QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chủ tịch FECON lý giải việc lỡ hẹn phát hành 32 triệu cổ phiếu tăng vốn, hé lộ nhà đầu tư mới

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FECON, cho biết năm 2020 công ty này đã đàm phán với nhà đầu tư Trung Quốc về việc chào bán 32 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên sau đại hội, việc đàm phán đã bị hủy bỏ. Hiện, FECON đang làm việc với các nhà đầu tư thuộc nhóm G7 và Việt Nam, trong đó có 2 nhà đầu tư đã bước vào vòng đàm phán cuối cùng.

Chủ tịch FECON Phạm Việt Khoa

Sáng nay (30/6), Công ty Cổ phần FECON (HoSE: FCN) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 theo hình thức trực tuyến.

Tại đại hội, ông Phạm Việt Khoa, thay mặt ban lãnh đạo FECON, đã trình bày kết quả kinh doanh năm 2020, kế hoạch năm 2021 và giải đáp các thắc mắc của cổ đông về các vấn đề của công ty trong thời gian qua.

Kết quả kinh doanh 2020: Doanh số kí hợp đồng đạt kỷ lục

Năm 2020, FECON đạt 3.154 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, 133,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, 2.006 tỷ đồng doanh thu công ty mẹ, 81,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ.

Chủ tịch FECON Phạm Việt Khoa nhấn mạnh mặc dù 2020 là năm đặc biệt khó khăn của nền kinh tế nói chung và ngành xây dựng nói riêng, tuy nhiên công ty vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.

Những kết quả nổi bật là: doanh số kí hợp đồng của FECON đạt mức kỉ lục, khoảng 6.000 tỷ đồng. Đặc biệt, mảng kinh doanh chiến lược là xây dựng công nghiệp (dự án năng lượng tái tạo) đã ghi nhận nhiều thành tựu như: trúng thầu các dự án điện gió BT Quảng Bình, điện gió Thái Hòa, điện gió Trà Vinh V1.3, điện gió Quốc Vinh – Sóc Trăng. Riêng giá trị hợp đồng kí mới đã đạt trên 2.000 tỷ đồng.

Tại các dự án điện gió nói trên, FECON là tổng thầu phần hạ tầng và kết cấu chính, đảm nhận toàn bộ việc thiết kế thi công kết cấu chính và hạ tầng kĩ thuật cho công trình. Đây được xem là bước chạy đà tốt của chiến lược phát triển 2021 – 2025, từng bước khẳng định vai trò của Fecon là tổng thầu xây dựng.

Tuy vậy, so với mục tiêu đề ra, FECON vẫn chưa thể hoàn thành chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận. Lý giải cho điều này, ông Khoa cho rằng thị trường xây dựng năm 2020 có sự cạnh tranh rất khốc liệt, để giữ được doanh thu, công ty đã chấp nhận giảm tỷ suất lợi nhuận của các dự án, đặc biệt là các dự án ở phía nam.

Việc lợi nhuận sau thuế chưa đạt được còn do thiếu hụt sự đóng góp của mảng đầu tư, do công tác đầu tư, thoái vốn chưa kịp hoàn thành trong năm 2020.

Dù thế, năm 2020, FECON cũng có thành tựu trong việc đầu tư các dự án năng lượng tại các tỉnh Bình Thuận, Gia Lai, Bà Rịa – Vũng Tàu…; các dự án bất động sản công nghiệp tại Thái Nguyên, Bắc Giang…; các dự án hạ tầng đô thị tại Hưng Yên, Đồng Tháp…

Nổi bật trong số đó là dự án điện gió ngoài khơi biển Bà Rịa – Vũng Tàu công suất 500 MW. Tại dự án này, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã cho phép Fecon nghiên cứu lập hồ sơ, diện tích khảo sát khoảng 120km2.

“Như vậy, danh mục dự án của Fecon hiện có 1.000 MW năng lượng tái tạo, 800 ha hạ tầng khu công nghiệp và 200 ha hạ tầng khu đô thị”, ông Khoa nói.

Về công tác phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2020, FECON cho biết đợt 1, công ty đã phát hành thành công 50 tỷ đồng (bằng 1/3 tổng giá trị phát hành). Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản, kỳ hạn 18 tháng, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu.

