QC 1
Thứ 7, ngày 05/10/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương trình phương án cho phép bán lại điện mặt trời mái nhà dư thừa

Để khuyến khích phát triển nguồn điện sạch, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu thí điểm cho phép điện sản xuất dư, không dùng hết sẽ được bán lên lưới quốc gia. Tuy nhiên, sản lượng bán không vượt quá 10% tổng công suất.

Tại tờ trình số 4135/TTr-BCT ngày 15/6/2024 và Công văn số 163/BC-BCT trình Chính phủ về điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương vẫn giữ đề xuất loại hình này được sản xuất nhưng chỉ được tiêu thụ tại chỗ, không được bán cho tổ chức, cá nhân khác, hay phát lên lưới điện quốc gia.

Điện mặt trời mái nhà không nối lưới sẽ không giới hạn phát triển. Còn trường hợp nối lưới không được vượt công suất phân bổ theo Quy hoạch điện VIII (2.600 MW).

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương trình phương án cho phép bán lại điện mặt trời mái nhà dư thừa - Ảnh 1
Hiện nay, cả nước có khoảng 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW.

Để khuyến khích phát triển nguồn điện sạch, ngày 10/7, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp về việc xây dựng nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu thí điểm việc sản xuất điện dư không dùng hết thì được bán lên lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, sản lượng bán không quá 10% tổng công suất.

Bộ Công Thương, Bộ Tài chính được giao nghiên cứu các quy định giá mua trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu trách nhiệm mua sản lượng điện dư và bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện, bảo đảm sự hài hòa và khuyến khích phát triển cơ chế này.

Đồng thời, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, nghiên cứu các giải pháp, thiết kế điều kiện cần thiết để không xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nguồn lực xã hội.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan bảo đảm tính pháp lý của nghị định và các quy định hiện hành, trong đó có Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII).

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu và hoàn thiện Dự thảo Nghị định trước ngày 11/7 để xem xét, ký ban hành trước ngày 12/7.

Trước đó, trình Chính phủ Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Bộ Công Thương nêu quan điểm, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được sản xuất và tiêu thụ tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán lên lưới điện quốc gia.

Lý giải cho quan điểm này, Bộ Công Thương cho rằng, điện mặt trời mái nhà không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố thời tiết. Trong khi đó, để có thể mua được lượng điện dư thừa, Nhà nước sẽ phải bỏ ra nhiều chi phí để đầu tư hệ thống lưu trữ và truyền tải, cũng như chi phí vận hành, bảo dưỡng.

Ngoài ra, Bộ này còn khẳng định Chính phủ đang khuyến khích lắp điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu với mục đích tự dùng, giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính, chứ không phải để kinh doanh, ưu đãi như trước đây. Tổ chức, cá nhân có thể chọn xả lên lưới là một sự ưu ái, may mắn.

Tuy nhiên, góp ý vào dự thảo nghị định, nhiều ý kiến đề xuất cho phép người dân lắp điện mặt trời mái nhà được bán phần dư thừa lên lưới. Song, cơ quan quản lý cần quy định giới hạn tỷ lệ dư thừa để chống trục lợi chính sách, nhất là ở các khu, cụm công nghiệp.

Tại cuộc họp về Dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa bên phát năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng lớn (cơ chế DPPA); và chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu diễn ra vào giữa tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu phương án khuyến khích, hỗ trợ tài chính (thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt…) cho người dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà kết hợp đầu tư thiết bị lưu trữ điện để bán lại cho EVN với giá điện nền huy động vào giờ cao điểm.

Theo Phó Thủ tướng, lắp đặt điện mặt trời mái nhà phải có hiệu quả kinh tế thì người dân mới làm, còn Nhà nước có thêm nguồn điện huy động để bảo đảm an ninh năng lượng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, tính toán lợi nhuận của phương án Nhà nước đầu tư nguồn điện mới, làm cơ sở cho chính sách hỗ trợ người dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Hiện nay, cả nước có khoảng 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn này đến 2030 thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.

Theo H.A/ Kinh Tế Môi Trường