QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chấn chỉnh tình trạng thao túng, làm giá thị trường chứng khoán trên Zalo, Facebook

Trên thị trường tài chính quốc tế, những bình luận về giá cổ phiếu, trao đổi giữa các nhà nghiên cứu với nhà tư vấn không chính thống nhưng lại tương đối công khai đều bị coi là thao túng. Ngay tại Việt Nam, những hành vi này cũng nên được đưa vào diện thao túng.

Sau 4 năm miệt mài kiếm tìm các đỉnh cao mới, chỉ số chính của thị trường đã liên tục ghi nhận những phiên lao dốc mạnh và phá đáy.

Chỉ sau hơn 1 tháng chạm đỉnh (từ đầu tháng 4/2022), VN-Index đã mất hơn 340 điểm và rơi về 1.182 điểm (kết phiên 13/5/2022).

Trong bối cảnh hàng trăm mã cổ phiếu đáp sàn, thanh khoản thị trường mất hút, như một “quân đoàn thất trận”, số ít nhà đầu tư đã chọn rời bỏ thị trường để tìm lợi nhuận ở các kênh đầu tư khác; số khác trụ lại thị trường chứng khoán cơ sở để gồng lỗ, đợi cắt lỗ, hoặc chờ bắt đáy; một lượng dòng tiền khác lại chọn chuyển sang kênh phái sinh để tìm cứu cánh.

Tâm lý hỗn loạn hiện vẫn đang bủa vây thị trường, các công ty chứng khoán hay giới chuyên gia từ nhận định tích cực đã đồng loạt đưa ra các khuyến nghị mang tính tiêu cực về thị trường trong khi giới đầu tư vẫn đang chênh vênh giữa lằn ranh giữ hay thoát hàng ở thời điểm hiện tại.

Tại Tọa đàm về chứng khoán do Báo Người Lao động mới tổ chức mới đây, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế chia sẻ: “Sự sụt giảm thị trường trong thời gian vừa qua có nhiều nguyên nhân tác động từ xu hướng chung từ thị trường thế giới, tình trạng tăng giá nguyên nhiên vật liệu, thực phẩm, Fed và nhiều quốc gia trên thế giới đã có động thái nâng lãi suất từ tháng 10/2021.

Ở Việt Nam, thị trường chứng khoán tăng trưởng nóng trong 2021, với những đặc tính riêng như nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ lớn, thường đi theo tiếng gọi đám đông, khả năng phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp hay yêu cầu phòng ngừa rủi ro không có, kiến thức về thị trường mỏng nên đã dẫn tới việc rút vốn ồ ạt thời gian gần đây.

Điều này cho thấy hơn 2 triệu tài khoản đầu tư mới có nhận thức về thị trường tương đối thấp, nên cần thiết phải nâng cao trình độ kiến thức để tránh bị các đội lái lôi kéo vào quá trình làm giá của họ.

Trên thị trường tài chính quốc tế, những bình luận về giá cổ phiếu, trao đổi giữa các nhà nghiên cứu với nhà tư vấn không chính thống nhưng lại tương đối công khai đều bị coi là thao túng. Ngay tại Việt Nam, những hành vi này cũng nên được đưa vào diện thao túng.

Với các doanh nghiệp niêm yết, việc phát hành trái phiếu tương đối bài bản, còn với các doanh nghiệp chưa niêm yết việc phát hành trái phiếu lại có vấn đề lớn.

Thị trường trái phiếu chưa niêm yết bùng nổ trong năm 2020 – 2021 nhưng không đi đôi với nhận thức, hiểu biết về trái phiếu đồng thời thiếu quy định pháp luật nên dẫn đến phát hành các loại trái phiếu “3 không”, chỉ bán trên Zalo, Facebook, mạng xã hội nhưng vẫn thu hút được lượng tiền lớn. Thậm chí có doanh nghiệp phát hành trái phiếu gấp 40 lần vốn chủ sở hữu.

Vì thế, việc chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu rất quan trọng nhằm nâng cao niềm tin của doanh nghiệp và các nhà đầu tư vào thị trường này. Thêm nữa, đây cũng là động lực giúp thị trường chứng khoán phát triển bền vững và trở thành kênh cung cấp vốn cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Thị trường cổ phiếu, trái phiếu Việt Nam phát triển mạnh nhưng so với một số nước trong khu vực như Thái Lan thì còn nhỏ bé, tiềm năng phát triển còn rất lớn nếu như có sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước và các nhà đầu tư hiểu biết, đưa thị trường thành kênh dẫn vốn hiệu quả.

Theo Việt Hoàng/Kinh tế chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/chan-chinh-tinh-trang-thao-tung-lam-gia-thi-truong-chung-khoan-tren-zalo-facebook-118393.html