QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chào bán trái phiếu riêng lẻ: Không nên cấm quảng cáo và bán cho nhà đầu tư không chuyên?

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng việc không chào bán trái phiếu riêng lẻ qua phương tiện thông tin đại chúng là đi ngược với công nghệ hiện nay, đồng thời, việc cấm bán cho nhà đầu tư không chuyên là không có lý.

Chào bán trái phiếu riêng lẻ: Không nên cấm quảng cáo và bán cho nhà đầu tư không chuyên?
Chào bán trái phiếu riêng lẻ: Không nên cấm quảng cáo và bán cho nhà đầu tư không chuyên?

Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Nhận diện và ứng xử với rủi ro” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây đã chỉ ra một số vấn đề nhà đầu tư cá nhân cần lưu ý khi tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trước hết, về những rủi ro mà nhà đầu tư có thể gặp phải, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings chỉ ra 4 nhóm rủi ro chính.

Thứ nhất là rủi ro tín dụng. Theo ông Thuân, rủi ro mà nhà đầu có thể gặp phải là tổ chức phát hành trái phiếu không có khả năng trả lãi suất định kỳ hoặc thanh toán khoản gốc không đúng hạn. 

Thứ hai là rủi ro thanh khoản, nhà đầu tư không thể ngay lập tức bán được trái phiếu khi có nhu cầu tiền mặt, hoặc không bán được trái phiếu với mức giá như kỳ vọng hoặc phải chi trả nhiều chi phí để bán được trái phiếu.

Rủi ro thứ ba là định giá lãi suất. Theo ông Thuân, định giá lãi suất điều chỉnh với rủi ro chưa hợp lý, dẫn tới lãi suất cao nhưng rủi ro lớn và không tương xứng với lãi suất.

Cuối cùng, ông Thuân đề cập đến một nhóm rủi ro khác bao gồm rủi ro mua lại, tái đầu tư, lạm phát, lãi suất, bất ổn kinh tế, các thay đổi về pháp lý, các thương vụ mua bán sáp nhập, thảm họa hay đại dịch…

Cũng về vấn đề rủi ro, Luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ một trường hợp dễ gây nhầm lẫn cho các nhà đầu tư là  “nghĩa vụ bảo lãnh” khi chưa biết rõ là bảo lãnh phát hành hay bảo lãnh thanh toán.

Theo ông, bảo lãnh phát hành là đơn vị bảo lãnh sẽ chịu trách nhiệm tiêu thụ trái phiếu doanh nghiệp nếu không bán hết. Còn bảo thanh toán thì đơn vị bảo lãnh như ngân hàng và công ty chứng khoán có nghĩa vụ trả nợ thay cho nhà phát hành.

TS. Nguyễn Trí Hiếu lại đề cập đến vấn đề rủi ro khi doanh nghiệp phá sản, cụ thể là thứ tự ưu tiên trả nợ của doanh nghiệp khi phá sản mà nhà đầu tư phải nắm rõ để biết được thứ tự nào áp dụng cho họ.

Trước những rủi ro mà nhà đầu tư có thể gặp phải khi tham gia vào thị trường trái phiếu, từ góc độ của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết khi các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường ngày càng nhiều thì Bộ Tài chính đã đánh giá lại về mức độ rủi ro và đưa ra chính sách mới.

Cụ thể, việc phát hành riêng lẻ chỉ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, doanh nghiệp thực hiện phát hành phải được tư vấn bởi các công ty chứng khoán, phải đáp ứng điều kiện phát hành và công bố thông tin đầy đủ theo quy định, đặc biệt là về mục đích sử dụng vốn.

Ông Dương cũng cho biết, việc phát hành trái phiếu ra công chúng sẽ được tiến hành dưới sự thẩm định hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để cấp phép chào bán, trong đó các doanh nghiệp phát hành bắt buộc phải kinh doanh có lãi, các nhà đầu tư tham gia cũng đa dạng hơn.

Ngoài ra, từ ngày 1/1/2023, quy định đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng là bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm. 

