QC 1
Thứ 3, ngày 23/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi: Sẽ bảo vệ quyền & “lợi” của người gửi tiền một cách tốt nhất

Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định phê duyệt.

Theo quyết định, mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần tích cực duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Cụ thể là phấn đấu tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92% – 95%, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.

Phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đến năm 2025 là 30 ngày làm việc và đến năm 2030 là 15 ngày làm việc, nhằm giúp người gửi tiền được tiếp cận sớm với tiền gửi của mình khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được xử lý.

Đặt mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách bảo hiểm tiền gửi.

Phó Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi

Quyết định cũng nêu rõ, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm đảm bảo ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm tiền gửi, nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa tổ chức bảo hiểm tiền gửi và các cơ quan liên quan; tạo hành lang pháp lý để tổ chức bảo hiểm tiền gửi tham gia thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm tối đa hóa giá trị thu hồi.

Xây dựng kế hoạch dự phòng và diễn tập chi trả cho từng loại hình tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Xây dựng sổ tay chi trả đối với từng loại hình tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm chuẩn hóa quy trình chi trả, đa dạng hóa các hình thức chi trả, áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình chi trả nhằm rút ngắn thời gian chi trả thực tế.

Quyết định cũng đặt ra yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp luật để thực hiện: Tăng vốn điều lệ cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi; Tăng cường năng lực tài chính thông qua việc cho phép tổ chức bảo hiểm tiền gửi đa dạng hóa hình thức và danh mục đầu tư; Bổ sung hình thức vay từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi không đủ để trả tiền bảo hiểm và Xây dựng Đề án tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm.

Mới đây, ngay sau khi có thông tin bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt, người dân đã đổ xô đi rút tiền khỏi Ngân hàng SCB. Điều này đã tạo tâm lý hoang mang, gây mất ổn định cho khách hàng tại ngân hàng này.

Tuy nhiên, ngay sau đó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã trấn an dư luận rằng NHNN đã áp dụng những biện pháp cần thiết để SCB hoạt động bình thường, đảm bảo thanh khoản.

“Ở Việt Nam từ trước đến nay, những khoản gửi tiền của người dân tại các ngân hàng, trong đó có Ngân hàng SCB đều được Nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp. Tôi cho rằng, những người gửi tiền ở SCB cần hết sức bình tĩnh, không nên rút tiền, nhất là trước hạn để đảm bảo quyền lợi của mình”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đưa ra lời khuyên với người dân.

Theo Việt Anh/Thương Gia

Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/chien-luoc-phat-trien-bao-hiem-tien-gui-se-bao-ve-quyen–loi-cua-nguoi-gui-tien-mot-cach-tot-nhat-53797.htm