QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chủ tịch CMSC Nguyễn Hoàng Anh: ‘Thời điểm tốt để tối ưu hiệu quả vốn đầu tư của nhà nước’

 Ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã dành cho Đầu tư Tài chính cuộc phỏng vấn riêng về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN trong thời gian qua và những kế hoạch sắp tới.

Chủ tịch CMSC Nguyễn Hoàng Anh: 'Thời điểm tốt để tối ưu hiệu quả vốn đầu tư của nhà nước'

– Ông đánh giá thế nào về công tác cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Hoàng Anh: Ngay sau khi thành lập (năm 2018), Ủy ban đã đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) là doanh nghiệp đầu tiên được Ủy ban phê duyệt quyết toán cổ phần hóa tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần. Việc hoàn thành cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và Công ty mẹ – Tổng Công ty Phát điện 2 (Genco 2) đều gây được tiếng vang.

Tuy nhiên, công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu trong thời gian qua cũng gặp một số những khó khăn, vướng mắc. Trong giai đoạn 2016-2020, chính sách và quy định về tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn còn nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện, chậm được sửa đổi, bổ sung. Đến cuối năm 2020, đầu năm 2021, các vướng mắc về cơ sở pháp lý mới cơ bản được tháo gỡ.

Đối tượng cổ phần hoá, thoái vốn của Ủy ban là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính nhiều cấp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.

Việc rà soát để điều chỉnh kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 còn phải xem xét thận trọng. Bên cạnh đó, năm 2020 và từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định.

Mặt khác, chất lượng tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn khó đạt yêu cầu do nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa không thu hút được đầu tư tư nhân, không có cổ đông chiến lược, chưa đạt mục tiêu tái cơ cấu sở hữu để nâng cao chất lượng quản trị, tăng sức mạnh tài chính tiếp cận thị trường và công nghệ mới; quy mô thị trường còn nhỏ, khó có thể hấp thụ hết toàn bộ số vốn cổ phần hóa, thoái vốn trong một khoảng thời gian nhất định, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

– Xin ông cho biết, các giải pháp của Ủy ban để thúc đẩy công tác cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước?

Thứ nhất, Ủy ban tiếp tục chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện nghiêm túc Kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 khi được phê duyệt.

Thứ hai, lập kế hoạch, rà soát, tổ chức, chỉ đạo thực hiện và kiểm tra giám sát các tập đoàn, tổng công ty trong việc tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp cầ khi thực hiện công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Thứ ba, tăng sự phối hợp giữa Ủy ban, các Bộ, ngành, địa phương, các cấp có thẩm quyền và các tập đoàn, tổng công ty để báo cáo, cùng đề xuất giải pháp thống nhất tháo gỡ khó khăn về các quy định pháp lý nhà nước liên quan đến tái cơ cấu, cổ phần hóa thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty.

Thứ tư, hoàn thiện Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thứ năm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ xây dựng Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước gồm nội dung sắp xếp doanh nghiệp có vốn góp của Công ty mẹ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo các quy định tại Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021.

Việc tăng cường trách nhiệm người đứng đầu đơn vị thực hiện, cổ phần hóa, thoái vốn sẽ tạo ra cả động lực và áp lực để lãnh đạo các đơn vị tập trung thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

– Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán liên tục thiết lập các đỉnh mới nhờ dòng tiền dồi dào và số lượng đầu tư F0 tham gia đột biến. Theo ông, chúng ta cần làm gì để nắm lấy thời điểm “vàng” này để thu về lợi ích cho nhà nước? Với vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước, Ủy ban có quyết sách gì để giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa “làn sóng” này?

Thị trường chứng khoán có thể coi là biểu đồ sức khỏe của nền kinh tế. Do vậy, sự phát triển của thị trường chứng khoán có thể coi là điểm sáng của nền kinh tế, biểu thị kỳ vọng của nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đối với sự phát triển của kinh tế đất nước. Thời điểm này, nếu như những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được tháo gỡ thì đây có lẽ là thời điểm tốt để tối ưu hóa hiệu quả vốn đầu tư của nhà nước tại các doanh nghiệp.

Xác định công tác quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hoạt động quan trọng của Ủy ban. Ủy ban đã hoàn thành phê duyệt sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021 cho 19/19 tập đoàn, tổng công ty theo quy định; Chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty rà soát, bổ sung, giải trình và làm rõ ý kiến của các Bộ, cơ quan để hoàn thiện dự thảo Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm (2021-2025) của doanh nghiệp; Hoàn thành giao chỉ tiêu đánh giá hoạt động và xếp loại doanh nghiệp năm 2021 đối với 12/12 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo quy định. Trên cơ sở báo cáo của các tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban đã tổng hợp, xây dựng Kế hoạch sắp xếp lại Công ty Mẹ- các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2021-2025, tổ chức họp với các doanh nghiệp để thống nhất về kế hoạch trước khi gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định; đồng thời tiếp tục rà soát, thẩm định và xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan đối với Đề án tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2021-2025…

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để đảm bảo việc sử dụng vốn nhà nước có hiệu quả; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, đổi mới và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp nhà nước, với nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế; huy động các nguồn lực xã hội, tiếp tục đưa doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt; chủ động ứng phó, vượt qua những khó khăn.

Nếu như những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, kinh doanh của doanh nghiệp được tháo gỡ thì đây có lẽ là thời điểm tốt để tối ưu hóa hiệu quả vốn đầu tư của nhà nước.

Theo Hoàng Anh Minh/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/chu-tich-cmsc-nguyen-hoang-anh-thoi-diem-tot-de-toi-uu-hieu-qua-von-dau-tu-cua-nha-nuoc-20180504224261404.htm