Đợt 2, FECON phát hành thành công 80 tỷ đồng trái phiếu (bằng 100% tổng giá trị phát hành). Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản, kỳ hạn 18 tháng, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu.

Kế hoạch kinh doanh năm 2021

Năm 2021, Fecon đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 3.900 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 175 tỷ đồng, tăng lần lượt 24% và 31% so với năm 2020.

Mục tiêu doanh thu công  ty mẹ năm 2021 là 2.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 175 tỷ đồng, tăng lần lượt 30% và 4% so với thực hiện năm 2020.

Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2021 như sau: trích quỹ khen thưởng, phúc lợi không quá 15% lợi nhuận sau thuế công ty mẹ, cổ tức không quá 10% vốn điều lệ (bằng tiền).

Về kế hoạch đầu tư, ông Phạm Việt Khoa cho biết FECON dự kiến đầu tư các dự án năng lượng 230 tỷ đồng, chi phí dự án hạ tầng giao thông 20 tỷ đồng, chi phí dự án hạ tầng bất động sản đô thị 60 tỷ đồng, chi phí dự án hạ tầng khu công nghiệp 30 tỷ đồng.

Cũng tại đại hội, HĐQT đã trình ĐHCĐ thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2020. Theo đó, tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế của công ty mẹ chưa phân phối tính đến 31/12/2020 là 115,3 tỷ đồng (riêng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 là 81,7 tỷ đồng).

HĐQT trình phương án trích quỹ khen thưởng phúc lợi 8,1 tỷ đồng, chia cổ tức năm 2020 bằng tiền 37,6 tỷ đồng (3% vốn điều lệ). Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại là 69,5 tỷ đồng.

Phát hành 32 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tăng vốn điều lệ

Đáng chú ý, HĐQT tiếp tục trình phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ và tăng vốn điều lệ. Cụ thể, FECON dự kiến phát hành 32 triệu cổ phiếu, giá trị phát hành 13.000 đồng/cổ phần, giá trị chào bán dự kiến là 416 tỷ đồng. Nếu thành công, vốn điều lệ dự kiến tăng lên 1.574 tỷ đồng.

Mục đích phát hành là tài trợ cho việc phát triển và triển khai các dự án sắp tới, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo và môi trường, bổ sung vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tăng doanh thu và lợi nhuận.

Trong trường hợp nhà đầu tư không mua hết cổ phiếu dự kiến chào bán, đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho HĐQT tiếp tục tìm kiếm và phân phối số lượng cổ phiếu dư thừa này.

HĐQT cũng trình đại hội cổ đông thông qua việc nhà đầu tư tham gia đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai trong trường hợp số cổ phiếu mà nhà đầu tư mua vượt quá quy định về chào mua công khai.

Toàn bộ số cổ phần phát hành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 100% ttrong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2021, nhưng thời điểm cụ thể sẽ được quyết định sau khi có sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Thảo luận tại đại hội cổ đông

Cổ đông Trần Ngọc ThúyVới các dự án bất động sản mà FECON được thuê đóng cọc, làm nền móng, công ty có nên tranh thủ đầu tư không?

Chủ tịch Phạm Việt Khoa: Đây là ý tưởng khá hay. Chúng tôi đang cân nhắc nghiên cứu làm việc với chủ đầu tư có dự án tốt để khi thi công một phần cho các dự án này sẽ đổi lại là sản phẩm bất động sản, nhất là sản phẩm có thanh khoản cao.

Cổ đông Công ty Cổ phần Đầu tư Phan Vũ (đang nắm khoảng 52.000 cổ phần): Đề nghị chủ tịch HĐQT nêu rõ lí do không phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược theo nghị quyết đại hội cổ đông năm 2020?

Chủ tịch Phạm Việt Khoa: Năm 2020 (và 2 năm trước đó) chúng ta đã có nghị quyết phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nhưng không thực hiện được. Nguyên do là tình hình thị trường chứng khoán rất bất lợi cho các doanh nghiệp xây lắp như FECON.

