QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chiến thuật đầu tư cổ phiếu và triển vọng nhóm nghành trong thời gian tới

Chuyên gia cho rằng, chu kỳ của cổ phiếu là yếu tố giúp nhà đầu tư xác định khi muốn nắm giữ dài hạn. Còn trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể áp dụng phân tích kỹ thuật nhằm xác định khoảng thời gian cổ phiếu bị quá bán và tìm kiếm thời điểm mua vào sinh lời với biên lợi nhuận 10 – 20%.

Chiến thuật đầu tư cổ phiếu và triển vọng nhóm nghành trong thời gian tới. Hình minh họa
Quản trị rủi ro trong đầu tư?

 Thị trường chứng khoán vừa trải qua một đợt sụt giảm mạnh với chỉ số VNN-Index mất 7,36% trong tháng 6 và lùi về dưới mốc 1.200 điểm; thanh khoản thị trường cũng giảm đáng kể, riêng sàn HOSE, giá trị giao dịch bình quân trong tháng 6 giảm hơn 30% so với mức trung bình trong nửa đầu năm nay.

Các nhà đầu tư thường đặt ra câu hỏi: vì sao, những cổ phiếu được kỳ vọng là hưởng lợi từ giá dầu tăng như BSR, OIL, PLX… thì mức tăng phản ánh lại khá chậm, tăng trưởng ít hơn những cổ phiếu như PVS, PVD – nhóm upstream vốn được đánh giá không hưởng lợi ngay từ giá dầu tăng?

Thực tế, doanh thu và lợi nhuận của PVS ít phụ thuộc vào giá dầu do sở hữu danh mục đầu tư đa dạng như: tàu biển, cảng, kho chứa dầu nổi, cơ khí dầu khí… Trong khi đó, PVD cũng chỉ ghi nhận tác động gián tiếp từ việc giá dầu tăng, cụ thể là giá dầu thô cao hơn có thể thúc đẩy các dự án thăm dò, sản xuất và gia tăng lượng việc làm hơn. Tuy nhiên, trong mỗi đợt giá dầu trên thế giới rục rịch tăng kéo theo nhóm cổ phiếu dầu khí dậy sóng, hai mã này đều có mức tăng trưởng thuộc top đầu so với các cổ phiếu cùng ngành.

Tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 10 với chủ đề: Cơ hội hồi phục và ẩn số vàng đen, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI đánh giá, đúng là trong thời gian rất dài giá dầu tăng, nhóm cổ phiếu như PVS, PVD đã phản ứng ngay lập tức với giá dầu như mọi người kỳ vọng. Thế nhưng, trong tháng 6 vừa qua thì ngược lại, BSR là cổ phiếu phản ứng ngay khi giá dầu vượt 115 USD/thùng.

“Điều đó có thể thấy thị trường đang có sự thay đổi, vì thị trường không mãi như thế mà có sự xoay vòng và lựa chọn cổ phiếu kể cả trong một nhóm ngành. Năm nay, BSR có thể có mức lợi cao hơn hồi cổ phần hóa là 7.000 tỷ đồng, đương nhiên chúng ta có mức kỷ lục mới. Rõ ràng, thị trường cũng đang đưa kỳ vọng đó vào giá cổ phiếu rồi”, bà Phương phân tích.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI

Đối với trường hợp cụ thể cổ phiếu BSR của Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn, ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc Công ty cho biết, BSR đang duy trì sản xuất để đảm bảo đạt được lợi nhuận tối đa. Dù dự báo giá dầu có chiều hướng giảm, song bộ giá trong quý III sẽ rất tốt và đây vẫn là những thuận lợi để BSR xây dựng kịch bản điều hành quý III và IV.

Ông Dương phân tích thêm, xung đột Nga – Ukraine được giải quyết sẽ là yếu tố giúp hạ nhiệt giá dầu và cân bằng lại nguồn cung. Nếu như trước đây, các sản phẩm có thể dịch chuyển từ khu vực Trung Đông về các nước Trung Á, thì hiện nay Mỹ cũng có thể trở thành nước xuất khẩu các sản phẩm sang châu Âu để bù đắp thiếu hụt sản phẩm từ Nga.

“Kiểm soát rủi ro liên quan đến giảm giá dầu là yếu tố chúng tôi phải đưa vào theo dõi hàng ngày, thay đổi tuỳ theo thời điểm và phải dự phòng những yếu tố không xác định được”, ông Dương thông tin.

Đối với quản trị rủi ro trong đầu tư, bà Phương cho rằng, nhà đầu tư cần quan tâm đến rủi ro của cả thị trường, sau đó mới đến cổ phiếu. Đồng thời, nhà đầu tư cũng phải xác định rõ ràng là đầu tư ngắn hạn hay dài hạn. Vì hai quan điểm đầu tư này khác nhau, đôi khi có thể mâu thuẫn với nhau. Với cổ phiếu ngành dầu khí càng khó hơn nữa vì biến động rất thất thường.

