QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cần cảnh giác cao độ với hacker tấn công hệ ngân hàng số và ví điện tử

Khác với tội phạm truyền thống, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng khi thực hiện các hành vi phạm tội không bị giới hạn về không gian, thời gian, cách thức…  

Cần cảnh giác cao độ với hacker tấn công hệ ngân hàng số và ví điện tử. Ảnh minh họa

Hiện nay, ví điện tử là một khái niệm không còn xa lạ với người dùng. Ví điện tử phát triển ngày càng rộng rãi trên thị trường. Bên cạnh đó, ngân hàng số cũng bắt đầu phổ biến trong 2 năm trở lại đây trong các phương thức luân chuyển và thanh toán tiền tệ.

Ví điện tử có ưu điểm như đi mua sắm mà không cần mang theo ví hay tiền mặt, tránh được rủi ro bị thất thoát tiền do đánh rơi, trộm cướp… Giao dịch nhanh chóng và linh hoạt giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và tiện lợi hơn khi mua sắm. Ngoài ra, ví điện tử tích hợp nhiều tiện ích: Giúp khách hàng thanh toán, ví điện tử còn hướng tới hỗ trợ khách hàng nhiều tiện ích khác như đặt vé xem phim, nạp tiền điện thoại… Đặc biệt, có nhiều ưu đãi hơn được tung ra nhằm thu hút khách hàng sử dụng ví điện tử, giao diện ví điện tử tương đối dễ sử dụng, nhiều đại lý, điểm giao dịch hỗ trợ và chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử, ví điện tử có tính bảo mật cao.

Tuy nhiên, ví điện tử đòi hỏi người sử dụng phải chịu phí như phí rút tiền từ ví về tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, sử dụng ví điện tử cũng có rủi ro là mất tài khoản khi truy cập vào các website lạ có chứa mã độc.

Ngân hàng số (Digital Banking) là hình thức số hóa tất cả những hoạt động và dịch vụ của ngân hàng truyền thống, ngoài ra còn cung cấp thêm nhiều tính năng, dịch vụ từ hệ sinh thái mà các nhà cung cấp tạo ra. Với ngân hàng số, khách hàng vừa có thể thực hiện các giao dịch như với một ngân hàng bình thường lại vừa có thể trải nghiệm các tiện ích ưu việt tuỳ thuộc từng nhà cung cấp mang đến.

Tuy với ví điện tử và ngân hàng số, người sử dụng đều có thể theo dõi và thao tác trên ứng dụng di động tuy nhiên với ngân hàng số, người dùng được sử dụng tất cả mọi tính năng của một ngân hàng đích thực chứ không chỉ riêng giao dịch và thanh toán như ví điện tử. Tất nhiên, bạn cũng không thể dùng ứng dụng ngân hàng số để truy cập tài khoản ngân hàng khác được. Bên cạnh đó, người dùng cũng được sử dụng nhiều tính năng ưu việt khác từ hệ sinh thái của ngân hàng số.

Được biết, Việt Nam đứng thứ hai trong nhóm đối tượng nhận thư rác mang tính độc hại (thư rác chứa mã độc, virus gián điệp…) với tỷ lệ 6%. Ngành ngân hàng vẫn luôn là mục tiêu số một của tội phạm công nghệ.

“Do những “mối lợi tài chính khổng lồ” mang lại nên các cuộc tấn công an ninh mạng vẫn tiếp tục diễn ra với những hình thức tinh vi và phức tạp hơn”, ông Lê Mạnh Hùng – Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (NHNN) nhận định tại hội thảo “Tầm quan trọng của vấn đề An ninh mạng đối với các Ngân hàng số tại Việt Nam”.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao tấn công vào lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam có xu hướng gia tăng nhanh chóng cả về số lượng lẫn mức độ tinh vi, diễn biến phức tạp và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Theo bà Nguyễn Thùy Dương – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH ERNST & YOUNG Việt Nam, thống kê trên toàn cầu, từ năm 2014 đến nay cho thấy các cuộc tấn công mạng (cyber attacks) tăng nhanh chóng cả về số lượng lẫn tính phức tạp, nhằm vào tất cả các tổ chức, bao gồm cả các tổ chức tài chính. Mặc dù các ngân hàng đầu tư rất nhiều vào hệ thống công nghệ thông tin để đảm bảo an toàn an ninh cho hệ thống, nhưng nhiều ngân hàng vẫn không tránh được các cuộc tấn công mạng.

Khác với tội phạm truyền thống, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng khi thực hiện các hành vi phạm tội không bị giới hạn về không gian, thời gian, cách thức tấn công đa dạng từ việc gây gián đoạn, mất khả năng cung cấp dịch vụ của các ngân hàng; lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ngân hàng, khách hàng đến việc lấy cắp và sử dụng thông tin, tài liệu của khách hàng cũng như của ngân hàng.

Khi xảy ra sự cố về an ninh mạng việc tìm nguyên nhân, truy vết đối tượng tấn công cũng rất khó khăn đòi hỏi những phương tiện chuyên dụng cũng như những chuyên gia giỏi do các đối tượng luôn tìm cách giả mạo, tiêu hủy hoặc xóa bỏ dấu vết sau khi thực hiện.

Ông Ngô Tuấn Anh – Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của BKAV cũng cho rằng cần nâng cao nhận thức của các bên liên quan, nhất là từ phía khách hàng. Theo thống kê của BKAV có khoảng 55% người dùng sử dụng chung một mật khẩu cho các tài khoản tại nhiều dịch vụ trực tuyến khác nhau.

Đây chính là kẽ hở để tội phạm dễ dàng xâm nhập, tấn công và đánh cắp tài khoản. Ông Tuấn khuyến cáo các khách hàng khi sử dụng các tài khoản dịch vụ trực tuyến, đặc biệt là tại các ngân hàng khác nhau, thì cần sử dụng các mật khẩu khác nhau.

Theo Hoài Dương/Thời báo chứng khoán