Về việc chào bán cổ phiếu, chúng tôi đã có những cơ hội tiếp xúc với các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc. Tại thời điểm diễn ra đại hội cổ đông năm 2020, chúng tôi đã đàm phán rất sát với nhà đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đại hội, chúng tôi có nhận được những thông tin không tích cực về công ty này. Để tránh xung đột quyền lợi, cũng như các vấn đề nhạy cảm biên giới hải đảo, chúng tôi quyết định không đàm phán tiếp.

Ngay sau đó, chúng tôi đã làm việc tích cực với các nhà đầu tư từ Singapore, Nhật Bản và kể cả nhà đầu tư Việt Nam. Ở thời điêm này, chúng tôi đang ở vòng cuối cùng, đàm phán với nhà đầu tư các nước G7 và Việt Nam.

Hiện nay có 2 nhà đầu tư đã vào rất sát,  đang đàm phán điều khoản cuối cùng, trong đó có điều khoản giá mua. Chúng ta biết rằng giá mua thông qua là tại đại hội trước là 15.000 đồng/cổ phiếu, nhưng thị trường năm vừa rồi rất xấu nên cổ phiếu ngành xây dựng đều giảm. FECON cũng giảm, có lúc xuống dưới mệnh.

Do vậy, lần này, HĐQT căn cứ kết quả đàm phán vòng cuối cùng, đã trình ĐHCĐ giá chào bán 13.000 đồng/cổ phàn. Chúng tôi mong cổ đông thông qua để công ty kí hợp đồng với nhà đầu tư, huy động được nguồn vốn để thực hiện kế hoạch kinh doanh đầu tư.

Cổ đông Đinh Thị Lệ ThủyBan lãnh đạo hãy chia sẻ về các dự án bất động sản công nghiệp đang làm, lợi thế của FECON là gì khi tham gia mảng này?

Chủ tịch Phạm Việt Khoa: Trong các mảng đầu tư mà FECON ưu tiên có mảng khu công nghiệp. Hiện nay, công ty đang theo đuổi các dự án khu công Bắc Giang, Thái Nguyên. Tên các dự án thì chúng tôi chưa được phép tiết lộ vì về pháp lý chưa hoàn toàn thuộc về FECON. Song hiện công ty đang theo đuổi 3 dự án gồm: 1 khu công nghiệp rộng 436 ha, 1 cụm công nghiệp rộng 75ha và 2 cụm công nghiệp khác rộng 75ha.

Lợi thế của FECON là chúng ta là doanh nghiệp làm hạ tầng, do đó ta làm được hết các công việc. Thứ hai là mạng lưới đối tác của FECON khá lớn, đặc biệt đối tác từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc. Nếu ta làm khu công nghiệp thì rất có lợi thế thu hút nhà sản xuất đến thuê.

Bên cạnh đó, đối tác của các nhà đầu tư đang muốn vào FECON có quan hệ tốt với giới chủ khu công nghiệp uy tín, có cả Nhật Bản, châu Âu. Chúng tôi tin tưởng các khu công nghiệp đang theo đuổi này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho FECON trong vài năm tới.

Cổ đông Đinh Thị Lệ Thủy (hỏi tiếp): Giá vật liệu tăng thì ảnh hưởng ra sao tới hoạt động kinh doanh của FECON? Cách HĐQT quản lý  rủi ro biến động giá?

Chủ tịch Phạm Việt Khoa: 6 tháng qua, giá nguyên vật liệu tăng phi mã, nhất là thép. Ta có một số dự án bị ảnh hưởng, nhất là dân dụng. Trong các dự án dân dụng, ta không có điều khoản về điều chỉnh giá. Nhưng may mắn là đầu năm 2021, ta đã làm việc với nhà cung cấp thép rất lớn của Nhật. Họ đồng ý cung cấp thép với giá không đổi trong 6 tháng. Qua đó, ta đã quản lý rủi ro việc tăng giá vật liệu

Còn với các nguyên liệu khác như cát, đá… ta đã có sự  quản lý về giá thông qua việc đàm phán trực tiếp với chủ đầu tư để tháo gỡ. Hầu hết dự án điện gió mà ta thi công đầu năm 2021 đều đã đàm phán được để các chủ đầu tư hỗ trợ.