Theo ông Dương, việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là trách nhiệm của tổ chức phát hành. Còn ở thị trường thứ cấp thì công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư thực hiện giao dịch mua chứng khoán có trách nhiệm xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trước khi thực hiện giao dịch.

Về xử phạt, các mức phạt theo quy định của pháp luật khi lựa chọn nhà đầu tư tham gia chào bán, phát hành trái phiếu riêng lẻ dao động từ 100-150 triệu đồng, đối với tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nếu không đảm bảo được việc chào bán, phát hành theo quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 200-300 triệu đồng.

Trước những ý kiến của đại diện Bộ Tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng khung pháp lý như hiện nay còn nhiều lỗ hổng và chưa đủ để kiểm soát và ngăn chặn rủi ro.

Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức cũng bày tỏ sự không đồng tình về pháp lý phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Cụ thể, ông trích dẫn khoản 2 Điều 128 Luật Doanh nghiệp 2020 về việc chào bán trái phiếu riêng lẻ và cho rằng 99% các doanh nhân và doanh nghiệp không thể hiểu được điều này.

Ông nhận định Điều 128 Luật Doanh nghiệp 2020 là “rất có vấn đề”, nếu không sửa luật hay không có sự giải thích thì nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp đều có sự lúng túng.

Cũng về khung pháp lý, nhận định về quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về việc không chào bán trái phiếu riêng lẻ qua phương tiện thông tin đại chúng, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng việc này đi ngược với công nghệ hiện nay.

Theo luật sư, việc chào bán có càng nhiều người mua, người biết càng tốt, giống như đấu giá và chỉ cần đảm bảo điều kiện bán không quá 100 nhà đầu tư. 

“Nhà đầu tư mất tiền đi quảng cáo để mọi người biết đến và có sự cạnh tranh nên việc chào bán qua phương tiện thông tin đại chúng là không sai”, ông Trương Thanh Đức cho hay.

Theo ông, việc cấm bán cho nhà đầu tư không chuyên là không có lý. Ông cho rằng bảo vệ nhà đầu tư là cần thiết, nhưng phải cân đối và hợp lí trong tổng thể giữa nhà phát hành và người mua.

Ở góc độ doanh nghiệp, trước những rủi ro của nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Thuân chỉ ra 4 giải pháp để hỗ trợ phòng tránh rủi ro cho các nhà đầu tư là sử dụng tư vấn chuyên nghiệp, tự đánh giá rủi ro nếu có khả năng, đa dạng hóa kênh đầu tư cùng đặc điểm, hiểu về kết quả tín nhiệm nhà phát hành và trái phiếu.

Ngoài ra, ông Thuân cũng đề xuất 2 chỉ số thông dụng cho các nhà đầu tư khi đánh giá năng lực nhà phát hành là chỉ số khả năng chi trả nợ gốc (nợ vay/EBITDA) và chỉ số khả năng chi trả lãi vay EBITDA (EBITDA/chi phí lãi vay).

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, đứng từ góc độ rủi ro thì việc tìm ra trái phiếu doanh nghiệp tốt và không tốt là điều dễ dàng. Nhưng nếu tìm một trái phiếu phù hợp với khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư lại là câu chuyện khác.

Ông Quỳnh cho rằng nhà đầu tư cần phải hiểu rõ về tình hình tài chính cá nhân của mình để tránh trường hợp bỏ hết trừng vào một rỏ, từ đó tìm được khẩu vị rủi ro trước khi quyết định đầu tư một phần tài sản của mình vào trái phiếu doanh nghiệp.

“Nếu chưa thực sự hiểu thì chưa nên đầu tư”, ông Quỳnh nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng trong giai đoạn vô cùng khó khăn của nền kinh tế thì đây không phải lúc để nhà đầu tư bùng nổ và kiếm lợi nhuận bằng mọi giá mà là thời điểm của sự chọn lọc và cẩn trọng.

Theo Hải Đường/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/chao-ban-trai-phieu-rieng-le-khong-nen-cam-quang-cao-va-ban-cho-nha-dau-tu-khong-chuyen-20180504224257989.htm