QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chờ ngân hàng giảm lãi vay

Lãi suất cho vay còn dư địa giảm thêm nữa khi lợi nhuận ngân hàng cao, chênh lệch lãi suất huy động tăng và sắp tới có những yếu tố hỗ trợ thanh khoản thị trường.

Chờ ngân hàng giảm lãi vay

Biên lợi nhuận cao lịch sử

Mới đây, Techcombank công bố lãi suất cơ sở cho vay giảm nhẹ khoảng 0,05 -0,1%/năm. Cụ thể lãi suất cho vay ngắn hạn tiền đồng cố định từ 4,92 – 6,78%/năm, còn thả nổi từ 4,92 – 7,45%/năm; lãi suất trung hạn và dài hạn từ 7,73 – 8,23%/năm. Mức giảm nhỏ giọt không đủ kéo chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra. lãi suất huy động tiền đồng của nhà băng này, các kỳ hạn dưới 12 tháng đang khá thấp, từ 0,03 – 4,9%/năm, còn các kỳ hạn trên 12 tháng từ 4,2 – 5,1%/năm.

Một yếu tố khác theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) sẽ hỗ trợ cho việc giảm lãi suất cho vay đó là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 03/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của TT 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ các khách hàng có doanh thu, thu nhập giảm do tác động của dịch bệnh Covid-19.Theo Thông tư 03, NHNN cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ từ ngày 23/1/2020 đến hết năm 2021. Đối với việc phân loại nợ, số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại.Tuy nhiên, ngân hàng sẽ phải bắt đầu trích lập dự phòng căn cứ vào bản chất của các khoản nợ đó. Quy định này sẽ hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất – kinh doanh cũng như hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm áp lực trích lập, từ đó có thể hỗ trợ giảm lãi vay.

Không chỉ Techcombank, lãi suất huy động của các ngân hàng khác cũng ở mức khá thấp, các NH có vốn nhà nước chi phối như Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank huy động với lãi suất từ 0,1 – 5,5%/năm; các ngân hàng cổ phần khác như Sacombank huy động tiền đồng với lãi suất từ 3,1 – 6,3%/năm; Ngân hàng Bản Việt huy động từ 3,8 – 6,7%/năm…

Trong khi đó, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp (DN) hiện nay dù đang ở mức thấp nhất trong những năm gần đây nhưng mức giảm vẫn chưa theo kịp lãi suất huy động. Cụ thể một số lĩnh vực ưu tiên, DN vay ngắn hạn với mức lãi quanh 4,5%/năm; còn vay ngắn hạn phổ biến từ 5 – 6%/năm; vay trung dài hạn từ 7 -8%/năm. Đối với những khoản vay cũ từ những năm trước, lãi suất vay không thấp hơn 10%/năm.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, trong năm 2020, lãi suất cho vay đã giảm từ 1 – 1,5%/năm, thấp hơn mức giảm của lãi suất tiền gửi từ 2 – 2,5%/năm. Nhờ vậy, biên lãi ròng (NIM) của hầu hết các ngân hàng đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm 2020 và hiện ở mức cao lịch sử khoảng 4%.

Điều này thể hiện khá rõ trong kết quả kinh doanh quý I của các nhà băng. Đơn cử Vietcombank ước đạt 7.000 tỷ đồng, cao hơn 34% cùng kỳ năm ngoái và bằng 28% kế hoạch cả năm; ACB ước đạt 3.105 tỷ đồng, tăng hơn 61% so với cùng kỳ năm ngoái; MB gần 4.600 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ và đạt tới 43% kết quả của năm 2020; MSB ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái…

Một số lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần tiết lộ phải tìm chỗ “giấu” bớt lợi nhuận bởi công khai… sợ phản cảm.

Còn dư địa giảm lãi vay

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của ngành ngân hàng có thể thấy, dư địa giảm lãi suất vẫn còn khá lớn.

Ông Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính Trường đại học Kinh tế TP. HCM, cho rằng ngân hàng còn có thể giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ các DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các yếu tố hỗ trợ họ khá nhiều. Cụ thể, trong năm 2020, NH Nhà nước đã sửa đổi quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 40% được kéo dài thêm 1 năm nữa.

Điều này góp phần làm chi phí cho vay của các nhà băng không tăng. Với lãi suất huy động ngắn hạn tiền đồng của các ngân hàng đều ở mức rất thấp mà cho vay trung dài hạn cao hơn nhiều, NH thu một khoản lợi lớn.

Riêng câu chuyện chi phí vốn cao mà các ngân hàng vẫn hay đưa ra mỗi khi dư luận lên tiếng về việc giảm lãi vay cho nền kinh tế, theo ông Lê Đạt Chí, đến nay không còn nữa. Bởi hơn 1 năm qua đủ thời gian cho các nhà băng có thể điều chỉnh chi phí vốn về mức thấp.

Việc giảm lãi suất cho vay không chỉ giảm chi phí vốn mà còn giúp các DN tích lũy, tăng vốn chủ sở hữu, tránh bớt phụ thuộc vào vay nợ ngân hàng, tăng cường năng lực tài chính để chống chọi trước những cú sốc bên ngoài, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19 như hiện nay.

“Tỷ lệ nợ tư nhân ở mức cao, các DN vay nợ và trả lãi cao nên không còn tích lũy tăng vốn chủ sở hữu lên do đó cứ phải quay vòng phụ thuộc vào vay nợ ngân hàng. Với một nền kinh tế có tỷ lệ nợ tư nhân cao, dễ bị những cú sốc từ bên ngoài. Đặc biệt trong giai đoạn này, biến động trong đại dịch Covid-19 rất mong manh, DN dễ bị tác động.

Hiện lạm phát ở mức thấp nên lãi suất thực dương đang ở mức 2%, là khá cao. Nhiều nước có chính sách đưa lãi suất thực dương xuống thấp, DN vay trả ít lãi hơn để còn tăng tích lũy, chúng ta có thể tham khảo, tính toán”, ông Chí nói.

Báo cáo phân tích của VCBS mới đây cũng khẳng định: Vẫn còn dư địa để giảm lãi suất huy động và cho vay trong điều kiện kiểm soát được lạm phát. Hiện lạm phát ghi nhận nhiều yếu tố thuận lợi hơn những thách thức để có thể kiểm soát trong mức dự báo đạt 3 – 3,5% năm 2021.

Với mức lạm phát này, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ còn dư địa giảm thêm khi lãi suất huy động đã giảm khá trong thời gian dài. Một điểm lưu ý trên thị trường, tháng 6 là thời điểm giao dịch mua kỳ hạn ngoại tệ được thực hiện, kỳ vọng sẽ bổ sung thêm thanh khoản cho hệ thống. Đó là những yếu tố hỗ trợ nhà băng có thêm dư địa giảm lãi vay.

Theo Thanh Xuân/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/cho-ngan-hang-giam-lai-vay-20180504224252074.htm