Cổ đông khácTại sao giá cổ phiếu FCN không tăng?

Chủ tịch Phạm Việt Khoa: Năm 2020 vừa qua, đầu năm 2021, chúng ta chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, suy giảm kinh tế, tất cả dự án bất động sản hầu như bị dừng, chậm, các dự án hạ tầng hay công nghiệp cũng thế.

Ta theo đuổi 3- 4 dự án rất lớn nhưng bị chậm cả năm trời, vì chuyên gia, tư vấn không sang được. Thị trường khó khăn như thế, tình hình công ty xây lắp cũng khó như thế, hầu hết phải giảm giá để vào dự án mà dự án lại không có nhiều. Vì thế kết quả kinh doanh không như mong đợi, dẫn đến giá cổ phiếu bị ảnh hưởng. Trên sàn thì các mã xây dựng đều thấp và lao dốc cả, FCN cũng không nằm ngoài xu thế.

Cách duy nhất tăng giá là làm sao có kết quả kinh doanh tốt hơn, lợi nhuận tốt hơn trong thời gian tới.

Cổ đông Phạm Minh HuệCơ sở nào để ban lãnh đạo xây dựng kế hoạch kinh doanh 2021?

CEO Nguyễn Văn Thanh: Doanh thu mục tiêu 3.900 tỷ đồng căn cứ vào hợp đồng chuyển tiếp khoảng hơn 2.000 tỷ đồng từ năm 2020, sẽ được thực hiện hầu hết trong quý II – đầu quý III năm 2021.

Năm nay, FECON đăt mục tiêu kí mới 5.000 tỷ đồng. Từ đầu năm tới giờ, công ty đã kí được 1.600 tỷ đồng. Mục tiêu từ giờ tới cuối năm sẽ kí khoảng 3.500 tỷ đồng nữa từ các hợp đồng lớn đang theo đuổi, nhất là 2 dự án nhiệt điện lớn, 4 dự án phong điện với giá trị các dự án lớn là khoảng 3.000 tỷ đồng.

Về lợi nhuận, với tỷ suất sau thuế kỳ vọng 5%, thì doanh số 3.900 tỷ đồng sẽ cho lãi sau thuế 140 – 150 tỷ đồng. Ngoài ra, chúng tôi kì vọng thoái vốn, thu lợi nhuận từ dự án đầu tư như điện mặt trời Vĩnh Ngọc 6 khoảng 30 tỷ đồng nữa. Năm 2021, chúng tôi đang làm việc sát với các đối tác, đang đi tới những bước gần cuối cùng để thỏa thuận với họ.

Cổ đông Trần Công NguyênGần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn làm dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. FECON có kế hoạch gì, khả năng và cơ hội gì để làm được các dự án này?

Chủ tịch Phạm Việt Khoa: Giai đoạn 2020 – 2021 là giai đoạn FECON triển khai dự án điện gió đầu tiên, với tư cách tổng thầu, ta đã kí 8 dự án. Sắp tới, FECON đàm phán 5 – 6 dự án, hi vọng trúng 3 – 4 dự án.

Tất nhiên, đây là dự án điện gió trên bờ và gần bờ. Còn ngoài khơi, FECON đang tích cực tiếp cận nguồn lực công nghệ tiên tiến để thi công được. Chúng tôi đang nghiên cứu 3 công nghệ thi công điện gió ngoai khơi.

Cổ đông khácCập nhật tiến độ dự án điện gió tại Bà Rịa – Vũng Tàu?

Chủ tịch Phạm Việt Khoa: Dự án điện gió được tỉnh ủng hộ, đề xuất ra Bộ Công Thương để bổ sung vào Quy hoạch VIII. Ngay sau khi Quy hoạch VIII được chấp thuận thì chúng ta tiến hành các bước tiếp theo.

Phần cuối đại hội, các cổ đông đã biểu quyết thông qua toàn bộ tờ trình của HĐQT với tỷ lệ biểu quyết rất cao, đều trên 99%.

Theo Ái Châu Tử/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/chu-tich-fecon-ly-giai-viec-lo-hen-phat-hanh-32-trieu-co-phieu-tang-von-he-lo-nha-dau-tu-moi-20180504224255144.htm