Về chiến thuật ngắn hạn, nhà đầu tư cần bám theo diễn biến giá dầu. Với sự “detox” rất lớn của giá cổ phiếu trong thời gian qua, phương pháp quản trị rủi ro là rất quan trọng, nhà đầu tư cần xác định không nắm giữ nếu giá cổ phiếu biến động bất lợi hoặc giảm mạnh so với kỳ vọng của mình.

Về dài hạn, nhà đầu tư cần theo dõi kỹ yếu tố cơ bản hàng ngày như cung cầu, biến động giá để đưa ra lý do tại sao trong thời gian tới giá dầu sẽ biến động theo hướng tích cực. Chẳng hạn, giá dầu quý 3 giảm so với quý 2, nhưng so với cùng kỳ vẫn ở mức cao cũng giúp bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp sáng sủa. Bên cạnh đó, nếu so sánh tương quan với các ngành khác có bức tranh lợi nhuận giảm thì đây vẫn là điểm tích cực.

Tiếp đến, bà Phương đưa ra khuyến nghị dành cho các nhà đầu tư nắm giữ nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường như ngân hàng, chứng khoán và thép, vốn đã có những biến động tăng giảm mạnh trong thời gian qua trong đó thép là ngành liên quan đến hàng hóa, giá đã đạt đỉnh và có sự điều chỉnh.

Theo đó, nhà đầu tư khi quan tâm đến việc xuống tiền hoặc bán cần để ý đến chu kỳ của cổ phiếu và doanh nghiệp. Chu kỳ hiện tại đã ngắn hơn so với trước kia, khoảng 2 – 3 năm. Nếu đang ở đỉnh chu kỳ và vẫn trên đà đi xuống, cơ hội sẽ hạn chế và nhà đầu tư nên tìm kiếm ở nhóm ngành khác.

Chu kỳ của nhóm ngân hàng và chứng khoán được nhận định có phần khác biệt như ngân hàng là ngành tốt khi nền kinh tế tăng tốc, và ngược lại cần tránh nếu nền kinh tế đang suy thoái.

Bà Phương cho rằng, chu kỳ của cổ phiếu là yếu tố giúp nhà đầu tư xác định khi muốn nắm giữ dài hạn. Còn trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể áp dụng phân tích kỹ thuật nhằm xác định khoảng thời gian cổ phiếu bị quá bán và tìm kiếm thời điểm mua vào sinh lời với biên lợi nhuận 10 – 20%.

Nhóm ngành triển vọng quý 3/2022

Về triển vọng trong quý 3/2022, bà Phương nhận định, những ngành có triển vọng tích cực là nhóm có liên quan đến giá hàng hóa hoặc đứt gãy nguồn cung như dầu khí, vận tải biển. Nhóm này được kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng trưởng tốt, nhất là trong bối cảnh giá cước tàu vẫn ở mức cao. Các nhóm ngành khác sẽ có những ảnh hưởng nhất định bởi chi phí đầu vào tăng dẫn đến ép biên lợi nhuận giảm xuống.

Đối với nhóm ngân hàng, vốn có tỷ trọng lớn nhất trong VN-Index, bà Phương cho rằng sẽ tương đối khó nhận định vì áp lực cho nhóm này từ đợt dịch COVID-19 vừa qua đã giảm đáng kể. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã chủ động trích lập dự phòng nợ xấu rất nhiều. Bởi vậy, rủi ro của ngành ngân hàng có thể mang tính dài hạn hơn, khiến bức tranh lợi nhuận quý III, IV sẽ tương đối “thú vị”.

Đối với ngành thủy sản – nhóm có biến động tăng giảm mạnh trong tuần qua, bà Phương cho biết ngành này có độ biến động rất lớn, cần xác định đỉnh lợi nhuận nằm ở quý nào. Giá cá xuất khẩu đang ở mức cao, dự kiến duy trì trong quý III/2022. Tuy nhiên, mức giá này có thể mang tính chu kỳ, khó kỳ vọng kéo dài lâu và xu hướng lợi nhuận sẽ đi theo xu hướng của giá bán.

Theo đó, nhà đầu tư cần cân nhắc thời điểm chốt lời hợp lý, và việc giá biến động thất thường có thể phản ánh kỳ vọng lợi nhuận tốt trong quý tới hoặc sẽ chậm dần, tương tự như biến động ngành thép.

Theo Việt Hoàng/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/chien-thuat-dau-tu-co-phieu-va-trien-vong-nhom-nghanh-trong-thoi-gian-toi-138524.html