QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,8%, lạm phát dưới 4% cho năm 2020

Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV cho biết mục tiêu tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam là 6,8%.

Cụ thể, theo Thủ tướng, trong năm 2020, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 – 34% GDP.

Về xã hội, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1 – 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%.

Về môi trường, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo mọi thuận lợi thúc đẩy phát triển KTXH. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, hội nhập.

Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác. Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Một nội dung quan trọng khác đã và đang được triển khai lâu nay là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, theo đó Chính phủ sẽ tiến hành “mạnh mẽ, thực chất hơn”.

Chính phủ cũng sẽ khắc phục hiệu quả những hạn chế, tồn tại và có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn các trọng tâm cơ cấu lại về đầu tư công, các tổ chức tín dụng và DNNN; thực hiện nghiêm việc cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả hoạt động; phát huy vai trò của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; xử lý kiên quyết, dứt điểm các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả.

Trong đầu tư phát triển, sẽ huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đường bộ cao tốc Bắc – Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền.

Theo Bình An/VietnamFinance