QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Châu Phi tiếp tục “kêu cứu” vì cạn kiệt vaccine

Theo WHO, hiện nay mới chỉ 3,6% dân số châu Phi được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine COVID-19. Khi tổng số ca nhiễm đã vượt 8 triệu, “lục địa đen” đang cần được viện trợ vaccine hơn bao giờ hết.

(Ảnh minh hoạ: New York Times)

Nguy cấp

Khi một số nước giàu có chuẩn bị tiêm mũi tăng cường cho người dân, vẫn có hàng trăm triệu người tại châu Phi đang chờ mũi vaccine đầu tiên. Thực trạng đáng buồn này phản ánh rất rõ sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine COVID-19 trên toàn cầu.

Đã có những nghiên cứu đã chứng minh sự suy giả hiệu qủa của 1 số loại vaccine là có thật. Nhưng vẫn chưa ai dám khẳng định những người khoẻ mạnh cần phải được tiêm mũi tăng cường. Mũi 3 chỉ nên tiêm cho người có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao,hoặc người có hệ miễn dịch yếu.Tuy vậy, quyết định của lãnh đạo các nước giàu có đang đẩy người dân châu Phi xa khỏi vaccine COVID-19 hơn.

“Tiêm mũi nhắc lại cho những người khoẻ mạnh chẳng khác gì gửi trợ cấp giáo dục cho con cái của những tỷ phú,” Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Phi nói.

Mới chỉ có 3,6% dân số châu Phi được tiêm chủng đầy đủ. (Ảnh:: Đại Đoàn Kết)

“Lục địa đen” đang phải oằn mình chống đỡ làn sóng dịch bệnh thứ 3, với hơn 8 triệu ca COVID-19 đã được ghi nhận. Số ca nhiễm đang tiếp tục tăng vọt từng ngày. Do đó, châu Phi rất cần được hỗ trợ khẩn cấp vaccine để ngăn chặn đợt lây nhiễm thứ 4 bùng phát.

Trước khi cân nhắc tiêm mũi thứ 3 cho người dân, một số nước cũng đã tích trữ số vaccine nhiều hơn nhu cầu thực tế của họ, theo New York Times. 9 tháng sau khi loại vaccine đầu tiên ra đời, mới chỉ 20% người dân ở các nước nghèo được tiêm liều đầu tiên – so với 80% ở nhiều nước giàu có, theo WHO.

Có lẽ không khu vực nào bị ảnh hưởng bởi sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine như châu Phi. Hiện tại, chỉ 51 triệu người, tương đương 3,6% dân số châu Phi được tiêm chủng đầy đủ, so với hơn 65%  ở Anh và 66% ở Mỹ. Nhiều lô vaccine dự kiến tới châu Phi bị tạm dừng trong nhiều tháng, vì nguồn cung cạn kiệt do tình trạng  thiếu hụt vaccine toàn cầu và lệnh cấm xuất khẩu. Đến nay, COVAX chỉ giao được 25%  số vaccine đã cam kết trong năm nay, theo Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng GAVI.

Cơ chế COVAX sẽ chỉ cung cấp được 470 triệu liều vaccine cho châu Phi trong năm 2021, đủ để tiêm chủng cho 17% dân số, theo WHO. (Ảnh: UNICEF Việt Nam)

Theo hãng tin Al-Jazeera, các nước giàu có sẽ vẫn thừa 1,2 tỷ liều vaccine sau khi tiêm mũi 3. Nhưng số vaccine đó có được phân phối đúng chỗ hay không là một vấn đề khác. Đến nay, thế giới mới chỉ nhận 15% trong số 1 tỷ liều vaccine mà nhóm nước G7 và Liên minh châu Âu cam kết chia sẻ.

Chưa phải thời điểm thích hợp để tiêm mũi nhắc lại

Với tình hình hiện nay, những nước giàu có cần phải bỏ ý định tích trữ vaccine, để COVAX và Liên minh châu Phi được tiếp cận càng sớm càng tốt. Nếu không, những nước nghèo có tỷ lệ phủ vaccine thấp sẽ biến thành “vườn ươm” cho những biến thể mới. Thế giới đã hứng chịu sự tàn phá nặng nề của biến thể Delta, hiện đã xuất hiện ở hơn 180 quốc gia và làm tăng tỷ lệ mắc bệnh nặng cũng như tử vong.

Báo cáo về 15 triệu liều vaccine COVID-19 bị vứt bỏ ở Mỹ là điều rất đau lòng. Nếu như số vaccine đó được dành cho cho châu Phi, rất nhiều người có thể đã được cứu sống.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở Port Elizabeth, Nam Phi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine còn ảnh hưởng tới nền kinh tế những nước nghèo. Theo ước tính của Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) có trụ sở tại London (Anh), nếu không thể tiêm chủng đầy đủ cho ít nhất 60% dân số vào giữa năm 2022, 3 năm sau, những nước nghèo sẽ chịu thiệt hại về GDP là 2,3 nghìn tỷ USD.

Gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nhận định, bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine là một trong các nguyên nhân chính khiến nền kinh tế toàn cầu chậm phục hồi.

Theo bà Matshidiso Moeti, để đạt được mục tiêu tiêm 2 mũi vaccine cho 40% dân số châu Phi vào cuối năm nay, WHO đã kêu gọi nhiều nước tạm hoãn việc tiêm mũi tăng cường cho những người khỏe mạnh. Bất chấp lời kêu gọi này, vẫn có ít nhất 13 quốc gia vẫn sẽ tiếp tục kế hoạch tiêm mũi 3. WHO ước tính, nếu tất cả những nước giàu có đều tiêm mũi tăng cường cho người dân, họ sẽ cần 1 tỷ liều vaccine mỗi năm – số vaccine đủ để 40% người châu Phi được tiêm chủng đầy đủ.

“Chúng tôi không phản đối việc tiêm mũi nhắc lại, nhưng bây giờ chưa phải là thời điểm hợp lý. Những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao nhất cần phải được tiếp cận với vaccine trước, đặc biệt là châu Phi,” bà Matshidiso Moet khẳng định.

Theo Việt Khôi/Ngày Nay/New York Times

Nguồn: https://ngaynay.vn/chau-phi-tiep-tuc-keu-cuu-vi-can-kiet-vaccine-post112768.html