QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cho vay khách hàng tăng trưởng mạnh, chênh lệch lớn với tiền gửi ngân hàng

Trong quý 1/2021, cho vay khách hàng của 27 ngân hàng niêm yết tăng trưởng 3,2%, cao hơn đáng kể tăng trưởng tiền gửi của khách hàng (1,4%). Mức chênh lệch này lớn hơn so với cùng kỳ 2020 khi cho vay khách hàng tăng trưởng 1,2% và tiền gửi của khách hàng tăng trưởng 0,2%.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ngân hàng Nhà nước hiện đang xem xét việc cấp thêm room tín dụng cho các tổ chức tín dụng đã sử dụng hết chỉ tiêu.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết theo kiến nghị của các tổ chức tín dụng (TCTD), cơ quan này đang tiến hành xem xét và đánh giá, trên cơ sở đó sẽ cấp thêm thêm room tín dụng cho các ngân hàng đã cạn room.

Trong năm 2021, NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng đến các TCTD trong hệ thống. Theo đó, nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp room mức 6,5-7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%.

Hạn mức của một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân như VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5% và MB, VPBank, Techcombank là 10,5-12%. Nhìn chung, mặt bằng room tín dụng được NHNN cấp cho các TCTD thấp hơn tổng thể cả năm trước.

Năm 2021, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 12% và sẽ được phân bổ hạn mức cụ thể xuống từng nhà băng, tùy vào năng lực hoạt động.

Nhưng về lâu dài, theo các chuyên gia, NHNN nên cân nhắc giữa việc cấp room tín dụng theo quý, thay vào đó cần quản lý theo hệ số an toàn vốn (CAR).

Thực tế một số TCTD đã “xài” hết room tín dụng ngay từ quý 1/2021. Chẳng hạn như MSB, tăng trưởng tín dụng đã chạm mức trần được cấp phép đầu năm là 10,5% so với đầu năm, và tăng 33,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức tăng này cao hơn so với mức bình quân toàn hệ thống là 2,9% so với đầu năm, kết quả này giúp MSB trở thành ngân hàng phát triển nhanh nhất về lĩnh vực cho vay. MSB đã xin NHNN tăng mức trần và kỳ vọng được phê duyệt trong tháng 6/2021.

Đầu năm 2021, NHNN đã xây dựng 3 kịch bản cho tăng trưởng tín dụng cho toàn ngành. Ở kịch bản 1, việc tiêm chủng vắc xin đại trà và dịch Covid-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12-13%, có thể đạt 14%. Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng 6, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vắc xin kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10-12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng khoảng 7 – 8%.

Trong quý 1/2021, cho vay khách hàng của 27 ngân hàng niêm yết tăng trưởng 3,2%, cao hơn đáng kể tăng trưởng tiền gửi của khách hàng (1,4%). Mức chênh lệch này lớn hơn so với cùng kỳ 2020 khi cho vay khách hàng tăng trưởng 1,2% và tiền gửi của khách hàng tăng trưởng 0,2%.

Số liệu phân tách dư nợ doanh nghiệp và cá nhân không được các ngân hàng công bố đầy đủ trong quý 1/2021. Tuy nhiên, 7 ngân hàng có phân tích trong thuyết minh báo cáo tài chính (MB, MSB, PG Bank, SHB, SeABank, VIB, VPBank) cho thấy cả hai mảng có mức tăng trưởng tương đương, tuy tín dụng cá nhân tăng trưởng cao hơn một chút.

Xu hướng tín dụng cá nhân tăng cao hơn tín dụng doanh nghiệp dù trong bối cảnh Covid-19 góp phần vào việc tăng thu nhập lãi thuần và lợi nhuận cận biên của các ngân hàng, do đây là các khoản vay có lãi suất cao hơn và biên lãi ròng lớn.

Tính đến 16/4/2021, tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020. Các TCTD cũng đã triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tính đến ngày 5/4, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt hơn 3,16 triệu tỷ đồng cho 456,6 nghìn khách hàng.

Sang tháng 5, NHNN cho biết tăng trưởng tín dụng toàn ngành 5 tháng đạt 4,67%. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước, con số này chỉ đạt chưa tới 2%.

Theo Anh Khôi/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/cho-vay-khach-hang-tang-truong-manh-chenh-lech-lon-voi-tien-gui-ngan-hang-96267.html