QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chính phủ yêu cầu thúc đẩy ưu tiên đầu tư vốn cho các dự án trọng điểm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 452/CĐ-TTg về việc tiếp tục rà soát danh mục và khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Để khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đầu tư phát triển thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 11 và triển khai Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, căn cứ dự kiến danh mục và mức vốn cho từng nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ, khẩn trương triển khai, sớm hoàn thành thủ tục đầu tư (phê duyệt chủ trương đầu tư), bảo đảm đúng thời hạn theo yêu cầu tại văn bản số 450/TTg-KTTH ngày 20/5/2022. Trường hợp dự án không hoàn thành thủ tục đầu tư đúng thời hạn quy định sẽ thực hiện cắt giảm, đưa ra khỏi danh mục dự án của Chương trình.

Tiếp tục ưu tiên tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa nhanh, có khả năng giải ngân sớm và hấp thụ ngay vào nền kinh tế. (Ảnh internet)

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, cắt giảm số dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, không hiệu quả để bảo đảm bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún, chia cắt, kéo dài; ưu tiên tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa nhanh, có khả năng giải ngân sớm và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn phục hồi; các dự án phải bảo đảm thủ tục đầu tư theo quy định.

Đồng thời, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Thủ tướng Chính phủ, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan trong việc đề xuất danh mục, mức vốn và thông tin, số liệu các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn vốn từ Chương trình, bảo đảm tiến độ triển khai thực hiện thủ tục đầu tư theo đúng quy định của pháp luật và hiệu quả đầu tư của dự án.

Về nhiệm vụ những tháng tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu phải quyết tâm, quyết liệt, cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, làm việc có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, trong phân bổ và triển khai đầu tư công, Thủ tướng đề nghị các địa phương chia sẻ với trung ương, “chung tay phát triển hạ tầng”, không ỷ lại mà tính toán, đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên, thậm chí “thắt lưng buộc bụng”; rà soát, bố trí lại nguồn vốn để dành cho đầu tư phát triển, cho các công trình trọng điểm, lan tỏa cao.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với UBND các tỉnh, thành phố về tình hình kinh tế – xã hội, Thủ tướng nhận định, tình hình quý I/2022 đã khởi sắc tích cực. Theo đó, tăng trưởng kinh tế phục hồi ở hầu hết các địa phương. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt kết quả tích cực với 562.200 tỷ đồng, tăng 8,9%. Vốn FDI thực hiện đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8%, đạt mức cao nhất so với quý I các năm từ 2018 đến nay. Vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm 4,07 tỷ USD, tăng 93,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,63 tỷ USD, tăng 102,6% so cùng kỳ năm trước…

Mặt khác, phải đẩy mạnh hợp tác công – tư trong phát triển hạ tầng chiến lược, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước. Trong đó, đối với các dự án giao thông trọng điểm, Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, giúp người dân yên tâm, tin tưởng cuộc sống ở nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch, khai thác và quản lý các mỏ nguyên vật liệu, xử lý kịp thời, phù hợp vấn đề giá nguyên vật liệu. Chủ động phối hợp với các cơ quan, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề liên quan việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các dự án. Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương tập trung cho công tác lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch. 

Vừa qua, Quốc hội cũng đã đồng ý tăng bội chi ngân sách nhà nước trong năm 2022 và 2023 với khoảng 240.000 tỷ đồng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch. Hơn lúc nào hết, người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang chờ đợi các dự án đầu tư giải ngân nhằm đưa tăng trưởng kinh tế trở lại mức 6 – 6,5% như mục tiêu đề ra.

Theo Lan Anh/Kinh tế Môi trường

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/chinh-phu-yeu-cau-thuc-day-uu-tien-dau-tu-von-cho-cac-du-an-trong-diem-67367.html