ta mà còn phải so với quốc gia khác.

Trong khi đó, nhiều quốc gia cũng đã và đang quyết tâm mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư; trong số đó, nhiều quốc gia trong khu vực đang tiến rất nhanh. Hơn nữa, cải cách càng ngày càng đòi hỏi sự phối hợp, hợp tác của nhiều cơ quan khác nhau và nhiều trường hợp, cải cách chỉ thành công nếu tất cả cơ quan có liên quan cùng chuyển động.

Tuy nhiên, cơ hội nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh còn rất lớn. Trong gần bốn năm qua (2016-2019), các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như trách nhiệm liên quan, do đó đã chủ động và tích cực hơn trong việc thực hiện các giải pháp nhằm nâng điểm số và thứ hạng các chỉ số thuộc trách nhiệm quản lý của mình.

Nhờ sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương tích cực và toàn diện hơn nên kết quả đạt được rõ ràng và ngày càng củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào nỗ lực cải cách của Chính phủ. Như vậy, quyết tâm ngày càng lớn, thay đổi tư duy, kinh nghiệm cải cách trong mấy năm qua và ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp chính là cơ hội để chúng ta bứt phá.

Theo TS. Phan Đức Hiếu/VietnamFinance

https://vietnamfinance.vn/cai-thien-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-ket-qua-2019-va-du-bao-2020-20180504224233792.htm